tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngành dệt may cần máy móc, công nghệ mới

  • Cập nhật : 10/09/2015

(Tin kinh te)

Hiện Việt Nam đang thiếu 6,5 tỉ mét vải, và để đầu tư sản xuất ra lượng vải này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó máy móc thiết bị chiếm 60%, tức ngành dệt cần khoảng 3,9 tỉ đô la Mỹ đầu tư cho máy móc.

 

Doanh nghiệp trong ngành dệt may đang có nhu cầu cấp thiết về mua máy móc, công nghệ mới, cũng như tìm nguồn nguyên liệu, do những đòi hỏi từ các hiệp định thương mại sắp tới, tình trạng thiếu lao động có tay nghề và sự cạnh tranh, theo ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu đan TPHCM (AGTEK).

Tại họp báo chiều 7-9 công bố về Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về máy móc, thiết bị công nghiệp và nguyên phụ liệu ngành dệt và may – VTG 2015 tại TPHCM, ông Phạm Xuân Hồng cho biết, sự hấp dẫn của ngành dệt may đối với lao động không cao, nên doanh nghiệp trong ngành dễ bị mất lao động.

Khi công nhân có tay nghề nghỉ việc, doanh nghiệp may mặc thường phải thuê lao động không có tay nghề để đào tạo. Do đó, để đảm bảo được năng suất, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, thiết bị mới. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành may mặc quan tâm đến việc đầu tư máy móc, công nghệ mới, nhưng tính toán để làm sao cải tiến năng suất, hiện đại hoá, nhưng chi phí phải vừa phải. Do đó, trừ doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đầu tư từng bước, để đảm bảo tăng năng suất, và vẫn đảm bảo về thu nhập để giữ lao động.

Ngoài ra, trước đây, trong ngành may mặc, phần đông doanh nghiệp chủ yếu làm gia công, tức khách hàng đưa vải đến và doanh nghiệp chỉ sản xuất, không quan tâm nhiều đến việc nguồn vải ở đâu, vải gì, nguyên liệu ra sao.

"Tuy nhiên, tình hình hiện nay trước áp lực về yêu cầu xuất xứ hàng may mặc để tận dụng các ưu đãi trong các hiệp định thương mại sắp tới, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để tồn tại, và nhu cầu giữ công nhân đòi hỏi doanh nghiệp phải có thu nhập tốt, năng suất tốt, và cải tiến về quản lý. Theo đó, doanh nghiệp không thể tiếp tục gia công như bấy lâu, mà phải tìm mua nguyên liệu về sản xuất để tăng lợi nhuận, đảm bảo thu nhập cho công nhân. Do đó, doanh nghiệp phải kết nối với nhà cung ứng nguyên liệu", ông Hồng cho biết.

Cũng tại buổi họp báo, theo ông Nguyễn Văn Tuấn  - Phó chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, hiện hàng dệt may Việt Nam xuất sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) chịu thuế suất 9,6%, nhưng khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực, thuế này sẽ được đưa dần xuống 0% với lộ trình cắt giảm là 7 năm. Nếu Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực, thuế suất đối với hàng may mặc của Việt Nam qua thị trường Mỹ có khả năng sẽ từ mức 17,5% xuống ngay 0%.

Tuy nhiên, hiệp định thương mại với EU đòi hỏi hàng may mặc của Việt Nam phải cắt may từ vải được sản xuất tại Việt Nam (hay EU, Hàn Quốc - PV), còn TPP đòi hỏi sản phẩm may mặc phải có sợi sản xuất tại các nước tham gia TPP. Trong khi đó, trong năm ngoái Việt Nam cần 8,2 tỉ mét vuông vải, thì chỉ có 1,7 tỉ mét vuông vải được sản xuất tại Việt Nam. Do đó, nếu tình hình này không được cải thiện, doanh nghiệp may mặc Việt Nam khó hưởng lợi từ hai hiệp định trên, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện Việt Nam đang thiếu 6,5 tỉ mét vải, và để đầu tư sản xuất ra lượng vải này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó máy móc thiết bị chiếm 60%, tức ngành dệt cần khoảng 3,9 tỉ đô la Mỹ đầu tư cho máy móc.

Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về máy móc, thiết bị công nghiệp và nguyên phụ liệu ngành dệt và may – VTG 2015 diễn từ ngày 21 đến 24-10-2015 tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình (TCECC) tại Q.Tân Bình, TPHCM.

Triển lãm do Chi nhánh Công ty Cổ phần Quảng cáo & Hội chợ Thương mại (VINEXAD) kết hợp với Công ty Triển lãm quốc tế Chan Chao (Đài Loan), Công ty Thương mại và dịch vụ tiếp thị Yorkers (Hồng Kông), Công ty dịch vụ triển lãm và truyền thông Paper (Hồng Kông) cùng Hiệp Hội Dệt May Thêu Đan Tp.HCM (AGTEK ), Hiệp Hội Bông Sợi Việt Nam ( VCOSA ).

Triển lãm có hơn 125 đơn vị tham gia với gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ 12 nước và vùng lãnh thổ, gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia và Trung Quốc.

Triển lãm sẽ trưng bày máy may, máy dệt, máy cắt vải tự động, máy kéo sợi, chế biến sợi và phụ kiện, hóa chất và thuốc nhuộm, thiết bị thêu, dệt kim, thiết bị kiểm tra và điều khiển, máy cuộn dây, màn hình dệt, máy móc in ấn trên chất liệu vải, phụ liệu may mặc, trang phục và phụ kiện…

Theo ông Phạm Quỳnh Giang, Phó tổng giám đốc Công ty VINEXAD, quy mô triển lãm năm nay tăng 40% so với 2014. Trong đó, đứng đầu về số lượng cũng như quy mô tham gia triển lãm là doanh nghiệp Việt Nam, đăng ký 85 gian hàng, tiếp đến là Đài Loan với 62 gian hàng, đứng thứ ba là doanh nghiệp Trung Quốc với 53 gian hàng.

 

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục