Bộ GTVT đang 'cầu cứu' Bộ Công thương tìm đối tác trong ngành để chuyển nhượng hai nhà máy thép và điện với mức đầu tư gần 2.500 tỉ đồng từ thời Vinashin đã bỏ hoang nhiều năm qua.
Một nửa hệ thống điện vẫn phụ thuộc nhiệt điện than
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Đã có nhiều điểm tích cực trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII HC) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII HC, hơn một nửa hệ thống điện vẫn phụ thuộc vào nhiệt điện than trong đó 2/3 nguồn nhiên liệu phụ thuộc vào bên ngoài.
Cần sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nhà máy nhiệt điện than mới. Ảnh minh họa: Internet.
Giảm 18 nhà máy nhiệt điện
Theo đó, Quy hoạch điện VII HC định hướng chính sách phát triển nguồn điện trong giai đoạn tới tập trung vào giảm công suất và số lượng các nhà máy nhiệt điện than, giảm bớt nhu cầu nhiên liệu hóa thạch, sử dụng các công nghệ tiên tiến trong nhà máy nhiệt điện (tăng hiệu suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải), tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) trong cơ cấu nguồn điện.
Cụ thể, số lượng các nhà máy nhiệt điện than giảm 18 nhà máy và tổng công suất nguồn nhiệt điện than từ trên 75 GW giảm xuống còn xấp xỉ 55 GW ở năm 2030. Như vậy, tỷ trọng công suất nhiệt điện than chiếm 50% vào năm 2020 và chiếm 42,7% tổng công suất đặt vào năm 2030. So với Quy hoạch điện VII, tỷ trọng này giảm khoảng 10%.
Trong khi đó, công suất của nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) tăng từ khoảng 13 GW trong quy hoạch điện VII lên tới 27,2 GW ở năm 2030, đạt khoảng 62% so với mục tiêu của Chiến lược Năng lượng tái tạo. Nếu kể cả thủy điện lớn và vừa, tỷ trọng công suất nguồn Năng lượng tái tạo chiếm 37,9% tổng công suất đặt.
Trước đó, ngày 19-1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định “cần phải rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than". Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải và đẩy mạnh đầu tư phát triển điện tái tạo.
Tuyên bố này phát đi tín hiệu mạnh mẽ về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than từ phía chính phủ Việt Nam. Việt Nam đã được biết đến là một trong những nước dẫn đầu thế giới về số lượng các nhà máy nhiệt điện than được quy hoạch xây mới với công suất dự kiến khoảng 60.000 MW, chỉ đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Cần sớm cải cách chính sách tính giá điện
Nhận xét về Quy hoạch điện VII HC, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng, nguồn điện từ năng lượng tái tạo có nhiều ưu việt về thân thiện môi trường, phù hợp với phát triển bền vững, nhưng những hạn chế về giá thành cao, có đặc tính thiếu ổn định, phụ thuộc thời tiết, mùa vụ... vẫn là những thách thức lớn. Và dù chúng ta không mong muốn, nhưng tỷ trọng nhiệt điện than vẫn còn tiếp tục giữ ở mức đáng kể trong cơ cấu sản xuất điện.
Bình luận về những thay đổi trong Quy hoạch điện VII HC, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho rằng định hướng điều chỉnh này của Chính phủ rất phù hợp với nguyện vọng của người dân cũng như xu thế chung của thế giới hướng đến phát triển năng lượng sạch và bền vững.
Tuy nhiên, theo VSEA, nhìn vào cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VII HC, nhiệt điện than vẫn dự kiến chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện sản xuất trong mười và mười lăm năm tới.
Các chuyên gia của VSEA phân tích, khối lượng than NK để phát điện dự kiến vào năm 2030 lên tới hơn 85 triệu tấn/năm, cao gần gấp đôi so với lượng than cung ứng nội địa. Kịch bản này đặt ra câu hỏi lớn với an ninh năng lượng của Việt Nam, rằng liệu an ninh năng lượng quốc gia có được đảm bảo khi theo phương án hơn một nửa hệ thống điện phụ thuộc vào nhiệt điện than trong đó 2/3 nguồn nhiên liệu phụ thuộc vào bên ngoài?
Bên cạnh đó, tỷ trọng của năng lượng tái tạo đã được tăng lên (37,9% tổng công suất đặt năm 2030) trong Quy hoạch điện VII HC nhưng bao gồm cả thủy điện lớn và vừa, trong khi năng lượng gió và mặt trời là hai nguồn năng lượng tái tạo được mong đợi phát triển nhất thì vẫn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.
Để hiện thực hóa các định hướng mà Quy hoạch điện VII HC đã đề ra và khắc phục những khoảng trống hiện thời, đại diện VSEA cho rằng trước mắt cần cải cách chính sách tính giá điện.
Theo đó, giá điện cần phải minh bạch và bao gồm đầy đủ các chi phí ngoại biên về môi trường, xã hội và thuế carbon. Cùng lúc đó, cần khẩn trương ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nhà máy nhiệt điện than mới.
Đồng thời, cần thường xuyên nghiên cứu hiệu quả đầu tư của các nhà máy điện theo các kịch bản phát triển khác nhau để tạo sự đột phá cho phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII giai đoạn sắp tới.
Hoài Anh
(Theo Báo Hải Quan)