Ngành công nghiệp in ấn, bao bì đang có tốc độ phát triển cao và ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, thông qua các hình thức khác nhau như mua bán sáp nhập hoặc trực tiếp đầu tư nhà máy tại Việt Nam.
Doanh nghiệp thuỷ sản: Làm gì để tăng sức cạnh tranh?
- Cập nhật : 06/08/2016
Dưới góc độ hội nhập, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ “bắt buộc” các ngành thuỷ sản Việt Nam phải có sự thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển. Chủ động nguồn nguyên liệu, nâng cao sức cạnh tranh và sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật là điều kiện tiên quyết của các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản trong lúc này.
Xuất khẩu thuỷ sản trong nửa đầu năm 2016 dù đã cải thiện so với năm ngoái nhưng vẫn tăng trưởng ở mức thấp. Điều này được minh chứng khi 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản chỉ đạt 3,15 tỷ USD, tăng có 4% so với cùng kỳ năm 2015.
Thay đổi tư duy kinh doanh
Theo khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản của đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thuỷ sản khi hội nhập quốc tế” tổ chức tại Tp.HCM ngày 4/8, điều các DN cần làm lúc này là nên nắm vững cam kết của Việt Nam trong các FTA, không chỉ lĩnh vực trực tiếp liên quan đến mình, đồng thời, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường các nước tham gia FTA.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân (Cục Xuất nhập khẩu) lưu ý các DN thuỷ sản nên thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới như hiện nay. Hơn nữa, cần chủ động xây dựng kế hoạch cho giai đoạn trung và dài hạn, nâng sức cạnh tranh và sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật.
Theo thống kê, hiện có 5 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.
Tuy vậy, theo giới chuyên gia, không chỉ có các thị trường chủ lực này, việc Việt Nam tham gia vào các FTA đồng nghĩa với việc mở cửa và hội nhập hơn nữa vào tất cả các thị trường. Chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi nhằm tạo cơ hội và điều kiện tối đa cho DN thuỷ sản nhưng việc tái cơ cấu, cải cách thủ tục hành chính vẫn cần thời gian.
Đây cũng chính là những rào cản không nhỏ đang làm giảm sức cạnh tranh của các DN xuất khẩu thủy sản tại các thị trường nhập khẩu lớn. Hiện nay, với những ưu đãi về thuế nhập khẩu nguyên liệu, một số nước đối thủ cạnh canh như Trung Quốc hay Thái Lan hay các nguồn cung lớn khác như Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… đang khiến DN thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh để có được thị phần tốt hơn.
Với kinh nghiệm của một DN Việt xuất khẩu thuỷ sản tương đối thành công sang thị trường Trung Quốc, bà Lê Ngọc Anh (công ty TNHH Vạn Đạt) nhấn mạnh tính thương hiệu và ổn định chất lượng.
Qua nhiều năm đầu tư khai thác, tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Tây An, Tứ Xuyên, Thành Đô,…công ty Vạn Đạt đã xây dựng chi nhánh công ty và phủ sóng phân phối hàng hoá đến các thành phố lân cận khác. Dự kiến đến hết năm 2016, công ty này sẽ có 20 cửa hàng tiêu thụ thuỷ sản Việt Nam tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Thị trường yêu cầu đủ dạng chất lượng thì chúng ta hãy định hướng bán hàng với những thương hiệu và dòng chất lượng cố định, ổn định khai thác phân khúc thị trường đó, tránh trường hợp cùng loại hàng hoá bán đầy trong tất cả phân khúc thị trường và mọi người chỉ lo cạnh tranh giá cả” – bà Lê Ngọc Anh chia sẻ.
Lo chi phí lao động, nguyên liệu
Trong bối cảnh cạnh tranh, một thách thức không nhỏ với các DN thủy sản hiện nay là cần lực lượng lao động lớn. Trong khi đó, thực trạng lao động trong ngành không ổn định. Các ràng buộc và quy định chặt chẽ về lao động từ FTA sẽ tăng thêm thách thức cho các DN chế biến thủy sản.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động phân theo ngành năm 2015 trong khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm 44,3% và tỷ lệ cơ cấu GDP chiếm 17%. Theo ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc thường trực công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm hơn để “cứu” các DN có số lao động như ngành chế biến thuỷ sản trong lúc này, đó là chi phí lao động và bất cập của các quy định trong Luật Lao động.
Ông An bày tỏ sự lo ngại khi các FTA với các nước có hiệu lực, sự cạnh tranh của các DN thuỷ sản sẽ ra sao khi giá nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10 – 20%.
Thực tế cho thấy, nguồn nguyên liệu hiện nay không ổn định do đầu vào sản xuất nguyên liệu. Ông Võ Văn Sơn, Vụ Khoa học công nghệ & Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thuỷ sản), lý giải nguyên nhân là do nguồn lợi suy giảm, thời tiết khắc nghiệt.
Chính Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng thừa nhận việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản là giải pháp cần thiết và trong mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2020 thì điều này không thể tránh khỏi.
Điều này, theo ông Sơn, đã tạo ra thách thức lớn cho DN thuỷ sản trước các FTA khi giá thành sản xuất cao do đầu vào sản xuất nguyên liệu như thức ăn, con giống, hoá chất, kháng sinh đều phụ thuộc phần lớn vào các nguồn cung nước ngoài.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý chưa hoặc không kiểm soát được, dẫn đến dịch bệnh, chất lượng kém. Chi phí sản xuất cao hơn so với các nước khác khiến cho giá thành sản phẩm và giá XK cao, làm giảm khả năng cạnh tranh.
Chính vì vậy, ông Võ Văn Sơn đề nghị các DN thuỷ sản nên xem xét thế mạnh của các nước trong các FTA để đầu tư sang các nước đó sản xuất nguyên liệu và có thể cùng với chế biến tại chỗ để xuất khẩu.
Còn theo khuyến nghị của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để tăng sức cạnh tranh, các DN thuỷ sản nên tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc tại các đối tác FTA. Mặt khác, cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Theo thoibaokinhdoanh.vn