Hơn 30 vạn tấn quặng sắt và mangan đang tồn ở Hà Giang dẫn đến hàng nghìn công nhân mất việc làm, máy móc tiền tỷ hoen gỉ theo thời gian, nguồn thu của tỉnh giảm bớt đáng kể… Vậy nguyên nhân tồn là do đâu?
Thủ công mỹ nghệ đổi mới để xuất khẩu
- Cập nhật : 01/08/2016
Khuyến nghị giải pháp cho ngành TCMN Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính, DN địa phương cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam, hiện cả nước có trên 1.500 DN và cơ sở tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 1,9 tỷ USD (2014 là 1,6 tỷ USD), chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Với đặc thù có nhiều làng nghề trải dài khắp cả nước, xuất khẩu hàng TCMN là lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều DN sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này đang đứng trước nhiều thách thức từ hội nhập.
Cạnh tranh sống còn
Dù chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng TCMN, nhưng gốm sứ không phải là lĩnh vực dễ tạo đẳng cấp thương hiệu và vị thế cho nhiều DN, nhất là các DN đi theo mô hình sản xuất sản phẩm theo lối cổ của Việt Nam. CTCP Gốm Chu Đậu là một ví dụ, ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc công ty cho biết, hàng xuất của DN này hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, sức cạnh tranh…
Với hoạt động sản xuất, các DN như CTCP Gốm Chu Đậu đều chào giá cho khách hàng nước ngoài theo đơn giá tính bằng ngoại tệ. Các khách hàng cũng luôn yêu cầu DN cung cấp phải ổn định giá trong khoảng thời gian hợp đồng, nhiều khi kéo dài 1-2 năm.
Trong khi đó, chi phí đầu vào sản xuất của DN như lương công nhân, giá nguyên liệu, các loại chi phí vận tải… lại liên tục tăng suốt mấy năm gần đây. Điều này đã dẫn đến không ít khó khăn cho DN, đặc biệt là khả năng tích tụ lợi nhuận và tài sản rất hạn chế nên sức cạnh tranh khó được cải thiện.
Thừa nhận khó khăn trên cũng có ở DN mình, ông Nguyễn Văn Trung, chủ một cơ sở sản xuất hàng TCMN mây tre đan tại Hà Nội chia sẻ, dù đã nhiều lần mơ đến thị trường xuất khẩu với những đơn hàng lớn, nhưng rút cuộc cơ sở của ông Trung vẫn buộc phải quay về với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu phải qua trung gian thương mại và bán cho khách hàng quen.
Cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc xuất khẩu hàng TCMN cho thấy một bức tranh chung như sau: mặc dù tiềm năng xuất khẩu của hàng TCMN Việt Nam là rất lớn, nhưng tính bền vững chưa cao.
Do quy mô sản xuất nhỏ nên các DN sản xuất khó đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn của nước ngoài, chưa tạo dựng được sự tin cậy đối với bạn hàng trong những hợp đồng lớn. Điều này dễ đẩy bạn hàng tìm đến các đối tác khác mạnh hơn về quy mô, vốn, công nghệ…
Trong khi đó, xu thế hội nhập tạo ra áp lực khá lớn cho ngành TCMN Việt Nam. Từ cuối năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập thì sự cạnh tranh giữa các DN trong nước với nhau, rồi với các DN nước ngoài trở nên khốc liệt hơn…
Đặc biệt với việc các sản phẩm mẫu mã hàng TCMN ít đổi mới, sáng tạo nên rất khó cạnh tranh với hàng của các nước khác. Đây là những tồn tại cản trở sự vươn lên của các DN xuất khẩu ngành hàng TCMN hiện nay.
Nhận diện thách thức để hóa giải
Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhấn mạnh, làng nghề hiện nay còn nhiều vấn đề cần giải quyết về vốn, thị trường, công nghệ, thiết bị, môi trường… Trong đó, mẫu mã nghèo nàn, chậm cải tiến cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất.
Ngoài ra, cũng theo VCCI, một trong những nguyên nhân làm giảm tính cạnh tranh của hàng TCMN Việt Nam là các DN đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường, nhất là thị trường dành cho tạo mẫu và thiết kế.
Khuyến nghị giải pháp cho ngành TCMN Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính, DN địa phương cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Những thách thức và giải pháp trên cũng được ông Nguyễn Hữu Thức nhận thức rõ. Chính vì vậy để chuẩn bị thế và lực để “vươn ra biển lớn”, công ty đã định vị lại cơ cấu các mặt hàng, sản phẩm chiến lược.
Bên cạnh việc áp dụng phương thức sản xuất công nghiệp, công ty còn cải thiện chất lượng ở khâu sản xuất thủ công, đặc biệt với các nhóm sản phẩm mang đặc tính văn hóa truyền thống để tạo ra hàng hóa đạt chuẩn về chất lượng, độc đáo về mẫu mã, mang tính ổn định cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng mọi tầng lớp khách hàng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí trên không phải dễ dàng với rất nhiều DN. Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong (chuyên sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại Nghệ An) cho rằng, không phải DN nào cũng đủ khả năng đầu tư cho nhóm thiết kế chuyên nghiệp, bởi mức đầu tư cho thiết kế mẫu mã sản phẩm là rất lớn. Ngoài mức lương chính, DN còn phải chi trả cho người thiết kế các khoản phí tham dự các hội chợ quốc tế để tìm hiểu về thị trường…
Về điểm này, nhằm hỗ trợ các DN tiếp cận với khách hàng, tiếp thị sản phẩm và có cơ hội khảo sát nhu cầu khách hàng nước ngoài… trong nhiều năm nay UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức Hội chợ quà tặng hàng TCMN định hướng xuất khẩu.
Sau 5 năm tổ chức, hội chợ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng các DN tham gia hội chợ ngày càng cao, số lượng các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, giao dịch tại hội chợ tăng bình quân 10%/năm, với tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu thông qua các kỳ hội chợ đạt 15 triệu USD.
Năm nay, Hội chợ quà tặng hàng TCMN Hà Nội 2016 sẽ diễn ra từ nay đến 20/10/2016, dự kiến thu hút trên 200 DN, cơ sở sản xuất của 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có các tỉnh, thành phố có ngành TCMN phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng… Đây là cơ hội cho các DN tìm kiếm đối tác và ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Nguyễn Minh
(Thời báo Ngân hàng)