Vận chuyển là một trong những nhu cầu quan trọng trong đời sống hàng ngày, hầu hết các phương tiện vận chuyển đều sử dụng săm lốp cao su, nên kinh tế toàn cầu dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành săm lốp vẫn có nhiều kỳ vọng.
Phát triển ngành dừa
- Cập nhật : 09/09/2015
(Tin kinh te)
Cây dừa (Cocos nucifera L.) có thể cao tới 30 m, phát triển tốt trên đất pha cát và có khả năng chống chịu mặn tốt; là loại cây trồng có giá trị kinh tế, tất cả các phần của quả và thân cây dừa đều sử dụng được và là nguyên liệu cho nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Quả dừa phần lớn là xơ và nước dừa (Bảng 1). Cơm dừa được chú trọng khai thác tối đa để ép lấy dầu làm nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học, sơn,… Nước dừa là nguyên liệu làm thạch dừa, giấm, thậm chí có thể làm dịch truyền, làm thức uống giải khát bổ dưỡng. Gáo, thân, xơ và lá dừa có nhiều cách sử dụng khác nhau như làm than hoạt tính, đồ mỹ nghệ, hàng gia dụng, thảm xơ dừa,…và chất đốt.
Bảng 1: Thành phần trung bình của một quả dừa chín
Cây dừa được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới, dọc bờ biển và các đảo trên 90 quốc gia, với hơn 11 triệu ha; tập trung nhiều nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 10 quốc gia có diện tích trồng dừa lớn trên thế giới là Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka, Brazil, Thái Lan, Papua New Guinea, Malaysia, Việt Nam và Vanuatu. Ba quốc gia hàng đầu là Indonesia, Philippines, Ấn Độ có diện tích trồng hơn 1 triệu ha, chiếm trên 80% sản lượng dừa thế giới (Bảng 2). Hai nước có diện tích lớn là Indonesia và Philippines lại có năng suất dừa khá thấp, trong khi các nước khác như Ấn Độ, Sri Lanka, và Việt Nam có năng suất dừa cao hơn nhiều (Bảng 3).
Bảng 2: 5 Quốc gia dẫn đầu sản lượng dừa, năm 2012
Bảng 3: Diện tích và năng suất dừa một số nước, năm 2011
Nguồn: Chương trình Phát triển ngành dừa Bến Tre đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2300/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bến Tre), APCC.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ cây dừa. Hiện nay, các quốc gia thành viên của Hiệp Hội Dừa châu Á Thái Bình Dương (APCC - The Asian and Pacific Coconut Community) đã sản xuất được hơn 70 chủng loại sản phẩm từ dừa.
Sản lượng cơm dừa thế giới mùa vụ 2013 là 5,8 triệu tấn. Hầu hết cơm dừa được các nước dùng để sản xuất dầu dừa, chỉ 2% cơm dừa được xuất ra thị trường thế giới. Sản lượng dầu dừa thế giới năm 2013 là 3,65 triệu tấn, tổng lượng xuất khẩu là 1,9 triệu tấn (Bảng 4). Ba nước dẫn đầu chiếm khoảng 80% sản lượng dầu dừa toàn cầu là Philippines khoảng 46%, kế tiếp là Indonesia (26%), Ấn Độ (12%) (Bảng 5). Về nhập khẩu dầu dừa, EU và Mỹ chiếm 62% toàn cầu (Bảng 6).
Dẫn đầu sản lượng dầu dừa là Philippines, nước có công nghiệp dừa phát triển hàng đầu thế giới với khoảng 52% dầu dừa sản xuất ra được xuất khẩu, và chiếm hơn 30% thị phần các sản phẩm từ dừa tại các nước Mỹ, Hà lan, Nhật, Ý và Trung Quốc.
Bảng 4: Số liệu về cơm dừa và dầu dừa trên thế giới
*: ước tínhNguồn: USDA (United States Department of Agriculture), Oilseeds: World Markets and Trade.
Bảng 5: 10 Quốc gia dẫn đầu sản lượng dầu dừa, năm 2013
Bảng 6: Sản lượng và xuất nhập khẩu dầu dừa các nước dẫn đầu thế giới, năm 2014*
Ngành dừa được các nước quan tâm phát triển bởi các sản phẩm từ cây dừa cần thiết trong đời sống và giá trị có xu hướng tăng trong những năm qua. Giá dầu dừa từ năm 1994 đến 2004 dao động ở mức trên dưới 500 USD/tấn, đến 2005 bắt đầu tăng, lên đến 1.730 USD/tấn vào năm 2011, năm 2012 giảm còn trên dưới 1.000 USD/tấn, và tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2013, hiện có xu hướng phục hồi trong năm 2014, đang dao động trong khoảng 1.300 USD/tấn, cao hơn 60% giá dầu cọ và dầu đậu nành (BĐ1, BĐ2).
BĐ1: Giá dầu dừa từ năm 2002 đến 2012
BĐ2: So sánh giá dầu dừa, dầu cọ và dầu đậu nành
Ngành dừa ở một số nước
Cây dừa ở Indonesia
Indonesia có diện tích trồng dừa lớn nhất thế giới (3,8 triệu ha). Xuất khẩu gần ½ sản lượng, sản phẩm chính là dầu dừa và khô dầu và ở dạng thô như dừa trái, cơm dừa; các sản phẩm đòi hỏi công nghệ chế biến cao hơn như cơm dừa nạo sấy còn thấp.
Cây dừa ở Philippines
Philippines có diện tích trồng dừa đứng thứ nhì thế giới (3,56 triệu ha), ngành dừa có quy mô lớn và phát triển lâu năm nên chiếm lĩnh được các thị trường tiêu thụ quan trọng như châu Âu, Mỹ, Nhật. Các sản phẩm dừa đa dạng. Dầu dừa là sản phẩm xuất khẩu lớn thứ năm, là mặt hàng nông sản hàng đầu của Philippines và chiếm vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên Philippines chưa khai thác tốt nguồn vỏ trái dừa để sản xuất xơ dừa và các sản phẩm liên quan. Đặc biệt Philippines cấm xuất khẩu dừa trái nguyên liệu và cơm dừa cũng không được xuất dạng nguyên liệu thô.
Cây dừa ở Ấn Độ
Ấn Độ có diện tích dừa gần 1,9 triệu ha, lớn thứ ba thế giới. Năng suất trồng dừa cao, gấp 1,8 lần Indonesia và hơn Philippines đến 2,08 lần. Là nước đông dân và có tập quán sử dụng dừa và các sản phẩm dừa cho chế biến thức ăn hàng ngày nên sản lượng dừa chủ yếu tiêu thụ nội địa. Dù vậy, Ấn Độ có ngành chế biến xơ dừa và các sản phẩm từ xơ dừa rất mạnh, đa dạng và được xuất khẩu nhiều nhất.
Cây dừa ở Sri LanKa
Ngành dừa Sri LanKa phát triển lâu đời, diện tích khoảng gần 400 ha. Trên 80% sản lượng dừa được tiêu thụ nội địa. Năng lực chế biến các sản phẩm dừa khá mạnh và đa dạng. Sản lượng các sản phẩm xơ dừa xuất khẩu cao hơn Ấn Độ và có giá trị tương đương hoặc hơn giá trị xuất khẩu cơm dừa khô. Sữa dừa cũng là thế mạnh, than thiêu kết và than hoạt tính cũng được xuất khẩu nhiều. Sri LanKa có tiềm năng phát triển ngành dừa về diện tích lẫn sản lượng.
Phát triển ngành dừa ở Việt Nam
Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam phù hợp cho cây dừa sinh trưởng, nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long và khu vực Duyên hải miền Trung, hiện có khoảng 150.000 ha đất trồng dừa, tập trung chủ yếu ở Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long và Bình Định … Trong đó, Bến Tre và Trà Vinh phát triển mạnh về diện tích lẫn chế biến xuất khẩu.
Thống kê năng suất trồng dừa của các tổ chức có khác nhau, nhưng nhìn chung năng suất trồng dừa tăng cao trong những năm qua ở Việt Nam, năm 2004 dưới 8.000 trái/ha/năm, năm 2010 đạt cao nhất là 9.510 trái/ha/năm. Vì thế dù diện tích trồng không thay đổi nhiều nhưng sản lượng tăng qua các năm (BĐ1, BĐ2). Sản lượng dừa hàng năm đạt trên một tỷ trái, quy đổi ra được hơn 300 ngàn tấn cơm dừa.
BĐ1: Phát triển diện tích trồng dừa ở Việt Nam
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vietnam current status of coconut sector development from the small farmer perspectives,Bangkok, 2013.
BĐ2: Phát triển năng suất và sản lượng dừa ở Việt Nam
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vietnam current status of coconut sector development from the small farmer perspectives,Bangkok, 2013.
Giá trị thu được từ các sản phẩm chế biến luôn cao hơn nhiều khi bán sản phẩm thô, theo phân tích giá trị gia tăng từ 1.000 trái dừa (năm 2010) cho thấy dừa tươi tạo ra 276 USD/1000 trái, thấp hơn nhiều so với dừa khô và chế biến: 575 USD/1.000 trái. Ngoài ra, thạch dừa, xơ dừa, than hoạt tính cũng tạo nguồn thu gia tăng đáng kể cho trái dừa (BĐ 3).
BĐ3: Giá trị gia tăng tính trên 1000 trái dừa
Dừa được trồng và chế biến với quy mô kinh tế hộ gia đình, nhỏ lẻ (Bảng 1). Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa của Việt Nam hàng năm khoảng trên 200 triệu USD, còn thấp so với các loại cây trồng khác như lúa, cà phê, cao su. Bến Tre là tỉnh có diện tích đất trồng dừa lớn nhất nước với gần 60 ngàn ha, cũng là địa phương sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chủ yếu của cả nước. Hiện nay, chế biến các sản phẩm từ dừa ở Bến Tre khá đa dạng và đã xuất khẩu trên 20 loại sản phẩm từ dừa sang các nước, thu về khoảng 200 triệu USD mỗi năm. Tính trong 6 tháng đầu năm 2014, cơm dừa sấy khô là sản phẩm chiếm giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 26,36 triệu USD (khoảng 30%), kế đến là sữa dừa đóng hộp (21,5 triệu USD) và dừa trái (12 triệu USD). Chỉ xơ dừa và than hoạt tính cũng là sản phẩm xuất khẩu đáng kể (BĐ4, BĐ5). Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu cơm dừa nạo sấy và chỉ xơ dừa chủ yếu trên thế giới. Song song đó, hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, phục vụ khách du lịch và xuất khẩu đạt giá trị trên 20 tỷ đồng/năm.
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ dừa trên thế giới luôn trong xu hướng tăng nên tiềm năng xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, để tạo thế đứng vững chắc cho cây dừa trên thị trường khu vực và thế giới, cần đầu tư mở rộng quy mô trồng và chế biến; trang bị công nghệ hiện đại để phát triển công nghiệp chế biến dừa và đa dạng hóa cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Và để phát triển ngành dừa thì không thể thiếu vai trò quản lý nhà nước và các chính sách phù hợp.
Bảng1: Quy mô trồng dừa ở Việt Nam
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vietnam current status of coconut sector development from the small farmer perspectives,Bangkok, 2013.
BĐ4:Số lượng xuất khẩu các sản phẩm chính từ dừa của Bến Tre (6 tháng đầu năm 2014)
BĐ5: Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chính từ dừa của Bến Tre (6 tháng đầu năm 2014)