tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xu hướng kinh doanh nào sẽ chi phối thị trường logistics?

  • Cập nhật : 10/09/2015

(Thuong mai)

Sự bùng nổ của kênh bán hàng tiện lợi, thương mại điện tử, thị trường nông thông và vùng sâu, vùng xa sẽ là những xu hướng kinh doanh chi phối đến sự phát triển của thị trường logistics Việt Nam trong thời gian tới.

 

Hiện Việt Nam có hơn 1200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chủ yếu tập trung tại khu vực TP. HCM và Hà Nội. Theo Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại và Đầu Tư (Bộ Công Thương). Trong số đó, khoảng 900 doanh nghiệp là các đại lý vận tải, với 70% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

25 DN logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, chiếm giữ 70-80% thị phần của ngành. Các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam chủ yếu làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn như là nhà thầu phụ trong dây chuyển logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.

Trong bối cảnh đó, ông Julien Brun, Tổng Giám Đốc Công ty CEL Consulting, chuyên tư vấn và đào tạo trong lĩnh vực quản trị cung ứng ở Đông Nam Á, đã đưa ra những xu hướng kinh doanh chi phối đến thị trường logistics.

Giao hàng hiệu quả cho kênh bán hàng tiện lợi

Trong 5 năm vừa qua, mô hình kinh doanh của hàng tiện lợi và thương mại điện tử đang dần xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Một loạt các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã và đang tiếp tục được mở ra tại các điểm dân cư đông đúc tại các thành phố lớn.

Với hơn 90 triệu người, Việt Nam đang có khoảng 400 cửa hàng tiện lợi trong cả nước. Nếu so với Thái Lan, một nước láng giềng với 60 triệu dân và 10.000 cửa hàng tiện lợi, hay so với Nhật Bản 50.000 cửa hàng tiện lợi cho 130 triệu dân, thì có thể nhận định rằng xu hướng kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam là điều tất yếu.

Theo báo cáo của Nielsen, trong năm 2014, số lượng người tiêu dùng mua hàng tại kênh chợ truyến thống giảm 5%, giảm 17% đối với của hàng tạp hóa truyền thống và 22% người tiêu dùng có thói quen mua hàng ở kênh bán hàng tiện lợi.

Sự phát triển của kênh bán hàng tiện lợi yêu cầu hoạt động logistics có khả năng giao hàng nhỏ lẻ, thường xuyên và đúng hẹn cho phép loại bỏ tồn kho tại cửa hàng và tối ưu hóa diên tích bán hàng nhưng không để xảy ra trường hợp mất doanh số cho hết hàng.

Ngoài việc tối ưu hóa năng lực giao nhận, việc đầu tư trang thiết bị và phát triển quy trình cho kho bãi dành riêng cho việc đáp ứng kênh bán hàng tiện lợi vẫn chưa được quan tâm thực hiện tại nhiều doanh nghiệp bán lẻ và logistics.

Giao hàng hiệu  quả cho kênh TMĐT

Song song với kênh bán hàng tiện lợi, mô hình thương mại điện tử cũng đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, hiện Việt Nam là nước đứng thứ 4 về tốc độ phát triển TMĐT tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Theo Cục Thương Mại Điện Tử và Công Nghệ Thông Tin, trong năm vừa qua, doanh số bán hàng của kênh TMĐT đạt 2.97 tỷ USD, tương đương 2.12% tổng doanh thu bán lẻ. Đặc thù của kênh TMĐT là khả năng bán hàng phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn thông qua mạng internet.

Tuy nhiên, cũng chính vì độ phủ lớn mà gánh nặng về chi phí logistics cũng là một bài toán nhức nhối cho các doanh nghiệp TMĐT. Tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn, độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành là đặc điểm quan trọng của logistics phục vụ cho kênh TMĐT.

Phần lớn các giao dịch TMĐT hiện nay vẫn là ở hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD), và hiện nay các đại lý giao nhận cung cấp dịch vụ giao hàng và thu tiền COD cho kênh TMĐT vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số các doanh nghiệp lớn cũng đang có ý định mở rộng qua lĩnh vực này như Vietnam Post, Viettel Post, và Kerry TTC.

Ngoài ra khả năng linh hoạt trong giao nhận cũng là một yếu tố quan trọng đối với khách hàng của kênh TMĐT (ví dụ: thay đổi địa điểm giao hàng, giao hàng qua địa điểm tập kết trung gian, và quy trình trả hàng nhanh và tiện lợi).

Giao hàng hiệu quả đến nông thôn và vùng sâu vùng xa

 Logistics đóng một vai trò quan trọng trong phân phối hàng hóa, đặt biệt là hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Đi cùng với vai trò quan trọng ấy là rất nhiều bài toán nan giải được đặt ra, đòi hỏi từ phía logistics những phương án giải quyết thực sự phù hợp. Việc vận chuyển và giao hàng ở nông thôn Việt Nam là một bài toán khó như thế.

Với đặc thù địa bàn rộng lớn, dân cư thưa thớt, hệ thống đường giao thông không thuận tiện, muốn mang được hàng đi sâu hơn, xa hơn với chi phí hợp lý nhất thì phải tập kết hàng ở đâu, tổ chức bán và giao hàng ra sao, dùng phương tiện gì để chuyên chở, tự làm hay thuê ngoài? Đó là hàng loạt các câu hỏi mà các DN là đại lý phân phối hàng thực phẩm, tiêu dùng ở nông thôn đang gặp phải.

DN nào có được câu trả lời đúng nhất, sớm nhất sẽ có được lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường ở nông thôn trong tương lai, nơi mà hơn 70% dân số Việt Nam đang sinh sống.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục