Tình trạng dư thừa thép không gỉ tại Trung Quốc sau khi Indonesia mở rộng công suất sản xuất đang đe dọa không chỉ các nhà máy thép không gỉ trên toàn cầu mà cả các nhà sản xuất nickel – nguyên liệu sản xuất thép không gỉ.
Dệt may, da giày lo Brexit
- Cập nhật : 04/07/2016
Việc Anh rút khỏi EU (Brexit) đang khiến những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường này lo ngại về khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Anh là thị trường có độ mở tương đối cao với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt với 2 nhóm hàng dệt may và da giày. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, Anh cùng với Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha là top 5 thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam trong 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Anh đạt cao nhất trong top 5, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 205 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất khả quan nếu đặt trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới năm nay, khi mà sau 5 tháng, xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng chỉ tăng khoảng 5,5%, còn sang thị trường Nhật Bản tăng 1,7%.
.
Phân tích về mức độ ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may trong nước qua tác động của Brexit, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas cho rằng, về lý thuyết, khi đồng bảng Anh mất giá, hàng hóa nhập khẩu sẽ bị đắt lên so với sản xuất trong nước, từ đó, sẽ làm giảm cầu sử dụng hàng hóa. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ yếu đi, làm giảm khả năng tiêu thụ hàng hóa, nguy cơ khiến dệt may xuất khẩu khó giữ được mức tăng trưởng 6-7% như trong 5 tháng đầu năm nay.
“Tuy nhiên, do Anh là một nước phát triển cao, trong khi hàng hóa may mặc lại là loại hàng hóa thiết yếu, đã từ lâu không còn sản xuất trong nước, nên khả năng thay thế của hàng hóa trong nước sẽ không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn. Do đó, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường này vẫn làm hoàn thành tốt các đơn hàng phục vụ đối tác nhập khẩu tại Anh, tiếp tục xúc tiến thỏa thuận đơn hàng quý IV như điều kiện bình thường để có thể tiếp nhận sát nhất các thông tin từ thị trường Anh”, ông Trường cho biết thêm.
Một ngành hàng xuất khẩu khác cũng có kim ngạch xuất khẩu sang Anh lớn là da giày, song 5 tháng đầu năm mới đạt trên 220 triệu USD giá trị hàng hóa xuất khẩu, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp da giày xuất khẩu cho biết, đơn hàng da giày xuất khẩu sang Anh ngày càng khó khăn, ngay cả khi chưa có sự kiện Brexit.
Công ty cổ phần Giày Phúc Yên sở hữu 3 dây chuyền gia công sản xuất các mặt hàng giày da, giày thể thao xuất khẩu với năng lực hơn 1 triệu đôi/năm và 1.400 lao động, nhưng từ đầu năm 2016 tới nay chưa ký được đơn hàng nào với khách hàng tại Anh, dù trong năm 2015, đã xuất được hơn 40.000 đôi giày sang thị trường này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Trí Toàn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần giày Phúc Yên cho rằng, xuất khẩu da giày đang bị chia sẻ đơn hàng với Campuchia và Indonesia do các quốc gia này được ưu đãi thuế. Thành thử, trong 3 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của Công ty là không đáng kể.
Năm 2015, Công ty xuất khẩu tổng cộng được hơn 750.000 đôi, nhưng trong nửa đầu năm 2016 mới xuất khẩu được 350.000 đôi. “Chúng tôi dự kiến xuất khẩu năm nay chỉ bằng năm 2015”, ông Toàn nói.
Nói về mức độ ảnh hưởng xuất khẩu dưới tác động của Brexit, ông Toàn cho biết thêm, dù hiện tại Công ty không có hoạt động xuất khẩu với thị trường Anh, nhưng không có nghĩa là khó khăn không gõ cửa doanh nghiệp này. Nếu nhu cầu tiêu dùng tại Anh giảm do Brexit sẽ khiến triển vọng có thêm khách hàng tại Anh và khả năng tăng trưởng xuất khẩu ít đi, việc tìm kiếm khách hàng mới khó hơn, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp da giày xuất khẩu trong nước đang phải giữ chân khách hàng do cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực và láng giềng như Indonesia, Thái Lan, Campuchia.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù thị trường Anh chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt mức 4,65 tỷ USD trong năm 2015, nhưng đồng bảng Anh mất giá thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn. Đặc biệt, những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu lớn, với giá trị đơn hàng cao vào Anh có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.
Thế Hải
(Theo Báo Đầu Tư)