Giá sợi polyester tại châu Á đã giảm tới 30% so với đầu năm ngoái, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa từ Trung Quốc và dầu thô đi xuống.
Ngành điều đề nghị dừng ngay chuyển giao công nghệ chế biến điều
- Cập nhật : 11/04/2016
(Tin kinh te)
Xuất phát từ lo ngại khi Bờ Biển Ngà nắm được công nghệ, máy móc chế biến điều sẽ đe dọa nghiêm trọng sự phát triển của ngành điều Việt Nam, các doanh nghiệp điều vừa có văn bản “kêu cứu” lần hai, đề nghị nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan ngăn cản chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều giữa Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và Hội đồng Bông và điều Bờ Biển Ngà.
Đại học Bách khoa TP.HCM vi phạm quy định
Văn bản ngày hôm nay (10-4) do ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và là một trong những người đặt nền móng cho ngành điều Việt Nam chấp bút, đứng tên gửi các Bộ: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học-Công nghệ, Nội vụ và hai cơ quan là Tổng cục Hải quan và VINACAS, đã thể hiện rõ kiên quyết của không ít doanh nghiệp điều về việc không chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi.
Theo văn bản này, thời gian qua, rất nhiều nhà máy chế biến điều phải vật lộn với hàng trăm khó khăn từ việc thị trường điều thô nhập khẩu mất kiểm soát, giá điều thô nhập khẩu tăng chóng mặt và nguy cơ thua lỗ hiển hiện trước mắt. Thậm chí, mới đây, VINACAS đã phải đưa ra thông tin cảnh báo về tình trạng “xù” hợp đồng và đòi nâng giá điều thô của Bờ Biển Ngà trong năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Lãng nhấn mạnh, vấn đề đang được rất nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều quan tâm là thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM đã phối hợp với Hội đồng Bông và điều Bờ Biển Ngà để chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều (sản phẩm không thuộc sở hữu trí tuệ của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) để kiếm những “đồng bạc lẻ”.
“Theo một luật gia danh tiếng tại TP. HCM, việc làm của Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM đang vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ ra nước ngoài như Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ hiện hành; Nghị định số 133/2008/NĐ-CP, Nghị định số 49/2009/NĐ-CP của Chính phủ; các thông tư hướng dẫn như: Thông tư 10/2009/TT-BKHCN; Thông tư 200/2009/TT-BTC,…”, ông Lãng nói.
Ông Lãng lý giải cụ thể hơn: Trước hết, Đại học Bách khoa TP.HCM không phải là “Chủ sở hữu công nghệ” chế biến điều Việt Nam hợp pháp.
Thứ hai, Đại học Bách khoa TP.HCM không được chủ sở hữu công nghệ (hợp pháp) là VINACAS và ngành điều Việt Nam cho phép hoặc ủy quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ có quyền sử dụng công nghệ đó.
Và cuối cùng, việc Đại học Bách khoa TP.HCM tạo bình phong để Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp đứng ra tổ chức hợp tác quốc tế tầm Chính phủ mà không có ý kiến của cơ quan chủ quản (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là hoàn toàn vi phạm Nội quy quản lý của Trường và quy chế hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Không nên chuyển giao công nghệ
Xuất phát từ các yếu tố trên, các doanh nghiệp ngành điều đề nghị Nhà nước cần ngăn cản ngay chương trình hợp tác giữa Trường Đại Học Bách khoa TP. HCM và Hội đồng Bông và điều Bờ Biển Ngà.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cần nghiêm túc kiểm điểm các tổ chức, cá nhân và lãnh đạo có sai phạm. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thanh kiểm tra toàn bộ hoạt động của Trường, có buổi làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan báo chí để làm rõ nội dung sự việc.
Trước đó, ngày 18-3, ông Nguyễn Văn Lãng cũng từng thay mặt một số doanh nghiệp trong ngành điều gửi tới VINACAS cũng như các Bộ: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, Nội vụ đề nghị không chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi.
Rất nhiều hội viên VINACAS cảnh báo, khi đã nắm được công nghệ chế biến thì có thể các đối tác châu Phi sẽ hạn chế việc bán điều thô, tập trung mục tiêu chế biến trong nước. Điều này làm các nhà xuất khẩu tăng giá, chậm xếp hàng, khiến thị trường khan hiếm giả tạo, gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp điều Việt Nam. Về phía Việt Nam, nếu thiếu nguyên liệu thì ngành chế biến điều Việt Nam sẽ lao đao, bởi hiện sản lượng điều thô chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu chế biến.
Trong phần trao đổi với phóng viên Báo Hải quan trưa nay (10-4), ông Lãng cho biết thêm: Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ VINACAS xung quanh vấn đề này từ khi gửi văn bản kiến nghị lần đầu tiên vào ngày 18-3.
Bờ Biển Ngà (vốn là quốc gia trồng điều và xuất khẩu điều thô) gần đây đã tăng cường đầu tư cho chiến lược phát triển điều và mục tiêu chế biến điều, nhằm cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và Ấn Độ.
Trong giai đoạn 2006-2015, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới và cũng có thể nói là nước nhập khẩu điều thô lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Điều được nhập khẩu từ khoảng 25 quốc gia, trong đó nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà chiếm tới 36% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Thanh Nguyễn
(Theo Báo Hải Quan)