tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nỗi buồn giày Việt: Nhập 90% nguyên phụ liệu, xuất xong tiền vào túi ông chủ Đài Loan, Hàn Quốc

  • Cập nhật : 28/07/2016

Không có nguyên phụ liệu chuẩn, thiết kế yếu kém, vốn ít, khả năng xuất khẩu hạn chế... chừng đó lý do khiến ngành da giày Việt có tiếng mà không có miếng.

Da và giày là ngành lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội đang gặp không ít khó khăn trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.

Bà Dương Hồng Nhung, Thư ký Hiệp hội da - giày - túi xách Việt Nam, chia sẻ với Cafebiz tại Triển lãm Quốc tế Da Giày lần thứ 18 (từ ngày 13 - 15/7) rằng nguyên liệu trong nước không đẹp, chất lượng chưa thực sự tốt với kỹ thuật thô sơ. Do đó nhiều doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Việc nhập nguyên liệu đội giá thành sản phẩm lên khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bà Nhung còn chỉ ra một khó khăn khác đó là thiếu vốn. Doanh nghiệp thiếu vốn và phải vay với lãi suất cao, không được ưu đãi. Đa số các doanh nghiệp phải tự vươn lên.

Anh Lê Đình Đặng, Giám đốc Sales và Marketing của Việt Khánh Phú, thuộc Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco), cũng nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp.

Theo anh Đặng, nguồn nguyên liệu chính là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp da và giày.

Khatoco có nhiều công ty con. Việt Khánh Phú chuyên sản xuất và kinh doanh túi xách, ví, thắt lưng và Công ty da đà điểu, cá sấu Khatoco liên quan đến ngành da.

Anh Đặng cho rằng hầu hết các công ty may, thời trang, da giày đều nhập khoảng 90% nguyên phụ liệu từ nước ngoài nên đội chi phí sản phẩm lên rất cao. Các nước mà Việt Nam nhập nguyên phụ liệu nhiều nhất theo thứ tự: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Italy. Việc nhập nguyên liệu mất rất nhiều thời gian và khiến các doanh nghiệp bị động.

"Một điểm yếu lớn khác trong ngành thời trang Việt Nam (da, giày, túi xách) hiện tại đó là thiết kế. Điều này là vật cản đối với các sản phẩm muốn xuất khẩu ra nước ngoài. Nước ngoài họ đòi hỏi tính cách thiết kế, phong cách luôn cập nhật. Ở Việt Nam, trong nhiều ngành, trong đó có cả dệt may, khâu thiết kế yếu", anh Đặng nêu thêm về khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam.

Thêm vào đó, việc xuất khẩu cũng gặp nhiều trở ngại. Doanh nhân này cho biết, sản phẩm túi xách, ví Việt Khánh Phú đã xuất khẩu rất nhiều nước như Canada, Nhật, Australia, Trung Quốc.

Khatoco xuất da đà điểu, cá sấu sang các nước trên. Ngoài ra, công ty còn xuất sang Nam Phi. Riêng Nam Phi, Khatoco xuất khẩu sang nước này với doanh thu 2 triệu USD/năm.

"Khi làm mẫu cho các đối tác khó tính như Nhật, Canada, Australia, họ trả đi trả lại rất nhiều giống như "cực hình". Có thể do ban đầu công ty chưa hiểu hết được yêu cầu của đối tác ra sao vì mỗi thị trường có đặc tính riêng. Sau khi mà đạt yêu cầu bên họ thì họ cũng phải làm thị trường tại nước họ", Giám đốc Sales và Marketing của Việt Khánh Phú chia sẻ với Cafebiz.

Theo anh Đặng, Khatoco đã kết hợp với các nhà thiết kế Italy. Hai bên sẽ kết hợp để tung ra loạt sản phẩm mới nhằm đánh giá thị trường trong năm 2016. "Các nhà thiết kế Italy sẽ lo thị trường nước ngoài. Còn người Việt hiểu đặc tính thị trường nội hơn. Chúng tôi sẽ kết hợp giữa Âu và Á để cho ra đời các sản phẩm hợp thời trang", anh Đặng nói.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Á Châu (VITACO) cũng cho hay về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Bà Mai cũng nhấn mạnh việc nhập nguyên liệu đang là trở ngại lớn.

"Nguồn nguyên liệu trong nước chưa đa dạng. Nếu bộ phận cấu thành cho sản phẩm nhập nhiều thì giá thành sẽ đội lên. Đế thì chúng tôi tự làm nhưng nhập các nguyên liệu sản xuất ra đế như PU, phụ gia", nữ doanh nhân nhận định.

Các doanh nghiệp giày xuất khẩu tại Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan, Hàn Quốc

Giày dép là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt hơn 10,3 tỷ USD - chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 8,8 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng này, giá trị xuất khẩu giầy dép năm 2015 hoàn toàn có thể đạt trên 12 tỷ USD.

Xét về tổng thể, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan và Hàn Quốc chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu da giày của Việt Nam. Những doanh nghiệp Hàn Quốc lớn trong ngành có thể kể đến như Tae Kwang Vina (doanh thu 2014 đạt trên 9.700 tỷ đồng), Chang Shin (trên 9.300 tỷ đồng), Hwaseung Vina (hơn 5.000 tỷ đồng)…

Những thương hiệu nội lâu năm như Biti’s, Giầy Thượng Đình… cũng chỉ có doanh số đôi ba chục triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, những cái tên như Pouyuen, Chang Shin, Tae Kwang Vina lại là những doanh nghiệp lớn nhất doanh thu hàng năm lên đến vài trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD như PouYen.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung có quy mô khá nhỏ, khó có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực gia công sản phẩm da giày với các doanh nghiệp FDI. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn có thể kể đến như CTCP Đầu tư Thái Bình (TBS Group), CTCP Công nghiệp Đông Hưng...

TBS Group là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi có thể "so kè" về quy mô với các doanh nghiệp FDI. Năm 2014, doanh nghiệp này đạt trên 5.300 tỷ đồng doanh thu và có lợi nhuận thuộc hàng tốt nhất trong ngành.

(Trí thức trẻ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục