Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận giảm thuế tài nguyên đối với than về mức 5% - 7%, thời điểm áp dụng tính từ 1-7-2015 đến hết năm 2016.
Dệt may, da giày đón cơ hội để bứt phá
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhờ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên để tận dụng cơ hội này, các DN trong ngành phải nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như khả năng tuân thủ các nguyên tắc theo cam kết trong hiệp định.
Tăng trưởng ấn tượng
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, thị phần của Việt Nam trong ngành may mặc toàn cầu là 3,7% vào năm 2013. Năm 2015, kim ngạch XK dệt may đạt 27 tỉ USD, đứng thứ 2 cả nước (sau mặt hàng điện tử), chiếm 16,6% tổng giá trị XK. Trong 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK đạt 3,28 tỉ USD… Mặt hàng may mặc của Việt Nam đã có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm gần 53%, thị trường EU là 17%. Hội nhập TPP, ngành dệt may kì vọng sẽ vươn lên vị trí thứ 4 thế giới sau Trung Quốc nếu đảm bảo các điều kiện về quy chuẩn xuất xứ để được hưởng các ưu đãi thuế quan vào thị trường Mỹ. Dự báo trong 3 năm đầu tiên sau khi TPP chính thức có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may sẽ đạt mức từ 17-20%/năm.
Tương tự như ngành dệt may, ngành da giày cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hiện Việt Nam đã là nhà sản xuất giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới sau Ý và Trung Quốc. Kim ngạch XK của ngành da giày trong năm 2014 đạt 12 tỉ USD, năm 2015 đạt 15 tỉ USD, chiếm 9,2% trên tổng kim ngạch XK của cả nước. 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK da giày đạt 1,87 tỉ USD. Dự báo, mức tăng trưởng XK của ngành da giày trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 17% so với năm 2015 với kim ngạch XK đạt trên 17 tỉ USD. Các chuyên gia dự báo, ngành da giày sẽ bùng nổ tăng trưởng sau khi TPP chính thức có hiệu lực.
Theo nhận định của các chuyên gia, TPP sẽ giúp kim ngạch dệt may, da giày của Việt Nam tăng trưởng mạnh, trong đó dệt may là một trong những mặt hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này. Tuy nhiên cơ hội này chỉ thực sự được hiện thực hóa nếu có được các bước chuẩn bị chủ động, tích cực để có thể đáp ứng tiêu chuẩn cao của hiệp định, đồng thời giải quyết được những khó khăn nội tại của ngành như nguyên phụ liệu chủ yếu NK, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, tỷ lệ gia công cao, năng lực cạnh tranh còn yếu…
Theo TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chỉ tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói nên giá trị gia tăng còn thấp. Bên cạnh đó, các DN ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ, năng suất lao động và tỉ lệ nội địa hóa còn thấp trong khi giá hàng dệt may XK của Việt Nam cũng cao hơn từ 15% - 30% so với giá thế giới.
Với ngành da giày, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, mặc dù gần 50% nguyên liệu cho ngành hiện đã được nội địa hóa song khả năng tham gia vào trong chuỗi giá trị toàn cầu của các DN còn hạn chế. Hiện DN Việt Nam mới chỉ làm được một trong 4 phân khúc của chuỗi giá trị thời trang toàn cầu nên tính cạnh tranh kém và sẽ khó tận dụng được cơ hội từ TPP.
Làm gì để tận dụng cơ hội?
Nhận định về cơ hội của ngành dệt may, da giày trong TPP, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Phó Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng, tham gia TPP, ngành dệt may, da giày sẽ có nhiều thuận lợi khi thị trường tăng trưởng đáng kể, là tiền đề đạt quy mô sản xuất lớn; tiết kiệm tiền thuế phải nộp, có thể có lợi nhuận cao hơn cho DN; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài… Tuy nhiên, để tận dụng ưu đãi từ TPP, ngành dệt may, da giày cần đảm bảo quy tắc xuất xứ, đảm bảo điều kiện môi trường tốt hơn, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế như không có lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và cho phép tự do liên kết.
Trước những khó khăn nội tại của ngành dệt may, da giày, theo ông Nguyễn Công Ái, hai ngành này cần thúc đẩy mối liên kết giữa các DN trong chuỗi giá trị thông qua việc phát triển/quy hoạch các cụm công nghiệp dệt may, da giày; tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư vào các công đoạn sản xuất nguyên phụ liệu dệt và nhuộm; tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư công nghệ máy móc, nâng cao khả năng thiết kế, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm…
Về phía Hiệp hội Da giày, ông Diệp Thành Kiệt khẳng định một vấn đề là không thể lơ là đầu tư công nghệ vào sản xuất. Đến nay, lao động Việt Nam không còn được xem là giá rẻ. Vì vậy, ngành da giày đang đầu tư công nghệ để tăng năng suất. Để tận dụng cơ hội từ TPP, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may cũng đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào các ngành sản xuất. Theo mục tiêu, ngành dệt may đặt ra sẽ cạnh tranh trên 3 trụ cột chính là: chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ; Công nghệ và quản trị quản lý Line (giải pháp về quy trình công nghệ, tinh gọn sản xuất) trong ngành may và dệt sợi; và công nghệ quản lý đã được các nhà mua hàng ở các thị trường lớn đã cung cấp cho các DN trong ngành.
Đối với việc phát triển nguyên phụ liệu tại chỗ, ông Vũ Đức Giang cho biết cũng đang có nhiều tiến triển. Hiện trong nước đã sản xuất được nhiều nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Thời gian qua, mặt hàng sợi, vải, và nguyên phụ liệu sản xuất trong nước cũng đã xuất khẩu ra thị trường các nước...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông: Hỗ trợ DN tham gia chuỗi liên kết ngành
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì biên soạn Dự thảo lần 1 về Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Trong đó, có một chương về hỗ trợ đối tượng DN này tham gia chuỗi liên kết ngành. Đây là khái niệm kinh tế không mới trên thế giới nhưng ở Việt Nam lại là lần đầu được luật hóa. Theo đó, có 2 dạng mức cho DN. Thứ nhất là các DN cùng ngành hàng, có vị trí địa lý gần cận nhau. Thứ hai, các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bám sát ngành hàng đó trong suốt chuỗi giá trị. Luật mới này sẽ hỗ trợ rất thiết thực, hiệu quả cho DN Việt Nam trong quá trình hội nhập, nhất là tham gia TPP. Với chuỗi liên kết ngành, các DN dệt may, da giày chắc chắn sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển.
Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam Võ Minh Nhựt: Sản xuất bền vững là vấn đề sống còn
Đối với các DN phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội và môi trường trong xu thế hội nhập mà còn là ưu thế cạnh tranh trong việc đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới khi chọn đối tác. Các đòi hỏi về phát triển bền vững ngày càng trở nên bức thiết trong bối cảnh các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Các yêu cầu về tính bền vững trong sản xuất dần là đòi hỏi bắt buộc. Trong bối cảnh chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, thì lợi thế nhờ nhân công giá rẻ và chi phí thấp sẽ không tồn tại lâu, hiệu quả dài hạn trong chi phí sản xuất và năng xuất là bài toán các DN cần phải tính toán để tăng lợi thế cạnh tranh. Với xu thế hội nhập thế giới và các yêu cầu nêu trên, các DN Việt Nam cần có cái nhìn dài hạn và phát triển bền vững hơn để chủ động tuân thủ các yêu cầu và chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng uy tín và thương hiệu.
Chủ tịch HĐQT Công ty Gamex Sài Gòn Lê Quang Hùng: Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quyết định
Theo nhận định của các chuyên gia, khi TPP có hiệu lực dự báo doanh số ngành dệt may sẽ đạt khoảng 50 tỉ USD vào năm 2020, tương ứng với mức tiêu thụ nguyên phụ liệu là 21 tỉ USD. Điều này có thể thấy phát triển công nghiệp hỗ trợ là tiền đề quan trọng để DN dệt may khai thác cơ hội và nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ tương ứng tốc độ tăng trưởng của ngành may là từ 20-25%/năm thì các dự báo về tăng trưởng doanh số sẽ không thể trở thành hiện thực và các hiệp định thương mại sẽ hoàn toàn không có tác dụng gì với ngành may theo cam kết về xuất xứ. Ngoài ra việc đầu tư công nghiệp hỗ trợ còn giúp các DN nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào, kế hoạch giao hàng… cân bằng lợi thế cạnh tranh với các DN FDI.
N.H (ghi)
(Theo Báo Hải Quan)