tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TPP với ngành dệt may và da giày: Làm gì để tận dụng cơ hội?

  • Cập nhật : 24/03/2016

(Tin kinh te)

Đó là chủ đề của hội thảo do Báo Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức sáng 24/3 tại TP.HCM. Hội thảo nhận được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương; hỗ trợ về chuyên môn và công tác tổ chức của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam…

Ngày 4/2/2016, sau quá trình đàm phán, rà soát thủ tục pháp lý, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước thành viên ký kết chính thức và được xem là Hiệp định thương mại thế kỷ, mang tính lịch sử lớn nhất trong vòng 20 năm qua.

Hiệp định TPP sẽ đem lại những thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, tăng cường giao lưu thương mại giữa nước ta với Hoa Kỳ và các đối tác hàng đầu trong khu vực và trên thế giới; tiếp tục góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

thu truong bo ke hoach va dau tu dang huy dong chia se tai hoi thao

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đậu tư Đặng Huy Đông chia sẻ tại Hội thảo

Lĩnh vực dệt may và da giày là hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được Việt Nam chú trọng trong đàm phán TPP. Việc tham gia TPP được kỳ vọng sẽ mang lại cho ngành dệt may và da giày Việt Nam những cơ hội to lớn để mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu...  Tuy nhiên, đi kèm với các cơ hội to lớn đó, nhiều thách thức từ TPP cũng đã được dự báo.

“Do vậy muốn hội nhập thành công, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn thẳng vào chính mình, thay đổi từ tư duy đến hành động để có thể nắm được những cơ hội hội nhập mới”, Ts. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Tổng biên tập Báo Đầu tư nhìn nhận.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, việc tham gia TPP sẽ tạo cơ hội để Việt Nam hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để phát triển kinh tế, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ gia tăng do được hưởng lợi ích của Hiệp định. Đặc biêt, TPP sẽ tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta”, Thứ trưởng Đông đánh giá.

Chia sẻ với các doanh nghiệp về chính sách, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì biên soạn Dự thảo (lần 1) của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có một chương về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết ngành. Đây là khái niệm kinh tế không mới trên thế giới nhưng ở nước ta đây là lần đầu được luật hóa. Theo đó, có 2 dạng mức. Thứ nhất là các doanh nghiệp cùng ngành hàng, có vị trí địa lý gần cận nhau. Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bám sát ngành hàng đó trong suốt chuỗi giá trị.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, luật mới này sẽ hỗ trợ rất thiết thực, hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập, nhất là tham gia TPP. Với chuỗi liên kết ngành, các doanh nghiệp dệt may, da giày có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển.

Theo Ban tổ chức, tại hội thảo, sẽ có phần thảo luận mở, tập trung thảo luận, bàn các giải pháp để giúp các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam tận dụng cơ hội từ TPP. Nội dung thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: làm thế nào để giải quyết các điểm nghẽn về nguyên phụ liệu, về chuỗi cung ứng sợi- dệt- nhuộm, về công nghệ, lao động…để tận dụng các cơ hội mang lại từ TPP? Làm gì để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu? Xu hướng của các bên mua (buyers) là gì, có dự kiến tăng tỷ trọng nhập hàng từ Việt Nam hay không, tiêu chí để họ đặt hàng là gì, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam cần làm gì để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này? Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng cho các dự án dệt may và da giày, chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, các vấn đề về tự do nghiệp đoàn, phòng vệ thương mại…cũng là những nọi dung được quan tâm, thảo luận tại hội thảo.

 

Hồng Sơn
(Theo Báo Đầu Tư)
Trở về

Bài cùng chuyên mục