Hiện nay vẫn còn một số nhà băng chần chừ, chưa quyết liệt giảm tỷ lệ sở hữu vượt quá quy định tại các TCTD khác khiến tình hình sở hữu chéo tại Việt Nam chưa thể thoát khỏi sơ đồ mạng nhện.
Tín dụng và ẩn số lạm phát
- Cập nhật : 24/07/2016
Trong Báo cáo KT - XH gửi tới Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV đang diễn ra, Chính phủ cho biết, thời gian tới nhiệm vụ kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô vẫn có vị trí rất quan trọng. Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tăng dư nợ tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và có biện pháp quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng.
Dấu hiệu nới lỏng
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), có những dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ đã nới lỏng so với thời gian trước.
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II.2016 do VEPR vừa công bố chỉ ra rằng, hai quý đầu năm, nhu cầu huy động tăng cao, đẩy tăng trưởng huy động lên mức 8,23% so với cuối năm 2015. Đặc biệt, khối lượng tiền tệ tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm nay. Cung tiền (M2) tăng 8,07% so với cuối năm 2015, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Hoạt động trên thị trường mở (OMO) và kênh tín phiếu cũng diễn ra khá sôi nổi. Theo số liệu tổng hợp của Công ty chứng khoán Bảo Việt, NHNN đã thực hiện bơm ròng khoảng 32 nghìn tỷ đồng qua kênh OMO và 25,7 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu ra ngoài thị trường.
Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh cung tiền cho nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời không trung hòa (hút về) thông qua việc phát hành tín phiếu trên thị trường mở, với hy vọng nền kinh tế sẽ hấp thụ tốt nguồn vốn này qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
NHNN cũng vừa cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng 8,16% so với cuối năm 2015. Như vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt 20% theo đúng kế hoạch. Nhiều ngân hàng cũng đã tăng tín dụng gần chạm chỉ tiêu cả năm và đang xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Thận trọng lạm phát
Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, việc nới lỏng tiền tệ, bơm mạnh vốn ra nền kinh tế có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, trong bối cảnh hiện nay, tăng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả, ngược lại còn có thể gây áp lực lên lạm phát. Nếu kinh tế bất trắc, luồng tiền có thể lại đổ vào thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… chứ không đổ vào sản xuất - kinh doanh. “Chính phủ nên thắt chặt bớt chính sách tiền tệ và tài khóa để tránh gây áp lực lên lạm phát”, TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến hết tháng 6.2016 đã ở mức 2,35% so với cuối năm 2015 và mức tăng được dự báo sẽ cao hơn trong những tháng tới do tác động của cung tiền ở mức cao với độ trễ khoảng sáu tháng. Trong Báo cáo về tình hình KT - XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm gửi tới Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV, Chính phủ cũng nhận định: Lạm phát 6 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới.
Vì vậy, Chính phủ khẳng định, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô vẫn có vị trí rất quan trọng. Các cơ quan có trách nhiệm theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước. Trong đó lưu ý: các bộ, ngành, Trung ương, địa phương phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; chú trọng công tác bảo đảm cung - cầu hàng hóa; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tránh gây biến động giá do yếu tố tâm lý. Các cơ quan liên quan chủ động xây dựng và thực hiện tốt phương án điều chỉnh giá dịch vụ công (như dịch vụ y tế, giáo dục...) theo lộ trình và mức độ điều chỉnh phù hợp, không để tác động mạnh tới tình hình giá cả thị trường trong nước, gây áp lực gia tăng lạm phát.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng dư nợ tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Có biện pháp quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng. Tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản.
Theo Đức Kiên
Đại biểu nhân dân