Việt Nam cần một sự minh bạch trong trung và dài hạn cho cơ chế định giá năng lượng tái tạo.
Dòng vốn ngoại chảy vào ngành cơ khí sẽ tăng mạnh
- Cập nhật : 05/07/2016
Dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam, đặc biệt là vào ngành cơ khí, được dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Đây là nhận định của các Hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại cuộc gặp gỡ báo chí bên lề Triển lãm MTA 2016 (Triển lãm chuyên ngành cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại), tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 5/7.
Khách tham quan các gian trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 14 về máy công cụ, cơ khí chính xác và Gia công kim loại (MTA VietNam).Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Theo ông Ko Hyun Kim, Trưởng Văn phòng đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc: Trong 6 tháng năm 2016, Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 3,99 tỷ USD, chiếm 35,37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Song song với làn sóng đầu tư mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp Hàn Quốc trong ngành cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại cũng nỗ lực tiếp cận thị trường Việt Nam, với hàng loạt sản phẩm và thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ cho chuỗi giá trị sản xuất.
Đơn cử, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), đang tích cực tìm kiếm và tuyển chọn nhà cung ứng Việt tham gia chuỗi cung ứng. Tính đến nay, số lượng các nhà cung ứng Việt cho Samsung đã tăng nhanh chóng, đạt 190 doanh nghiệp. Samsung đang trên đà mở rộng thị trường và phạm vi kinh doanh tại Việt Nam.
Còn ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh của Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết, hàng năm, JETRO đều triển khai chương trình JAPAN PAVILION để nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa hoá cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhật Bản là một trong những nước có kỹ thuật và kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại. Việc ứng dụng những sản phẩm vượt bậc của Nhật Bản sẽ góp phần nâng cao sự phát triển trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản.
Về lĩnh vực đầu tư, ông Takimoto Koji nhận định: các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, làn sóng đầu tư của Nhật Bản sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào Việt Nam với nhiều cách thức đa dạng như tăng cường hoạt động liên doanh, tham gia chuỗi cung ứng, kết nối giao thương, xuất nhập khẩu...
Đặc biệt, các Tập đoàn lớn của Nhật Bản luôn tìm kiếm các nhà cung ứng đạt chất lượng và đảm bảo thời gian cung ứng, trong đó có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong ngành cơ khí.
Trao đổi với phóng viên, ông Hsu Da-Wei, Phó Cục Trưởng Cục Thương mại, Bộ Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc), khẳng định quyết tâm trong việc hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan.
Cụ thể, ngành công nghiệp máy công cụ là một trong những ngành mang tính cạnh tranh và phát triển nhất của Đài Loan. Trong đó, máy móc công cụ Đài Loan có rất nhiều ưu điểm về chất lượng, công nghệ tiên tiến và độ chính xác cao.
Đặc biệt, giá cả máy móc Đài Loan khá cạnh tranh, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm được chi phí trong đầu tư máy móc, thiết bị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam nói chung, ngành cơ khí nói riêng, ông Trần Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty Tổ chức Triển lãm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng ngành này đang tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh cùng với nguồn nhân lực dồi dào sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Trần Việt Dũng, cũng nhấn mạnh: giống như các lĩnh vực khác kinh tế khác, ngành cơ khí - chế tạo đang đứng trước sức ép phải đổi mới và tăng năng lực cạnh tranh để thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng thời, nhằm vượt qua những rào cản về máy móc kỹ thuật, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động chuẩn bị cũng như mạnh dạn đầu tư cho đổi mới máy móc, công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cải thiện được năng suất, gia tăng lợi thế cạnh tranh và chuỗi giá trị sản xuất ngành công nghiệp./.
Theo BNews