Tính chung 6 tháng đầu năm nay, IIP tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015 (quý 1 tăng 7,6%; quý 2 tăng 7,5%), thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015
Để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mau lớn
- Cập nhật : 04/07/2016
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xem như là “chân núi”, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, song các DN CNHT của Việt Nam lại đang loay hoay với nhiều khó khăn.
Khó từ A đến Z
Hiện nay, cùng với quá trình hội nhập, Việt Nam đã và đang tham gia vào một loạt các FTA thế hệ mới. Các cơ hội kinh doanh đã được các DN CNHT điểm mặt chỉ tên nhưng biến các cơ hội đó thành hiện thực lại không hề đơn giản, đòi hỏi các DN phải thực sự nỗ lực để tiếp cận và nắm bắt, đồng thời với sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh của DN, ông Nguyễn Đình Chiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật ô tô HC cho hay, trước đây DN của ông chỉ NK phân phối phụ tùng ô tô. Khi Việt Nam liên tục tham gia các FTA, DN quyết định đầu tư với định hướng tham gia vào chuỗi sản xuất, trước mắt bằng sản phẩm thiết bị giám sát hành trình, sau đó sẽ là phụ tùng ô tô. Ông Chiến cho rằng, CNHT cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang yếu, trong khi đây là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, có nhiều thách thức đối với DN nội khi ra môi trường mới, đó là yếu về vốn và công nghệ.
“DN tôi cũng như những DNNVV của Việt Nam cực kỳ khó khăn về vốn, Những ý tưởng, dự định, kế hoạch mở rộng sản xuất bị mắc ở khâu vốn. Chúng tôi nhận được những ưu đãi về thuế, nhưng chính sách thuế không phải là điểm mấu chốt để thúc đẩy CNHT, mà cái chính là chính sách ưu đãi về đất đai, vốn và lãi suất ngân hàng. Thị trường, công nghệ, nhân sự đều có nhưng nếu không có sự hỗ trợ để có những nguồn vốn nho nhỏ thì những kế hoạch ấy sẽ trôi đi và những DN như chúng tôi sẽ bị đuối so với các DN FDI”, ông Chiến cho biết.
Về vấn đề này, ông Phạm Hữu Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long cho biết: Chúng tôi mong muốn mở rộng sản xuất để cung cấp hàng cho các hãng lớn như Toyota, Ford nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đầu tư đổi mới công nghệ cần phải có nguồn vốn ít nhất từ 20 - 30 triệu USD, do đó, hỗ trợ về vốn để thực hiện dự án này là yêu cầu cấp thiết của DN nhưng hiện DN mới chỉ tiếp cận nguồn vốn vay thông thường của các ngân hàng thương mại.
Đại diện DN này cũng cho biết, khó khăn về vốn chưa phải là khó khăn lớn nhất của DN, khó khăn lớn nhất chính là vấn đề đầu ra. “Hiện nay chúng tôi quan tâm nhất đến vấn đề đầu ra của sản phẩm, bởi việc mở rộng thị trường rất khó khăn. Để làm được điều đó, chúng tôi xác định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, do đó hiện nay chúng tôi đang đầu tư nâng cao năng lực quản trị, công nghệ”, ông Hùng cho biết.
Đại diện Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hải Vân cũng cho hay, là DN hoạt động trong ngành CNHT được 10 năm, nhưng hiện công ty vẫn chủ động vay vốn ngân hàng với lãi suất như bình thường chứ không được vay ưu đãi. Do đó, vấn đề tăng vốn vay mở rộng sản xuất, thay đổi thiết bị nhiều năm nay vẫn là mong mỏi của công ty.
Theo các chuyên gia, thực tế, cho đến nay, hệ thống chính sách khuyến khích của Nhà nước về phát triển CNHT đã khá đồng bộ, có rất nhiều ưu đãi vượt trội. Song, để hệ thống chính sách này tới được tới các DN đang có nhiều vấn đề.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, trong khi các DN CNHT là DN nhỏ, năng lực tài chính yếu, thì hiện các chính sách chưa “chạm” đến DN cung ứng sản phẩm CNHT, một số Nghị định, Thông tư chưa đồng bộ, nhất quán, tinh giản, công khai, minh bạch và chưa dễ tiếp cận. Đặc biệt, chính sách tài chính, vốn cho DN CNHT chưa đủ mạnh, thu hút vốn đầu tư khó khăn, nguồn vốn cho ngành CNHT chủ yếu từ ngân hàng.
Cần gói tín dụng riêng biệt
Theo ông Trần Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay ngay bài toán về nguyên liệu đầu vào cũng là trở ngại lớn của các DN CNHT. Nguồn nguyên liệu thô của Việt Nam rất dồi dào, nhưng vấn đề là làm sao để tạo ra được nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để cung ứng cho các DN sản xuất các sản phẩm CNHT lại là vấn đề khác. Không có nguyên liệu đầu vào nên các DN đầu tư cho phát triển CNHT đều phải NK hầu hết nguyên liệu từ nước ngoài, dẫn đến sản xuất kinh doanh đôi khi chỉ còn lại giá trị gia công… Các DN sẽ không có điều kiện và cũng không có đủ khả năng để độc lập nghiên cứu sản xuất nguyên liệu đầu vào bởi yếu tố thị trường đơn lẻ.
Ông Trần Văn Quang cho rằng, cơ quan quản lý cần có nghiên cứu chung để xác định được nhu cầu tương ứng với quy hoạch phát triển ngành, để làm cơ sở hoạch định nội dung và đặt hàng nghiên cứu công nghệ tạo nguồn nguyên liệu. Việc này đòi hỏi nội dung nghiên cứu khoa học rất lớn và có nhiều rủi ro, cần chi phí rất lớn nên cần có sự đầu tư của nhà nước, các DN sản xuất nguyên vật liệu được nhà nước bảo trợ. Đối với DN, khi có nguồn nguyên liệu đầu vào đáp ứng cho yêu cầu sản xuất, bài toán công nghệ trong sản xuất sản phẩm hỗ trợ sẽ thuộc về DN.
Dưới góc độ DN, ông Phạm Hữu Hùng cho biết, một trong những định hướng của DN trong thời gian tới là cơ cấu lại sản phẩm theo hướng đa dạng hóa làm sao để tăng hàm lượng chất xám, nâng giá trị gia tăng. “Thời gian qua chúng tôi chưa tiếp cận được các quỹ đầu tư với lãi suất hấp dẫn, do đó trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp cận các quỹ này với nguồn vốn với lãi suất thấp để đảm bảo tính cạnh tranh cho sản phẩm của DN”. Là một trong những DN đã cung ứng được sản phẩm cho Honda, ông Hùng chia sẻ, để có thể tiếp cận và trở thành nhà cung ứng cho các DN lớn của nước ngoài, các DN trong nước cần tạo niềm tin với đối tác bằng cách đảm bảo uy tín, có công nghệ hiện đại, đặc biệt cần có quản trị DN tốt.
Trong sự so sánh với các DN FDI, ông Nguyễn Đình Chiến chia sẻ nguyện vọng với các cơ quan quản lý Nhà nước: “Hãy coi DN CNHT trong nước, DN tư nhân chúng tôi bình đẳng như DN FDI, DNNN, chúng tôi được tiếp cận vốn với lãi suất theo mặt bằng chung, được tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất với các điều kiện thuận lợi thì DN nội sẽ có thêm sức cạnh tranh để cạnh tranh bình đẳng”.
Để hỗ trợ cho DN CNHT về nguồn vốn, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, Nhà nước cần thiết kế các gói sản phẩm riêng biệt cho DN ngành CNHT, tăng cường thực hiện cho vay theo chuỗi cung ứng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giao dịch đồng thời cần nâng cao trình độ của nhân viên ngân hàng làm nhiệm vụ thẩm định dự án CNHT. Cũng theo chuyên gia này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phải chủ động tái cơ cấu và tăng cung ứng tín dụng hỗ trợ XNK và CNHT.
Hoài Anh
(Theo Báo Hải Quan)