Hiệp định TPP sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Qua đó đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhất là yêu cầu về cảng biển có khả năng thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ tăng cao.
Nông sản Việt lo chuyện hội nhập: Ngành điều rộng mở xuất khẩu
- Cập nhật : 05/09/2015
(Tin kinh te)
Dù kim ngạch xuất khẩu (XK) cao nhưng Việt Nam là nước nhập khẩu (NK) hạt điều nguyên liệu thứ 2 thế giới. Do đó, ngành điều đang hướng tới quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu lâu dài, hướng tới XK bền vững.
Lỗ hổng từ vùng nguyên liệu
Nếu như cách đây 10 năm, các doanh nghiệp (DN) NK điều thô khoảng 20 - 30%, 70 - 80% sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thì nay tình thế đã hoàn toàn đảo ngược, lượng điều thô NK để chế biến lên tới 60-70%.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, mỗi năm, ước tính Việt Nam NK khoảng 500.000 - 600.000 tấn điều thô (bao gồm khoảng 250.000 - 300.000 tấn từ châu Phi). Sản lượng nhập đang tăng lên từng năm: Năm 2013, Việt Nam mua điều thô từ 15 nước châu Phi với tổng kim ngạch đạt 490,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2012.
Nhu cầu điều nguyên liệu lớn nhưng việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước đang vô cùng khó khăn. Nguyên nhân do trồng điều, người dân có thu nhập không cao. Bình quân trong 6 năm (2006 - 2011), một ha điều ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, trừ chi phí, người nông dân chỉ nhận được 1,39 triệu đồng/năm; vùng Đông Nam bộ cao hơn với 9,41 triệu đồng/năm. Mức lợi nhuận này thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Do đó, nhiều nông dân đã phá bỏ cây điều để chuyển sang các loại cây khác có giá trị cao hơn như: Cà phê, tiêu, xoài, cao su... Từ năm 2005 - 2013, diện tích điều giảm mạnh, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ (88.399 ha), duyên hải Nam Trung bộ (hơn 16.900ha), Tây Nguyên (14.111ha)...
Tăng năng lực cạnh tranh trước hội nhập
Để tập trung phát triển nguồn nguyên liệu, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức phê duyệt Đề án Phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020. Theo đó, ổn định diện tích điều ở mức 300.000 ha, các tỉnh trọng điểm Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận là 200.000 ha (còn lại là các vùng khác).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: Quan trọng nhất là giữ vững cũng như nâng cao năng suất điều hiện có và phát triển thêm diện tích trồng mới. Muốn làm điều này phải xây dựng lại chuỗi sản xuất, xây dựng trung tâm phát triển bền vững cây điều, các dự án khuyến nông... Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng.
Đề án còn đề cập đến vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại các DN chế biến, XK điều theo hướng giảm đầu mối, giảm cơ sở chế biến nhỏ không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm; tiến đến 100% cơ sở chế biến nhân điều tự động hóa khâu cắt tách vỏ lụa, các khâu khác được cơ giới hóa và tự động hóa khép kín, 95% cơ sở được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas - cho rằng, cơ quan quản lý cần có sự quy hoạch lại ngành điều theo hướng phát triển bền vững lâu dài, gắn kết được lợi ích của người trồng – người sản xuất, kinh doanh và công ty XK… Có như vậy, ngành điều Việt Nam mới có thể vững bước trên con đường hội nhập.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát: Phát triển ngành điều bền vững chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta có DN mạnh.