8 tháng năm 2015, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 105,15 tỷ kWh, tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu chiếm 1,11% cơ cấu sản lượng điện.
Nổi sóng ngành nhiệt điện
- Cập nhật : 05/04/2016
(Tin kinh te)
Công ty Chứng khoán BVSC dự đoán, mức tăng trưởng lợi nhuận của Nhiệt điện Phả Lại trong năm 2016 có thể lên tới 63%.
Những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu nhiệt điện như PPC của Nhiệt điện Phả Lại, NT2 của Nhơn Trạch 2 và BTP của Nhiệt điện Bà Rịa thường xuyên tăng giá. Dù có giảm trong phiên ngày 31.3, nhưng tính từ 6 tháng trở lại đây, thị giá của các cổ phiếu ngành này hiện bằng hoặc vượt dự đoán của giới phân tích.
Sở dĩ cổ phiếu nhiệt điện có thể bứt phá là nhờ yếu tố thời tiết đang có lợi cho các doanh nghiệp ngành này. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt El Niño 2015-2016 có khả năng sẽ ở mức kỷ lục và có thể kéo dài, phủ rộng hơn mức dự báo. Như vậy, El Niño đã và sẽ còn tác động mạnh đến ngành thủy điện. Trước mắt, sản lượng thủy điện năm 2015 giảm 6% và dự kiến sẽ còn giảm 7,6% trong năm 2016, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đã có 15/51 nhà máy rút khỏi thị trường phát điện cạnh tranh. Do vậy, sản lượng nhiệt điện buộc phải tăng để bù đắp cho lượng điện thiếu hụt từ thủy điện.
Bằng chứng là chưa hết tháng 3.2016, sản lượng điện của Nhơn Trạch 2 đã đạt con số 1,33 tỉ kWh, hoàn thành hơn 30% chỉ tiêu cả năm. Tuy nhiên, vì nhà máy Nhơn Trạch 2 đã hoạt động ở mức hiệu suất cao (84%) từ cả năm qua nên sản lượng điện của nhà máy khó có thể tăng mạnh. Lãnh đạo Nhơn Trạch 2 cũng xác nhận, nếu được giao tăng sản lượng điện, Công ty chỉ có thể tăng thêm 10% trong năm 2016 và đây là giới hạn của nhà máy.
Dù khó lòng tăng mạnh sản lượng, nhưng lợi nhuận của các công ty nhiệt điện trong năm 2016 được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Tại Đại hội cổ đông vừa qua, ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng Giám đốc Nhơn Trạch 2, cho biết lợi nhuận quý I/2016 dự kiến tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Công ty Chứng khoán BVSC dự đoán, mức tăng trưởng lợi nhuận của Nhiệt điện Phả Lại trong năm 2016 có thể lên tới 63%. Đó là kịch bản dựa trên giả định tiền đồng giảm 7% so với đồng yen Nhật.
Tỉ giá luôn là yếu tố tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện, bởi đây là nhóm ngành có vay ngoại tệ lớn. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, cuối năm 2015, tổng dư nợ gốc của khoản vay ngoại tệ ở Nhơn Trạch 2 là hơn 123,6 triệu USD và hơn 112,9 triệu euro. Vì thế, kết quả kinh doanh của Công ty chịu ảnh hưởng mạnh bởi rủi ro tỉ giá. Hay đối với Nhiệt điện Phả Lại, lỗ chênh lệch tỉ giá năm 2015 đã lên đến 280 tỉ đồng, khiến lợi nhuận bị ăn mòn. Ở Nhiệt điện Bà Rịa, biến động đồng won luôn tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Nhưng sang năm 2016, BVSC cho rằng, diễn biến trái chiều giữa USD và euro được dự báo sẽ giúp cho Nhơn Trạch 2 trung hòa rủi ro tỉ giá. Trong khi đó, kịch bản cho Nhiệt điện Phả Lại là Công ty có thể tiếp tục lỗ chênh lệch tỉ giá như đã xảy ra trong năm 2015. Nhiệt điện Phả Lại đã lường đến tình huống này và thận trọng hạch toán dự phòng cho khoản lỗ tỉ giá giai đoạn đầu tư của Nhiệt điện Quảng Ninh vào kết quả kinh doanh, dù Nhiệt điện Quảng Ninh chưa hạch toán khoản này.
Giới đầu tư cũng thấy triển vọng từ việc hết khấu hao ở dây chuyền 2 tại Nhiệt điện Phả Lại. Như vậy, từ năm 2016, doanh nghiệp này chỉ còn ghi nhận khấu hao ở mức 50-60 tỉ đồng/năm thay vì 500-700 tỉ đồng như trước. Cùng đó, giá bán điện theo hợp đồng PPA (hợp đồng mua bán điện tạm tính) đối với dây chuyền 1 đã hết hiệu lực sau năm 2015. Giá điện mới cho giai đoạn từ năm 2016 trở đi phụ thuộc vào chi phí đầu tư cho dây chuyền 1. Nhưng kế hoạch nâng cấp dây chuyền này với tổng vốn đầu tư 2.600 tỉ đồng vẫn trong giai đoạn tư vấn. Vì thế, nhiều khả năng, giá hợp đồng cho năm 2016 chưa phản ánh chi phí đầu tư mới. Với những yếu tố này, biên lợi nhuận gộp của Nhiệt điện Phả Lại dự kiến cải thiện từ 9,2% lên 10%. Ngoài ra, Công ty cũng có thể tăng lợi nhuận từ đầu tư vào Nhiệt điện Hải Phòng, với tỉ lệ nắm giữ gần 26% vốn điều lệ.
Đối với Nhơn Trạch 2, ưu điểm là nhà máy gần trung tâm phụ tải miền Đông Nam Bộ nên được ưu tiên huy động khi cần bù đắp sản lượng điện thiếu hụt. Nguồn nguyên liệu chính của Công ty là khí đốt từ mỏ Nam Côn Sơn được đảm bảo trong hợp đồng mua bán khí lên đến 25 năm. Riêng hợp đồng bán điện PPA với EVN cũng được ký lên đến 10 năm. Giá bán điện cũng tính bằng USD. Nhờ đó, Nhơn Trạch 2 tránh được phần nào rủi ro tỉ giá. Máy móc, công nghệ hiện đại cũng giúp công ty này tiết kiệm nhiên liệu, tăng giảm công suất một cách linh hoạt... Tất cả những điều này giúp Công ty có ưu thế hơn khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Tiềm năng của Nhơn Trạch 2 còn đến từ những cơ hội đầu tư mới. Công ty hiện có các dự án là nhà máy CO2 lỏng, công nghệ phun sương và nhà máy Nhơn Trạch 3. Theo ông Hoàng Xuân Quốc, hiệu quả đầu tư của dự án nhà máy CO2 khá cao khi thị trường trong nước mới chỉ có Đạm Hòa Phát cung cấp, còn lại nhập từ Trung Quốc. Đối với dự án phun sương, Nhơn Trạch 2 có thể qua đó tăng 6-7% công suất nhà máy. Đối với nhà máy Nhơn Trạch 3, Công ty đang chờ giấy phép. Nếu được chấp thuận, Công ty sẽ phối hợp với các bên triển khai nhà máy này.
Nhưng ngành nhiệt điện cũng có không ít rủi ro. Ngoài rủi ro tỉ giá là nỗi ám ảnh lớn, các công ty nhiệt điện còn chịu tác động từ giá nguyên liệu. Dù giá khí đốt và than đá phục vụ cho sản xuất nhiệt điện dự báo không tăng trong năm 2016 nhưng các chi phí này vẫn chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất. Do đó, so với thủy điện - chỉ dựa vào sức nước có trong tự nhiên để tạo điện, biên lợi nhuận của nhiệt điện thấp hơn rất nhiều.
Nhiệt điện cũng khó có thể vượt được thủy điện trong cung cấp sản lượng điện. Lâu nay, thủy điện là nguồn cung cấp điện chính cho cả nước, chiếm gần 50%. Nhiệt điện cũng chủ yếu tập trung ở phía Nam, nơi có các bể khí của Petro Việt Nam đang khai thác. Sản lượng nhiệt điện cũng phụ thuộc vào lịch bảo dưỡng máy móc. Nhiệt điện Phả Lại, chẳng hạn, hiện có 2 tổ máy cần đại tu và 2 tổ máy cần trung tu với chi phí bảo dưỡng lên tới khoảng 500-600 tỉ đồng. Chi phí lớn là lý do vì sao năm 2015, Công ty đã trì hoãn việc bảo dưỡng này.
Viết Nguyên
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)