Việc nhập khẩu tới 42% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đang khiến cho ngành dệt may Việt Nam có thể sẽ không được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP như mọi người vẫn nghĩ.
Loay hoay cổ phần hoá cảng biển
- Cập nhật : 11/09/2015
(Tin kinh te)
Chưa biết cổ phần hóa cảng đường thuỷ sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian tới, nhưng giới chuyên môn cho rằng, nếu vẫn theo hướng Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì không có nhiều ý nghĩa đối với nhà đầu tư.
Câu chuyện cổ phần hoá (CPH) lĩnh vực cảng đường thuỷ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua, như việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) dường như chưa đạt kỳ vọng. Ở một số cảng đang hoạt động tốt, NĐT khá quan tâm với lộ trình thoái vốn Nhà nước. Nhưng với rất nhiều cảng, kể cả cảng quy mô lớn, thì khi CPH lại không nhận được sự chú ý của xã hội.
TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đưa ra một thực tế, thị trường cảng hiện nay có một số cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng… khai thác công suất tương đối khá, còn lại nhiều cảng có công suất thấp, chi phí vận hành cao. Riêng cảng Thị Vải - Cái Mép không đủ khả năng cân đối tự vận hành, đang phải cho tư nhân thuê và công suất sau khi cho thuê lại cũng không cao. Một loạt cảng miền Trung có quy mô lớn, nhưng công suất thấp...
Hoạt động vận tải thủy, khai thác cảng biển và cảng sông… mấy năm nay chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở nền kinh tế phục hồi, triển vọng ký kết các Hiệp định thương mại tự do lớn… nhiều NĐT kỳ vọng việc CPH ngành này sẽ tạo ra những thay đổi và cơ hội mới trong đầu tư. Tuy nhiên, thách thức để ngành này phát triển trên thực tế còn rất lớn.
Bởi nếu có CPH thành công, việc xây dựng, nâng cấp cảng còn phụ thuộc vào quy hoạch tổng thể quốc gia. Chưa kể, việc xây dựng cảng trước nay dựa theo ý kiến chủ quan của địa phương chứ không phải cái thị trường cần. Đơn cử, cảng Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đón tàu trên 100 ngàn tấn, nhưng công suất hoạt động trên thực tế rất thấp, chỉ trên 20% do thiếu một số điều kiện: do không có chân hàng, giao thông không thuận lợi cho DN các tỷnh lân cận...
Đại diện CTCP Gemadept (GMD) - một DN vận tải thuỷ lớn - thừa nhận, hoạt động của các cảng còn nhiều rủi ro. Đặc biệt, tình trạng phân bổ nguồn cung cảng và phát triển hạ tầng giao thông liên kết không đồng đều đã tạo ra sự chênh lệch lớn về hiệu quả kinh doanh giữa các khu vực cảng trên cả nước.
Ở khu vực miền Bắc, hiệu suất khai thác cảng của cụm cảng Hải Phòng và Đình Vũ hiện rất cao (trung bình trên 80%). Tuy nhiên, khu vực miền Bắc vẫn đứng trước khả năng cung vượt cầu khi giai đoạn 1 dự án cảng Lạch Huyện đi vào khai thác vào năm 2016 sẽ làm tăng nguồn cung cảng khoảng 1 triệu TUEs/năm.
Bên cạnh đó với sự ra đời của một số cảng mới như cảng Nam Hải Đình Vũ (GMD), cảng Hải Phòng 128 mở rộng (TCL), cảng Hải An (HAH) và Greenport-VIP (VSC) từ năm 2015 sẽ làm cạnh tranh trong khu vực này ngày càng gay gắt.
Trong khi đó, cũng nằm ở khu vực phía Bắc nhưng cảng Cái Lân (Quảng Ninh) luôn có hiệu suất khai thác rất thấp dưới 30%. Nghịch lý là khu vực cảng Quảng Ninh nằm ở vị trí chiến lược trung tâm Bắc Bộ, rất thuận tiện cho hàng hoá xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Ngoài ra, với quy hoạch là cảng nước sâu, cảng Quảng Ninh hơn hẳn cảng Hải Phòng trong việc tiếp nhận tàu cỡ lớn trên 3.000 TUEs…
Ở miền Nam cũng vậy, các điểm thông quan nội địa (ICD) như Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh chiếm đến 2/3 sản lượng container thông quan cả nước. Trong đó, hoạt động của cảng Cát Lái (CLL) luôn đặt trong tình trạng quá tải khi phải thông quan hơn 80% sản lượng container ở TP. Hồ Chí Minh.
Việc đưa vào khai thác giai đoạn 1 cảng Tân Cảng - Hiệp Phước từ cuối 2014 (giai đoạn 2 dự kiến giữa năm 2015) sẽ giúp giảm tải áp lực cho cảng Cát Lái, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng hàng hóa qua khu vực Cái Mép - Thị Vải, nơi có một số dự án cảng lớn đang đầu tư như cảng Gemadept Hoa Sen và Gemalink…
Chưa biết CPH cảng đường thuỷ sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian tới, nhưng giới chuyên môn cho rằng, nếu vẫn theo hướng Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì không có nhiều ý nghĩa đối với NĐT.
TS. Võ Đại Lược đặt giả thiết, nếu Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối trên 50% thì việc CPH lúc này chỉ đơn thuần mang ý nghĩa thu hút thêm vốn tư nhân. Trong khi thực chất chỉ là hình thức đổi “tài” chứ không có ý nghĩa thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân năng động. Ông Lược khuyến nghị, nên cho tư nhân sở hữu trên 50%, tức là quyền quản trị thuộc về tư nhân, thì hiệu quả mới tốt lên được.