Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá dolar Mỹ liên tục được các ngân hàng thương mại điều chỉnh và đang hình thành một mặt bằng mới với giá bán ra phổ biến trên mức 22.500 VND/USD. Đáng chú ý, có thời điểm, đồng bạc xanh “neo” lên sát trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều hành lãi suất: Thận trọng đặt lên hàng đầu
- Cập nhật : 06/12/2015
(Tai chinh)
NHNN khẳng định sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có phương án điều hành phù hợp.
Khi lãi suất đặt lên “bàn cân”
Với mức lạm phát thấp như hiện nay, liệu có nên tính toán đến việc giảm lãi suất NH? Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên dư luận đặt ra câu chuyện điều hành lãi suất trên cơ sở lạm phát.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2011 trở lại đây, khi mà NHNN được giao nhiệm vụ điều hành CSTT chủ động linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô thì lãi suất – lạm phát gần giống như “cặp đôi hoàn hảo” để DN và người dân tham chiếu. Chẳng hạn, thời điểm năm 2011 lạm phát là 18,58% thì trần lãi suất huy động được các TCTD đẩy lên mức 20%/năm.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, thời điểm đó bên cạnh lãi suất huy động “bám đuổi” theo lạm phát thì nguyên nhân chủ yếu còn do hệ thống NH chưa đi vào tái cơ cấu, vẫn còn các NH yếu, thanh khoản gặp khó khăn nên đã nâng lãi suất lên và người gửi tiền mới hưởng thực dương ở mức khá cao.
Sau thời điểm đó, cùng với các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, trong đó NHNN theo đuổi mục tiêu điều hành CSTT chặt chẽ (trong năm 2011 và 2012) và chuyển sang thận trọng, linh hoạt từ năm 2013 đến nay thì lạm phát luôn được kiểm soát (năm 2012 là 6,81%; năm 2013 ở mức 6,04%; năm 2014 giảm mạnh còn 1,48% và năm 2015 dự báo khoảng 2%). Lạm phát giảm, lãi suất đã giảm theo và thống kê từ NHNN cho thấy, so với thời điểm năm 2011 hiện nay mặt bằng lãi suất của NH đã giảm tới 40%.
Năm 2015, ngay từ những tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có mức tăng thấp kỷ lục. Ví dụ tháng 6/2015, CPI chỉ tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 0,55% so với tháng 12/2014, và tăng 1% so cùng kỳ năm trước. Do đó, vấn đề NH có giảm lãi suất theo lạm phát hay không thường xuyên được đặt ra.
Nhiều lần chia sẻ với phóng viên, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, “bài toán” này không dễ giải. Bởi theo ông Lịch đúng là lạm phát năm nay ở mức thấp, nhưng với điều chỉnh lãi suất thì lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Với người gửi tiền thì luôn mong muốn hưởng lãi suất cao, ngược lại người đi vay lại muốn vay mức lãi suất thấp. Mà muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động.
“Nếu cứ tiếp tục giảm lãi suất huy động thì người gửi tiền có gửi vào NH không hay là chọn các kênh đầu tư khác?”- ông Lịch băn khoăn.
Cần sự thận trọng
Nhìn ở góc độ khác, một chuyên gia NH cho rằng, năm nay các NH đã phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay về mức thấp nhất có thể. Chênh lệch lãi suất đầu vào với lãi suất đầu ra ở mức thấp, hiện chỉ khoảng 2,5%. Nếu tính đủ các chi phí khác của NH như trích lập dự phòng rủi ro, chi phí hoạt động… thì mức chênh lệch giữa chi phí đầu vào và lãi suất cho vay ra của NH còn rất thấp.
Vị chuyên gia này cũng bình luận: Xét cho cùng thì giữ lãi suất ổn định như hiện nay là NH đang hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền và người đi vay.
Đặt vấn đề giảm lãi suất trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia NH cho rằng, nếu có xem xét điều chỉnh giảm thì không nên giảm nhiều quá, người dân lại chuyển vốn đầu tư từ tiền gửi sang các kênh khác.
Đồng tình với ông Lực, một số chuyên gia phân tích thêm: đúng là năm 2015 lạm phát ở mức thấp, trong đó nguyên nhân chủ yếu do giá dầu giảm mạnh so với dự báo. Vì vậy, không nên chủ quan trong điều hành mà phải thận trọng. Mục tiêu lạm phát năm 2016 được Quốc hội thông qua là mức dưới 5%, trong khi diễn biến kinh tế, giá dầu rất khó lường do đó, nếu nôn nóng điều hành giảm lãi suất, sau đó lại tăng lên dễ rơi vào tâm lý “lại thắt chặt tiền tệ”.
Bên cạnh đó, cũng phải tính tới vấn đề lãi suất giảm có đủ hấp dẫn để người dân gửi tiền vào NH hay không. Bởi với tăng trưởng tín dụng năm 2015 khoảng 17% thì nhu cầu huy động vốn của các NH là không nhỏ và nhiều khả năng năm 2016 cũng ở mức tương đương.
Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận một cách toàn diện về hệ thống tài chính của chúng ta hiện nay. Ở nhiều nước, thị trường vốn phát triển đã hỗ trợ, gánh bớt áp lực về cung ứng vốn cho nền kinh tế. Còn ở Việt Nam thị trường chưa phát triển, nếu không muốn nói là chưa hình thành nên hệ thống NH đang khá nặng gánh khi phải đảm nhiệm vốn cho vay cả trung, dài hạn.
Do đó, hệ thống NH không những phải cân đối giữa lạm phát và lãi suất, mà còn phải cân đối dòng vốn vào – ra để đảm bảo sự hợp lý, đồng thời còn tùy thuộc vào nhu cầu vốn trên thị trường, đảm bảo ổn định thanh khoản đủ vốn cho nền kinh tế.
Khi đề cập tới việc có thể giảm lãi suất trong thời gian tới, nhiều lãnh đạo NHTM cho rằng, đặt vấn đề giảm lãi suất hiện nay phải rất thận trọng. Một trong những khó khăn hiện nay là mức lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn đang ở mức cao.
Ví dụ, trong phiên đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành hôm 2/12, trái phiếu kỳ hạn 3 năm có lãi suất trúng thầu là 5,87%/năm; lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 6,60%/năm. Với mức lãi suất TPCP cao thì các NH sẽ đầu tư vào trái phiếu, giảm khả năng đầu tư cho vay tín dụng.
Từ những phân tích trên có thể nói vấn đề điều chỉnh lãi suất giảm chưa thể diễn ra sớm mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Về nhiệm vụ điều hành lãi suất thời gian tới, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục rà soát tình hình diễn biến nền kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có phương án điều hành phù hợp cũng như có chính sách cụ thể để thực hiện mục tiêu đã đề ra.