Tại Hà Tĩnh, sau nhiều năm "chết yểu", cuối cùng dự án (DA) Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi công suất giai đoạn một 250.000 tấn/năm, giai đoạn hai 500.000 tấn/năm vừa bị thu hồi giấy phép đầu tư.
Thực phẩm chế biến: Ngành hàng nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Việt
- Cập nhật : 21/08/2016
Lợi thế thương hiệu thực phẩm chế biến Việt là “giá trong nước - tiêu chuẩn xuất khẩu” đã được người tiêu dùng thừa nhận.
Khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy, thực phẩm chế biến là ngành hàng có nhiều tiềm năng và các nhãn hiệu nội có mức độ phổ biến vượt trội hơn các thương hiệu ngoại, nhờ khả năng linh hoạt, nhạy bén và chế biến hợp khẩu vị của người tiêu dùng trong nước.
Lợi thế thương hiệu thực phẩm chế biến Việt là “giá trong nước - tiêu chuẩn xuất khẩu” đã được chính người tiêu dùng thừa nhận.
AC Nielsen cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ muốn những món ăn mang lại trải nghiệm khó quên, mà còn phải đảm bảo sức khỏe với các tiêu chí ngon - sạch - dinh dưỡng và tiện lợi.
Còn theo dự báo của Tổ chức Business Monitor International (BMI), ngành công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn sẽ tăng 24,2% về lượng và 48,7% về giá trị doanh số bán hàng hàng năm. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống bận rộn cùng với lối sống hiện đại ở các thành phố lớn dẫn đến nhu cầu về các loại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng gia tăng.
Đa đạng sản phẩm chế biến sẵn
Về chủng loại, có thể nói, thực phẩm chế biến là đa dạng sản phẩm nhất, bên cạnh nhóm ngành hàng tiêu dùng và dược phẩm – thực phẩm chức năng. Các doanh nghiệp thực phẩm như Vissan, Cầu Tre, SG Food, Masan, Ba Huân, Kido, CTCP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật… đã và đang đưa ra một loạt các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Các món chả giò, tôm cua viên, chạo tôm, há cảo, bánh xếp, sủi cảo, tôm lăn bột, càng cua bách hoa, canh chua măng cuốn tôm thịt, cá muối xả ớt, mực nhồi thịt... xuất hiện trên bàn ăn người Việt ngày một nhiều.
Đánh giá về tiềm năng lợi thế của các thương hiệu Việt trên thị trường này, một chuyên gia phân tích thị trường cho biết, thế mạnh của các thương hiệu trong nước là đã khai thác, chế biến được các chủng loại sản phẩm mang hương vị Việt, trong khi các doanh nghiệp ngoại chỉ phổ biến các sản phẩm xúc xích, jambon, thịt xông khói…
Bà Lê thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Food (SG Food) cho biết, lợi thế thương hiệu Việt là “giá trong nước - tiêu chuẩn xuất khẩu” đã được chính người tiêu dùng thừa nhận. Gần đây, trước nhu cầu của thị trường, SG Food đã đầu tư xây dựng thêm một kho lạnh và một nhà máy chế biến để nâng dần tỷ lệ từ 20% lên 50% cho thị trường nội địa vào năm 2020. Cùng tranh thủ cơ hội này, từ một đơn vị thuần túy cung cấp trứng và thịt gà tươi cho thị trường, Công ty TNHH Ba Huân đã quyết định đầu tư thêm nhà máy chế biến thực phẩm với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng (giai đoạn I) để cung cấp ra thị trường các sản phẩm qua chế biến như lạp xưởng gà, xúc xích gà, chà bông gà, trứng vịt luộc…
Sức nóng cạnh tranh với các thương hiệu ngoại
Thị trường tiềm năng vậy nên trong bối cảnh hội nhập, các tập đoàn đa quốc gia cũng đang nhòm ngó thị trường này.
Một chuyên gia phân tích thị trường cho biết, thị trường cho thực phẩm chế biến cạnh tranh ngày càng gay gắt, vì một số doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng về tài chính, kinh nghiệm đang nhắm đến. Ưu thế của họ hơn hẳn những doanh nghiệp nội vì chủ động được nguồn nguyên liệu và sản xuất theo mô hình khép kín từ giống, thức ăn, chăn nuôi cho đến sản xuất chế biến, nên chắc chắn giá thành sản phẩm chế biến sẵn của họ sẽ rẻ hơn. Trong khi lợi thế của doanh nghiệp Việt hiện nay là hiểu rõ thị trường nội địa, nên các sản phẩm thường được điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Huỳnh Đạt, Giám đốc CTCP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật, cho biết: “ Áp lực của ngành hàng chế biến thực phẩm rất lớn, nhu cầu người dùng lại liên tục thay đổi. Bên cạnh đó, miếng bánh thị trường thực phẩm chế biến vẫn đang là điểm “ngắm” của các tập đoàn đa quốc gia, nên các doanh nghiệp nội nếu không đầu tư sâu, rộng để phát huy lợi thế, tìm sự khác biệt, sẽ không tránh khỏi bị lấn át”.
Ông Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc CTCP Sản xuất và Thương mại Việt Hương, cũng nhấn mạnh: ‘Trong bối cảnh hội nhập, các tập đoàn đa quốc gia với bề dày thương hiệu lâu đời và tài chính dồi dào, luôn có sự đầu tư và chiến lược dài hạn, nên có khả năng lấn át doanh nghiệp nội để thống lĩnh thị trường. Vì vậy, muốn giữ ưu thế, các doanh nghiệp trong nước luôn phải cải tiến công nghệ và đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới”.
Tuy nhiên, mạnh dạn đầu tư với tiềm lực tài chính mạnh như Vissan, SG Food hay Ba Huân là chuyện không dễ với nhiều doanh nghiệp Việt, trong khi cuộc đua tranh giành giật miếng bánh thị trường với doanh nghiệp ngoại ngày càng gay gắt.
Nguồn: Báo Đầu tư