tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cuộc đua “ngầm” giữa các cảng biển miền Trung

  • Cập nhật : 31/07/2016

Với lợi thế có đường bờ biển dài, nhiều cửa sông, nhiều vịnh sâu kín gió, miền Trung đang là nơi tập trung số lượng cảng biển nhiều nhất nước.

Trong cuộc đua thu hút đầu tư hiện nay, các địa phương xem cảng biển là một yếu tố rất quan trọng để có thể “kéo” nhà đầu tư về với mình.

Liên tục xin nâng cấp mở rộng

Miền Trung hiện có khoảng 1.200 km đường biển và cứ bình quân 30 - 40 km đường biển lại có một cảng biển. Theo Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, miền Trung có 3 nhóm cảng biển (2, 3, 4), kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong đó, Cảng cửa ngõ quốc tế và cảng trung chuyển quốc tế (loại IA) có 1 cảng, đó là Cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Các cảng đầu mối khu vực loại I gồm các cảng Nghi Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Thống kê cho thấy, trong năm 2015, tổng lượng hàng hóa đi qua các cảng Hòn La, Chân Mây, Đà Nẵng đạt hơn 10 triệu tấn. Con số này trong năm 2016 được dự báo còn cao hơn nữa.

cang tien sa (da nang) chuan bi mo rong giai doan ii.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) chuẩn bị mở rộng giai đoạn II.

Trước đây, nhiều chuyên gia đã từng lo ngại rằng, việc các địa phương đua nhau xây dựng cảng biển sẽ dẫn đến tình trạng thừa cảng biển, không khai thác hết công suất. Tuy nhiên, trước việc ngành vận tải biển, logistics phát triển quá nhanh trong 2 năm trở lại đây, nhiều cảng biển tại miền Trung có lượng hàng qua cảng đã vượt công suất thiết kế. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu phàn nàn khi lượng hàng hóa của họ được trung chuyển qua cảng và xuất đi mất nhiều thời gian hơn trước.

Trước tình trạng đó, các cảng Hòn La, Chân Mây, Tiên Sa, Quy Nhơn đã đồng loạt xin nâng cấp, mở rộng.

Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, công suất thiết kế Cảng Đà Nẵng là 6 triệu tấn/năm, nhưng sau một thời gian hoạt động, hiện nay, Cảng đã bị quá tải. Để giải quyết tình hình, sắp tới, Cảng Đà Nẵng sẽ được nâng cấp, mở rộng giai đoạn II. Trong giai đoạn II, Cảng sẽ được mở rộng lên 86.674 m2, tiến hành xây dựng thêm 2 cầu tàu 520 m, gồm một cầu tàu 310 m và một cầu tàu 210 m, chủ yếu phục vụ tàu container có trọng tải lớn. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn II là hơn 1.200 tỷ đồng.

Cách Cảng Đà Nẵng không xa, Cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) sau nhiều năm hoạt động, hiện lượng hàng và khách du lịch thông qua Cảng đã vượt quá công suất của Bến số 1. Từ thực tế đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục xây dựng Bến số 3 nhằm đáp ứng tình hình cấp bách hiện nay. Dự án này có quy mô hơn 13 ha, trong đó diện tích bến bãi là hơn 10 ha và gần 3 ha khu nước trước bến. Chiều dài bến số 3 là 270 m, tổng mức đầu tư là 846 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành Dự án. Theo đó, khi hoàn thành Bến số 3 sẽ giải quyết tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa và hành khách qua cảng.

Trong khi đó, Cảng Hòn La (Quảng Bình) nằm trên trên Quốc lộ 1A, là một phần quan trọng trong Dự án xây dựng kho ngoại quan và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu từ Hòn La đến tỉnh Khăm Muộn (Lào), với tổng vốn đầu tư 680 triệu USD. Sắp tới, Cảng Hòn La sẽ được nâng cấp giai đoạn II (tổng vốn khoảng 1.200 tỷ đồng). Dự kiến trong tương lai, Cảng Hòn La sẽ trở thành cảng biển tổng hợp, có khả năng đón các loại tàu công suất từ 30.000 đến 50.000 tấn.

Ngoài ra, các cảng Vân Phong, Quy Nhơn, Dung Quất (Quảng Ngãi), Kỳ Hà (Chu Lai, Quảng Nam) cũng đang được nâng cấp, mở rộng.

Tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Dự án Cảng Mỹ Thủy (tổng vốn 13.000 tỷ đồng) cũng đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để sớm tiến hành khởi công xây dựng. Sau khi đi vào hoạt động, Cảng Mỹ Thủy sẽ bao gồm khu cảng tổng hợp, khu dịch vụ hậu cần cảng, khu logistics, khu phục vụ nhà máy nhiệt điện, khu kho, cảng xăng dầu... Cảng có thể đón tàu trọng tải từ 50.000 DWT đến 100.000 DWT.

Cảng biển phải gắn với vùng kinh tế

Hiện nay, cuộc đua thu hút đầu tư giữa các địa phương tại miền Trung đang diễn ra rất gay gắt. Trong cuộc đua này, yếu tố cảng biển được các địa phương sử dụng như một “quân bài” chiến lược để quảng bá sức hấp dẫn. Một bài toán được đặt ra là làm sao để các cảng biển tại miền Trung có thể khai thác hiệu quả.

Theo TS. Bùi Quốc Nghĩa, Chủ nhiệm Đề án Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, miền Trung vẫn còn cần có thêm cảng biển, bởi thực chất kinh tế miền Trung là kinh tế biển. Để phát triển kinh tế, cảng phải hình thành trước, làm bước đột phá, rồi theo đó sẽ là các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư đô thị. TS. Bùi Quốc Nghĩa nhấn mạnh, để phát huy được hiệu quả, hiện nay, các cảng biển phải được phân loại theo chức năng, theo đẳng cấp, cảng nào là “đầu đàn”, cảng nào là chuyên dụng…

TS. Trương Đình Hiển, chuyên gia vật lý hải dương, tác giả của các công trình cảng biển nước sâu và Khu công nghiệp phức hợp Dung Quất - Chân Mây - Nhơn Hội cũng nhận định, nên xây dựng thêm cảng chuyên dùng và liên kết các cảng chuyên dùng để phát triển một thương cảng, như xây dựng thêm Cảng Liên Chiểu, sau đó liên kết Cảng Chân Mây, Cảng Liên Chiểu với Cảng Đà Nẵng thành cụm cảng để xây dựng thương cảng Đà Nẵng thật lớn, ngang tầm Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng. “Để xây dựng cụm cảng, chính quyền các địa phương cần đàm phán xây dựng một đề án mang tầm chiến lược lâu dài cho toàn vùng”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Năm, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho rằng, để phát huy hiệu quả cảng biển, trước hết, phải đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các cảng biển; thứ hai, phải gắn với dịch vụ logistics; thứ ba, phải gắn cảng biển với các khu vực kinh tế liên vùng không chỉ trong phạm vi của tỉnh, liên tỉnh, mà còn là liên quốc gia.

“Khi muốn đầu tư xây cảng biển, phải xem xét vị trí đó gắn với các khu vực kinh tế nào, có hợp lý không, để làm sao khi người ta vận chuyển hàng hóa đến các khu vực kinh tế khác, họ bắt buộc phải chuyển hàng qua cảng. Như vậy, cảng mới có thể phát huy được hiệu quả”, ông Năm chia sẻ.


(Theo Báo Đầu Tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục