tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp vẫn thua thiệt vì lãi suất

  • Cập nhật : 07/12/2015

(Tai chinh)

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức rất thấp trong nhiều năm qua, nhưng lãi suất vẫn được duy trì cao hơn các nước trong khu vực khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh sòng phẳng ngay cả trên sân nhà.

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, hiện mức lãi suất cho vay đã giảm về 8-10%/năm, giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Nhưng nếu nhìn vào cục diện cạnh tranh khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập chính thức vào cuối năm nay thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn rào cản. Bởi lãi suất ngân hàng cũng được tính vào giá vốn hàng bán, nên dù doanh nghiệp trong nước có làm giỏi bằng nước ngoài thì giá thành vẫn cao hơn.

Nghịch lý

Tại Diễn đàn CEO 2015 gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đang có một nghịch lý về giá cả, tiền tệ và lãi suất. Lạm phát đang ở mức rất thấp và theo xu hướng giảm (dự báo cả năm nay không quá 2%), nhưng lãi suất lại giảm không đáng kể và cao hơn nhiều so với lạm phát. Điều này xảy ra ngay cả khi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã nới lỏng – nghĩa là tiền bơm ra nhiều nhưng lãi suất không giảm.

Câu chuyện chi phí vốn cao ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp phải rời thị trường do không cầm cự được trước mức lãi suất cho vay quá cao những năm trước không phải hiếm. Chủ tịch Tập đoàn Gỗ Trường Thành kể câu chuyện, giai đoạn năm 2013, tập đoàn này từng rơi vào tình trạng kiệt quệ cũng một phần rất lớn vì lãi suất ngân hàng. Thời điểm năm 2013, do mới niêm yết trên thị trường chứng khoán nên việc huy động vốn trên sàn dễ dàng, Gỗ Trường Thành có dư nợ tín dụng với các ngân hàng thương mại lên tới 1.900 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 1.000 tỷ đồng.

“Dù tỷ lệ dư nợ vay trên vốn chủ sở hữu không phải quá cao, nhưng do lãi suất ngân hàng tăng phi mã khiến doanh nghiệp phải chi trả chi phí tài chính quá lớn và lâm vào tình trạng kiệt quệ…”, ông Võ Trường Thành nhớ lại.

Đến giờ, rất nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất đã “dễ thở” hơn, ở mức chấp nhận được, nhưng nếu đặt trong bối cảnh cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, nhất là hàng ngoại sẽ tràn vào Việt Nam theo những cam kết trong các FTA, nhất là cộng đồng kinh tế ASEAN, hàng Việt sẽ cạnh tranh ra sao với mức lãi suất này?

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vissan cho rằng, vẫn còn một điểm “không ổn” khác trong câu chuyện lãi suất cho vay, đó chính là các khoản vay cũ còn tồn đọng. Dù mức lãi suất vay mới đã về 8-10%/năm, thậm chí một số khoản vay được hưởng lãi suất thấp hơn, nhưng rất nhiều doanh nghiệp đang mắc kẹt với khoản nợ cũ phải gánh lãi suất cao, đến nay vẫn chưa hạ về tương xứng so với mặt bằng lãi suất mới.

Khó còn cửa giảm lãi suất

Vì sao vậy? Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên nhân là do nợ xấu còn lớn. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố nợ xấu đã được xử lý và đưa về dưới mức 3% tổng dư nợ, nhưng thực tế nợ vẫn còn nằm đâu đó, chưa ra khỏi nền kinh tế. Tỷ giá dù đã ổn định thời gian qua, nhưng thị trường vẫn kỳ vọng vào việc đồng USD tăng giá, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12 tới, góp phần làm lãi suất ở Việt Nam khó giảm. Một điều nữa, khi Chính phủ huy động vốn nhiều, tiền đâu đó vẫn chảy ra từ phía ngân hàng, nhưng ngân sách cần tiền chi tiêu đã phần nào chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân, khiến nguồn vốn cho khu vực tư nhân vơi cạn. Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp thường vay tới 90% vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đáng lo hơn, trong một diễn biến khác, lãi suất huy động ở một số ngân hàng thương mại đang có dấu hiệu tăng như Đông Á, Sacombank, Eximbank, Bản Việt… Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 10, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn thêm 0,2%/năm. Tại Ngân hàng Đông Á, mức lãi suất cao nhất cũng được đẩy lên 7,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. Một số ngân hàng khác áp dụng mức lãi suất cao hơn khi khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi. Động thái tăng lãi suất huy động được một số ngân hàng lý giải do cơ cấu lại dòng vốn huy động ở các kỳ hạn hoặc chuẩn bị nguồn vốn cho mùa vay cuối năm… Nhưng việc tăng lãi suất huy động đồng thời cũng cho thấy cửa giảm lãi suất cho vay ngày càng hẹp lại.

Chưa hết, trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đạt mức 10,8% so với cùng kỳ và cả năm nay có thể đạt mức 17% (so với mức 14,2% trong năm ngoái). Theo các ngân hàng thương mại, từ nay đến cuối năm nhu cầu tín dụng từ cộng đồng doanh nghiệp và cả khách hàng cá nhân sẽ tăng mạnh khi thị trường vào mùa kinh doanh mua bán lớn nhất trong năm. Với nhu cầu vốn tăng mạnh, trong khi tốc độ tăng trưởng huy động lại không theo kịp thì cửa giảm lãi suất cho vay dường như không còn.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết, chênh lệch huy động và cho vay đang thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các ngân hàng cũng vơi bớt, càng khó giúp lãi suất giảm thêm. Quan trọng hơn, tín dụng tăng trưởng tốt cho thấy, thị trường chấp nhận mức lãi suất này, nên các ngân hàng thương mại sẽ khó có động lực giảm lãi suất.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục