Dù kim ngạch xuất khẩu (XK) cao nhưng Việt Nam là nước nhập khẩu (NK) hạt điều nguyên liệu thứ 2 thế giới. Do đó, ngành điều đang hướng tới quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu lâu dài, hướng tới XK bền vững.
Đầu tư thủy điện: Giải bài toán “được và mất”
- Cập nhật : 03/09/2015
(Tin kinh te)
Đầu tư thủy điện đã và đang là đề tài được đem ra mổ xẻ, với nhiều ý kiến trái chiều, chung quy vẫn là bài toán cân đối lợi ích và thiệt hại.
Ý kiến đa chiều
Đầu tư thủy điện ở Việt Nam nói chung và tại dải đất miền Trung nói riêng trong một thời kỳ nhất định được đánh giá là giải pháp tối ưu trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của những địa phương còn khó khăn. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cácdự án đã ít nhiều bộc lộ những điểm yếu nhất định liên quan đến cách vận hành, điều tiết dòng nước, khiến dư luận phát sinh nhiều ý kiến trái chiều.
Dưới góc độ kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, do đặc dù về địa hình của dải đất miền Trung, nên thủy điện là một trong những tiềm năng kinh tế lớn của khu vực. Do đó, phải khai thác lợi thế đó sao cho hiệu quả, một phần tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng phát triển và quan trọng hơn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu việc nhập khẩu điện và tiến đến xuất khẩu năng lượng sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia….
Theo các chuyên gia, những vấn đề phát sinh gần đây liên quan đến tác động dòng chảy của các con sông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là mang tính chủ quan, phụ thuộc vào cách nghĩ và cách làm của chủ đầu tư. Chỉ cần mỗi nhà đầu tư có cách quản lý, điều tiết dòng nước một cách khoa học và phối hợp nhịp nhàng với chính quyền các địa phương, người dân, thì thiệt hại luôn được kiểm soát ở mức thấp nhất.
Tỉnh Phú Yên là một trong những địa phương của vùng Duyên hải miền Trung có nhiều dự án thủy điện, trong đó có Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ, Nhà máy Thủy điện Sông Hinh. Mỗi nhà máy có tổng vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng và đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm cũng như chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và chủ đầu tư, nên thiệt hại trong mùa lũ khó kiểm soát. Nhà đầu tư đã rút kết kinh nghiệm và kiểm soát một cách khoa học dòng chảy của các con sông, đảm bảo mùa khô đủ nước tưới tiêu và dòng chảy ở mức độ cho phép trong mùa lũ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhìn nhận, trong thời gian đầu khi chưa có nhà máy thủy điện, Phú Yên luôn rơi vào tình trạng thiếu điện, mùa nắng nóng thường phải cắt điện dân sinh để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, với chính sách khuyến khích đầu tư các nhà máy thủy điện của nước ta, Phú Yên đã có hai nhà máy thủy điện sông Ba Hạ và sông Hinh, từng bước đảm bảo sinh hoạt của người dân và ổn định sản xuất, đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển.
Theo ông Võ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, đơn vị trức tiếp quản lý và vận hành hai nhà máy thủy điện Sông Hinh (Phú Yên) và Vĩnh Sơn (Bình Định), trong năm nay, dù nắng hạn kéo dài, nhưng với cách điều tiết khoa học, các nhà máy thủy điện của Công ty được vận hành rất hiệu quả, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho vùng hạ lưu của các địa phương.
Tại tỉnh Quảng Nam, có hơn 40 dự án thủy điện nhỏ và vừa được quy hoạch và ít nhất 10 nhà máy đã đi vào hoạt động, đóng góp hàng nghìn KW điện cho quốc gia mỗi năm. Đây chính là lợi ích kinh tế không thể bàn cãi mà các nhà máy thủy điện mang lại cho các địa phương.
Một chuyên gia về môi trường nhìn nhận, đối với đầu tư thủy điện, nếu quản lý khoa học thì hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, vấn đề môi trường được quản lý tốt hơn về lâu dài, việc quản lý vận hành các nhà máy không đòi hỏi lực lượng lao động quá lớn. Tuy nhiên, nếu bản thân các nhà đầu tư và cả chính quyền, người dân không nhận thức hết được tác động của các nhà máy thủy điện để đưa ra giải pháp quản lý phù hợp, thì tác dụng ngược là khá lớn.
Quan trọng vẫn là cách nghĩ của nhà đầu tư
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Tân (Quảng Ngãi), đơn vị đã và đang đầu tư nhiều dự án thủy điện và các dự án năng lượng mặt trời ở khu vực miền Trung khẳng định, xét cho cùng, đầu tư thủy điện nếu được quản lý tốt thì được vẫn nhiều hơn mất.
Theo ông Lập, việc quản lý vận hành nhà máy thủy điện hay triển khai thi công dự án là những công việc mang tính chủ quan, chỉ cần mỗi nhà đầu tư có cách nghĩ, cách làm phù hợp, thì đảm bảo các dự án thủy điện sẽ ít tác động đến môi trường hơn và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn.
“Chúng tôi đầu tư 2 dự án thủy điện Hà Nang và Đắc Re, trong đó Nhà máy Thủy điện Hà Nang đã được đưa vào vận hành và Dự án Thủy điện Đắc Re đang được triển khai, dự kiến năm 2017 sẽ hòa lưới điện quốc gia. Điều quan trọng nhất là, chúng tôi rút ra được kinh nghiệm khi đầu tư dự án trước để vận dụng vào dự án sau, nên tác động môi trường của Dự án Thủy điện Đắc Re luôn được kiểm soát”, ông Lập nói.
Trên thực tế, Dự án Thủy điện Đắc Re (60 MW) tác động đến cuộc sống người dân vùng dự án rất ít. Theo đó, chủ đầu tư lựa chọn cách tránh làm xáo trộn đến cuộc sống người dân thông qua việc quy hoạch phát triển dự án khoa học hơn. Chưa kể, đối với việc quản lý dòng chảy, Thiên Tân đã yêu cầu đơn vị thiết kế xây dựng đập nước theo phương án duy trì mực nước ở khung cho phép, nếu vượt qua khung thì dòng nước tự tràn qua đập và chạy về hạ lưu. Chính điều này đã giúp Công ty điều tiết rất tốt dòng chảy.
Tương tự, ông Nguyễn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Bung chia sẻ, nếu tính trên thượng nguồn sông Bung, Quảng Nam đã có trên 5 dự án thủy điện đã và đang triển khai. Đây đã và đang đặt ra thách thức rất lớn đối với các nhà đầu tư trong việc đảm bảo nguồn nước phát điện.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, khó khăn vậy nhưng với quy hoạch khoa học, các nhà máy thủy điện dọc sông Bung vẫn đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất. Vấn đề còn lại là làm thế nào để đảm bảo cuộc sống dân sinh vùng dự án và cả vùng hạ lưu. Theo ông Sơn, khi đầu tư dự án thủy điện, vấn đề an sinh phải luôn đặt lên hàng đầu và đây là một trong những vấn đề đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư.
“Nhận thức được vấn đề này, các dự án thủy điện trên sông Bung đã liên kết thành lập Câu lạc bộ sông Bung để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong vận hành nhà máy. Đồng thời, câu lạc bộ này có trách nhiệm tuyên truyền cho các người dân thuộc vùng dự án và cả vùng hạ lưu hiểu rõ quy trình vận hành các nhà máy để giảm thiểu rủi ro xảy ra. Đặc biệt, các nhà đầu tư phải biết chia sẻ vật chất và tinh thần đối với người dân”, ông Sơn nói.
Lãnh đạo một địa phương miền Trung từng chia sẻ, lợi ích và mặc trái của lợi ích luôn là hai mặt của một vấn đề và mỗi mắt xích trong vấn đề đó phải biết dung hòa hai mặt của vấn đề thì mới kỳ vọng mang đến hiệu quả thiết thực cho các dự án thủy điện. Đây cũng chính là vấn đề lớn của các nhà máy thủy điện tại miền Trung và cần có một lời giải tốt nhất để đảm bảo cân bằng lợi ích - thiệt hại.