Ngành giấy Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao và ngày càng đổi mới công nghệ nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản xuất, đồng thời hướng đến xuất khẩu giấy bao bì.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam cao nhất 11 tháng
- Cập nhật : 01/07/2016
Các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong tháng 6 khi sản lượng tăng tốc lên mức cao nhất trong 11 tháng.
Số lượng đơn đặt hàng mới vẫn tăng trưởng mạnh, mặc dù có chậm lại so với tháng 5. Ở khía cạnh giá cả, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã giảm tốc xuống mức thấp trong 4 tháng qua trong khi giá cả đầu ra giảm nhẹ.
Theo Nikkei, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – đạt mức 52,6 điểm trong tháng 6, hầu như không thay đổi so với kết quả 52,7 điểm của tháng 5. Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất đã liên tục tăng trưởng trong 7 tháng qua.
Tốc độ tăng sản lượng ngành sản xuất ở Việt Nam đã nhanh hơn trong tháng thứ tư liên tiếp và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2015. Theo những người trả lời khảo sát, số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố chính dẫn đến sản xuất tăng.
Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh, mặc dù yếu hơn một chút so với tháng 5. Trong khi đó, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng tốc lên mức cao của 14 tháng.
Sản lượng tăng đã làm giảm lượng công việc tồn đọng trong tháng 6, ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp. Hơn nữa, mức giảm lượng công việc chưa thực hiện trong tháng 6 là mức mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Nhu cầu sản xuất cao hơn đòi hỏi các nhà sản xuất phải tăng số lượng nhân công và các hoạt động mua hàng. Mức độ việc làm đã tăng mạnh và tăng nhanh hơn so với tháng 5. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm nhẹ trong tháng 6, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng trong suốt 7 tháng qua.
Mặc dù mua hàng hóa đầu vào tiếp tục tăng, tồn kho hàng mua đã giảm khi hàng hóa đầu vào đã được dùng trong quá trình sản xuất. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm tháng thứ sáu liên tiếp.
Trong báo cáo công bố ngày 1/7, Nikkei cho biết giá cả đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 6, tốc độ tăng chi phí ghi nhận mức yếu nhất trong thời kỳ tăng giá kéo dài 4 tháng qua. Một số công ty nhắc đến giá dầu tăng, nhưng những công ty khác lại cho biết giá cả trên thị trường quốc tế đã giảm.
Giá cả đầu ra giảm lần đầu tiên trong 3 tháng, dù chỉ giảm nhẹ. Theo những người trả lời khảo sát, chi phí tăng yếu góp phần làm giảm giá cả đầu ra.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp không thay đổi trong tháng 6, và đây là tháng thứ ba liên tiếp thời gian giao hàng hoặc ổn định hoặc chỉ thay đổi một chút.
Thạch Thảo
(Theo Người Đồng Hành)