Theo HSBC, NHNN có thể chọn giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm tới và dự báo mức tăng lãi suất đầu tiên 0,5% sẽ diễn ra vào quý III/2016. Cơ quan này dẫn dữ liệu từ IMF cho thấy dự trữ ngoại tệ của VN còn khoảng 30,3 tỷ USD vào cuối tháng 9 vừa qua.
Đầu tư vàng, nhiều rủi ro
- Cập nhật : 03/12/2015
(Tai chinh)
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ về chuyện giữ vàng và những thiệt hại khi giá vàng giảm nhanh
Lâu nay, vàng vẫn được cho là kênh đầu tư an toàn. Nhưng với xu hướng giá vàng giảm kéo dài vừa qua, có thời điểm về mức thấp kỷ lục 33 triệu đồng/lượng, có điều gì cần “cảnh tỉnh”, thưa ông?
Việc thua lỗ này có phần do thói quen giữ vàng vẫn còn. Đúng là những người đã mua vàng với giá cao trước đây, nay nếu đem ra bán, thì bị lỗ khá nhiều. Ít nhất là khoảng 10%, tùy thời điểm mua vào, so với khoản tiền mà họ đã bỏ ra mua cách đây 3-4 năm. Đây cũng là bài học cho những ai đã từng tin tưởng đầu tư vào vàng và chờ đợi giá vàng lên.
Nhìn về xu hướng tới đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, giá dầu tiếp tục “rơi”, thì giá vàng cũng sẽ khó vực dậy. Mà giá trị vàng thế giới giảm thì giá trị vàng trong nước cũng sẽ giảm theo, khó mà có thể trụ lại được. Với hiện tượng như thế thì việc găm giữ vàng, đầu tư vào vàng là loại đầu tư rất nhiều rủi ro trong lúc này.
Theo ông, giữ vàng là một cách thức đầu tư của người có “của ăn của để”, hay đơn thuần là một tập quán, thói quen trữ tiền không tính toán?
Trước tiên, phải nhìn nhận tập quán của người Việt Nam là giữ vàng, và qua những cuộc chiến thì người dân luôn cho rằng vàng là tài sản có giá trị, thanh khoản cao nhất, nên sau chiến tranh kết thúc, khi đất nước thống nhất thì một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý “thủ” vàng như là một loại của cải có giá trị lâu dài, bất biến về giá trị để tạo ra tài sản an toàn cho đời sống của mình.
Đặc biệt cách đây khoảng 20 năm thì tất cả mọi giao dịch vẫn định lượng trên cơ sở giá vàng. Tất cả những tài sản lớn, hay lĩnh vực cưới hỏi, của hồi môn thì cũng đều dựa trên giá trị của vàng.
Tâm lý đó cũng không phải là bất hợp lý, vì trong lịch sử loài người thì giá trị của vàng luôn đáng tin tưởng, như là một tài sản kích thích tiết kiệm. Không chỉ ở Việt Nam, ngay trong lịch sử cận đại của thế giới, vàng luôn được xem như phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm vàng hóavà đô la hóa trong nền kinh tế, quan niệm về giá trị của vàng đã có những chuyển biến.
Đặc biệt, kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, Chính phủ, NHNN đã đẩy mạnh các chính sách chống vàng hóa lên thêm một bước và đã đạt được kết quả. Vàng đã dần mất đi vai trò trong nền kinh tế và người dân cũng thấy vàng không còn là tài sản duy trì giá trị duy nhất. Nhất là khoảng 3 năm trở lại đây, giá vàng bắt đầu suy giảm mạnh thì tập quán giữ vàng dần mất đi.
Vậy trong bối cảnh hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định, giá vàng liên tiếp giảm… thì người dân còn nên xem vàng như một kênh đầu tư?
Giá trị của vàng trong những năm gần đây suy giảm rất nhiều cả trên thế giới và Việt Nam. Trước đây, ngay cả các NHTW cũng dự trữ nhiều vàng, như Mỹ có thời định giá tiền đô la trên khối lượng dự trữ vàng. Nhưng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Tổng thống Nixon đã xóa bỏ “kim bản tệ” và tính giá đô la trên sức mạnh kinh tế của Mỹ. Sau đó thì nhiều quốc gia không xem dự trữ vàng để định giá đồng bản tệ của mình...
Ở Việt Nam, với thành công trong việc “tiêu trừ” vàng hóa, đô la hóa của Chính phủ và NHNN, bên cạnh sự ổn định của VND với mức lạm phát thấp trong vài năm qua thì VND sẽ tiếp tục được nâng giá trị. Nhất là khi nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi, sẽ có nhiều cơ hội, nhiều kênh hơn cho người dân lựa chọn đầu tư, như chứng khoán, BĐS, cũng như tiền gửi tiết kiệm với lãi suất thực dương khá cao. Do đó, cần cân nhắc với kênh đầu tư vàng.
Xin cảm ơn ông