tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sẽ có nhiều luồng vốn đổ vào thiết bị y tế

  • Cập nhật : 14/03/2016

(Tin kinh te)

Với mức tăng trưởng 18%/năm, thị trường trang thiết bị y tế đang là lĩnh vực kỳ vọng hút vốn tư nhân mạnh mẽ. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các DN nội địa sẽ không lớn và nguy cơ “thua trên sân nhà” cũng đang hiện hữu.

“Đất màu” trị giá tỷ đô

Thống kê mới nhất của Cơ quan đại diện thương mại Pháp tại Việt Nam cho thấy, tính đến thời điểm cuối năm 2015, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ước đạt khoảng 800 triệu USD. Hiện cả nước có khoảng 1.000 DN hoạt động sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, 90% trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh đang được mua bán, sử dụng tại các bệnh viện là các sản phẩm nhập khẩu. Số lượng đơn hàng nhập khẩu trang thiết bị y tế trong giai đoạn 2012-2015 vừa qua liên tục tăng từ 700-1.000 đơn hàng/năm, tương đương giá trị hàng trăm triệu USD/năm.

Giới phân tích thị trường cho rằng, cuối năm 2015 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2015 hướng dẫn về nhập khẩu trang thiết bị y tế. Văn bản này quy định khá chi tiết về các bước lập hồ sơ, khảo sát giá, thẩm định và xây dựng hồ sơ mời thầu.

nam 2016, doanh thu thi truong trang thiet bi y te se dat muc 1,2 ty usd

Năm 2016, doanh thu thị trường trang thiết bị y tế sẽ đạt mức 1,2 tỷ USD

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng đã bổ sung vào danh sách các trường hợp được ưu tiên miễn thuế bao gồm: nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế. Chính vì vậy, hành lang pháp lý đối với hoạt động đầu tư lĩnh vực trang thiết bị y tế đang có sự đổi mới theo hướng khuyến khích các DN gia tăng nhập khẩu.

Trong khi đó, quan sát thị trường cho thấy, hiện nay hàng loạt các nhà đầu tư đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore đã bắt đầu có kế hoạch đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các Tập đoàn y tế lớn như: Fortis Healthcare (Ấn Độ), Seirei (Nhật Bản), Temasek (Singapore)… đã tiến hành các cuộc mua bán, sáp nhập trị giá hàng trăm triệu USD ngay tại thị trường trong nước, đồng thời chủ động hợp tác toàn diện với các DN lớn của Việt Nam để tranh thủ thị phần.

Giới phân tích nhận định rằng, với đà phát triển hiện nay của thị trường trang thiết bị y tế, dự báo trong năm 2016 doanh thu của các DN mảng này tại thị trường Việt sẽ tăng khoảng 400 triệu USD so với 2015, đạt mức khoảng 1,2 tỷ USD, con số này sẽ được nâng lên 1,8 tỷ USD vào năm 2018 và mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt khoảng 18-20%/năm.

Hàng nội khó đầu ra

Theo phân tích của các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế tại TP.HCM, với kế hoạch phát triển, mở rộng các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh tại nhiều địa phương như hiện nay, dư địa để đầu tư mạnh vào lĩnh vực trang thiết bị y tế là rất rộng lớn.

Chỉ tính riêng thị trường TP.HCM trong 3 năm tới ước tính nhu cầu vốn đầu tư sẽ đạt khoảng 900 triệu USD đến 1 tỷ USD. Tuy nhiên, cơ hội này nghiêng nhiều hơn cho các DN khối ngoại vì nhóm DN nội trong lĩnh vực này đang gặp nút thắt về tiêu thụ sản phẩm.

Giải thích điều này, ông Trương Hùng, Phó chủ tịch Hội Thiết bị y tế TP.HCM cho rằng, mặc dù hiện nay Chính phủ và các địa phương đã có những chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, tài chính... để thúc đẩy phát triển ngành sản xuất thiết bị y tế, nhưng đang thiếu cơ chế mua các sản phẩm để hỗ trợ các DN nội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cụ thể, theo ông Hùng các thang điểm để đánh giá sản phẩm khi tham gia đấu thầu, bán hàng vào các bệnh viện hiện nay không có sự thống nhất giữa sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước và các sản phẩm nhập khẩu.

Do đó, các DN mặc dù phải nhập khẩu nguyên vật liệu chất lượng tốt với giá cao và đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất với nguồn vốn lớn nhưng lại khó trúng thầu trong các đợt đấu thầu cung cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện.

Thậm chí, một số dự án đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế còn đặt ra tiêu chí xuất xứ sản phẩm phải là hàng ngoại nhập. Chính vì vậy, ngay từ vòng dự thầu, các DN nội địa đã không thể tham gia.

Theo ông Hùng, hiện nay hiệp định ASEAN đã được ký kết xong. Bắt đầu từ năm nay các DN khối ASEAN sẽ được miễn, giảm thuế đối với nhiều mặt hàng trang thiết bị y tế. Do đó lượng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường khu vực vào Việt Nam sẽ ngày càng nhiều.

Các DN nội địa Việt Nam một mặt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty chuyên nhập khẩu máy móc thiết bị y tế từ các thị trường Mỹ, Đức, Nhật… mặt khác sẽ phải chia sẻ thị phần cho các DN FDI đang có ý định đầu tư trong các năm tới.

Chưa kể rằng, hiện nay lượng máy móc thiết bị giá rẻ từ Trung Quốc được các DN nhập về ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại. Do vậy, nếu ngành y tế không có cơ chế mua hàng sản xuất trong nước thì ngay cả các DN nội địa có năng lực thực sự cũng có nguy cơ lớn thua trên sân nhà.

Ngân hàng bắt đầu bỏ vốn vào y tế

Nhận thấy thị trường trang thiết bị y tế có tốc độ tăng trưởng cao và thu hút đầu tư lớn cả phía DN FDI và DN nội, hiện một số NHTM đã bắt đầu đưa ra những hạn mức tín dụng khá rộng rãi cho khối DN nhóm này.

Tại Agribank chi nhánh KCN Sóng Thần (Bình Dương) đã có nhiều DN sản xuất thiết bị y tế được NH cam kết hạn mức hàng năm lên tới 100 tỷ đồng.

Trong khi đó, riêng năm 2015, hai NH lớn khác là BIDV và VietinBank cũng đã lần lượt đưa ra các gói tín dụng trị giá 20.000 và 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế.

Cụ thể, BIDV sẽ dành 12.000 tỷ đồng cho vay đầu tư trang thiết bị y tế và 8.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng bệnh viện; VietinBank cũng cam kết sẽ cho vay đến 100% tổng vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư máy móc, thiết bị y tế với thời hạn vay kéo dài đến 20 năm.

 


Bài và ảnh Thạch Bình
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục