Các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong tháng 6 khi sản lượng tăng tốc lên mức cao nhất trong 11 tháng.
Ngành dệt may và “giấc mơ” xuất khẩu 50 tỷ USD
- Cập nhật : 23/06/2016
Khẳng định dệt may là một “trường hợp điển hình” hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và mỗi bước tăng trưởng nổi bật của ngành đều gắn với FTA, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, đến năm 2020, dệt may Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 50 tỷ USD.
Đánh giá tác động của TPP với dệt may phục vụ việc Quốc hội xem xét việc phê chuẩn Hiệp định này trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết: Với Mỹ, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gần 95% số dòng thuế sẽ hoặc là được xóa bỏ hoàn toàn, hoặc là giảm mạnh với mức từ 35 đến 50%.
Mức giảm này tương ứng với 63,5% tổng tiền thuế nhập khẩu mà Mỹ thu vào đối với hàng dệt may của Việt Nam (quy về giá trị, tương đương 1,1 tỷ USD). Tuy nhiên, hàng dệt may sẽ phải đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ mới được hưởng ưu đãi thuế. Việt Nam đã có 2 thư trao đổi cam kết với Mỹ và Mehico về chương trình giám sát hàng dệt may, với mục tiêu hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực hải quan, chống gian lận xuất xứ để hưởng lợi bất hợp pháp về thuế ưu đãi TPP đối với mặt hàng dệt may.
Thỏa thuận song phương của Việt Nam với Mỹ và Mexico về chương trình đăng ký DN dệt may sẽ thiết lập chương trình để DN đăng ký các thông tin cơ bản, mặt hàng sản xuất, xuất khẩu để chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng 2 nước trên, phục vụ công tác đánh giá rủi ro trong lĩnh vực hải quan, phòng chống gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, Mexico và Việt Nam cũng đã có trao đổi về việc nước này sẽ áp dụng hạn chế định lượng đối với một số mặt hàng Việt Nam được hưởng thuế 0% nhưng sử dụng nguyên phụ liệu thuộc danh mục nguồn cung thiếu hụt.
Hiện dệt may Việt Nam đang đứng thứ 2 ở Mỹ, thứ 6 ở châu Âu, thứ 3 ở Nhật Bản và thứ 2 ở Hàn Quốc dù mức thuế nhập khẩu hiện khá cao, Mỹ 17% – 18%; châu Âu 8% – 12%. “Với đặc tính của thị trường thế giới là rất ổn định, ngay trong khủng hoảng thì tổng cầu tiêu dùng vẫn không thay đổi lớn, ở mức 700 – 720 tỷ USD tiền quần áo/năm, thì FTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu vì tiết kiệm được thuế. Với quy mô xuất khẩu tăng lên, có khả năng đến 2020 đạt 50 tỷ USD, tạo ra một cơ hội mới thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu và hình thành ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may Việt Nam” – ông Lê Tiến Trường nhận định.
Việt Nam có vị trí địa kinh tế nằm cạnh Trung Quốc – nước chiếm 53% sản lượng vải, quần áo toàn thế giới, trong khi Việt Nam chỉ bằng 1/12, tức khoảng 4%. Như vậy, chỉ cần 3% - 4% trong năng lực sản xuất của Trung Quốc dư ra là đã có thể phục vụ toàn bộ thị trường Việt Nam với giá rất cạnh tranh.
Quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế sẽ tạo ra một lực đẩy, để đầu tư dệt tại Việt Nam, bán với giá Việt Nam, nhưng vẫn có thể làm lợi cho cả người mua và người bán, thay vì lấy vải từ các nguồn khác ngoài TPP. Các đối tác trong TPP cũng là người cung cấp công nghệ, nguồn vốn và các quy trình sản xuất, kinh nghiệm quản lý để có thể triển khai việc chia sẻ các lợi ích về trực quan.
Theo Vinatex, từ kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2001 đến nay dự kiến đạt 29,5 tỷ USD, mỗi bước tăng trưởng nhảy vọt của dệt may đều gắn liền với các hiệp định thương mại. Nếu như trước năm 2001, khi Việt Nam chưa xuất khẩu thẳng được vào Mỹ mà phải xuất qua Hàn Quốc và Đài Loan, khó khăn lắm mới đạt mốc 1 tỷ USD.
Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2011 đã tạo ra đà tăng trưởng mạnh nhất trong thời điểm này, thêm 1 tỷ USD trong năm đầu tiên và lên 6,5 tỷ USD vào 2006. Giai đoạn thứ 2 gắn liền với WTO. Năm đầu tiên khi trở thành thành viên, kim ngạch dệt may tăng tới 34%, đạt ngay 7,8 tỷ USD.
(CAND)