Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, việc doanh nghiệp trốn thuế, hoặc làm hồ sơ khống để được hoàn thuế VAT 5% gây khó khăn cho cơ quan quản lý.
Doanh nghiệp nhựa trong nước: Kém sức cạnh tranh
- Cập nhật : 06/04/2016
(Tin kinh te)
Hiện nay, thị phần của doanh nghiệp (DN) nhựa trong nước chủ yếu ở phân khúc bình dân. Đối với hàng cao cấp, giá trị lớn, lợi nhuận cao, sản phẩm của DN FDI và ngoại nhập chiếm ưu thế.
Hiệu quả chưa cao
Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện có khoảng 2.000 DN hoạt động trong ngành nhựa, trong đó DN nhựa gia dụng chiếm 40%, nhựa bao bì 35%, nhựa kỹ thuật 13%, nhựa xây dựng 11%...
Trên thị trường, ở phân khúc bình dân, sản phẩm nhựa gia dụng của DN trong nước chiếm ưu thế. Theo ông Hồ Quốc Nguyên - đại diện Big C, tại siêu thị này, mặt hàng nhựa của DN Việt chiếm khoảng 90%, chủ yếu là thau, chậu, rổ, tủ… Giá cả hợp lý và chủng loại khá phong phú. Còn bà Trịnh Thị Mai Hân - Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Bình Dương - cho hay: Tỷ lệ hàng nhựa gia dụng do DN trong nước sản xuất có tại siêu thị chiếm hơn 95%, chủ yếu hàng giá rẻ. Hàng cao cấp thuộc về thương hiệu nước ngoài và sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản.
Trái ngược với hàng trong nước (chiếm ưu thế thị phần nhưng lợi nhuận thấp), sản phẩm nhựa gia dụng của DN FDI và hàng nhập khẩu dù chỉ chiếm khoảng 5% thị phần nhưng lợi nhuận cao, DN sản xuất khẳng định được thế mạnh thương hiệu. Một số thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng phải kể đến Lock&Lock (Hàn Quốc), Kobuku (Nhật Bản), Picnic, Standard (Thái Lan)…
Theo nhận định của giám đốc một công ty nhựa tại TP. Hồ Chí Minh, nhựa là mặt hàng công nghiệp, sản xuất nhiều mới có giá tốt nhưng DN Việt chủ yếu quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ nên hàng sản xuất ra kém cạnh tranh. Thêm nữa, thị trường nhựa cao cấp có độ phủ rộng, ngoài năng lực sản xuất phải có chiến lược quảng cáo, dịch vụ chuyên nghiệp trong khi DN trong nước yếu về kỹ năng này.
Tăng xuất khẩu, mở rộng liên kết
Thực tế, tiềm năng của thị trường nhựa, đặc biệt nhựa gia dụng rất lớn. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam mới đạt mức 41kg/năm, thấp hơn mức bình quân của khu vực (47kg/năm) và thấp hơn nhiều so với Thái Lan (53kg/năm).
Bên cạnh đó, kỳ vọng lớn nhất của DN nhựa hiện nay chính là 3 hiệp định thương mại, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Đáng chú ý, ngành nhựa sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ TPP do hiệp định này chỉ yêu cầu chứng minh nguồn gốc sản xuất ở Việt Nam chứ không yêu cầu chứng minh xuất xứ của nguyên liệu.
Dù có nhiều tiềm năng nhưng bản thân DN nhựa cần chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên kết, đổi mới công nghệ… nếu không, sẽ đánh mất thị trường.
Nhựa Đại Đồng Tiến là điển hình khi chuyển trọng tâm sang xuất khẩu. Hiện đơn vị này đã thông qua các đối tác từ châu Âu để sản xuất và gia công đồ chơi trẻ em với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, hướng tới xuất khẩu sang châu Âu.
Ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn - chia sẻ: Trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, công ty tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Đến nay, 60% sản phẩm như: Bao bì, túi rác, màng nhựa… của công ty dành cho xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Trong khi đó, Nhựa Rạng Đông lại liên kết với DN nước ngoài. Đầu tháng 3 vừa qua, Nhựa Rạng Đông liên kết với Công ty Sojitz Planet (Tập đoàn Sojitz Nhật Bản). Ông Nguyễn Mạnh Thái - Giám đốc điều hành Công ty CP Nhựa Rạng Đông - cho biết: Theo thỏa thuận hợp tác, Công ty Sojitz Planet sẽ thành lập đội đặc nhiệm bán hàng (task force team) để thúc đẩy phân phối các mặt hàng chủ lực của Nhựa Rạng Đông cho các tập đoàn, DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số DN nhựa chuyển hướng sang xuất khẩu hoặc liên kết, hướng tới xuất khẩu đang để khoảng trống lớn trên “sân nhà”. Điều này đòi hỏi DN trong nước cần có chiến lược đúng đắn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiềm năng của thị trường nhựa, đặc biệt nhựa gia dụng rất lớn. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam mới đạt mức 41kg/năm, thấp hơn mức bình quân của khu vực (47kg/năm) và thấp hơn nhiều so với Thái Lan (53kg/năm).
Theo Ngọc Thảo - Mai Ca
Báo Công thương