tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Làm nhiệt điện công nghệ Trung Quốc: Việt Nam dễ chặn rác

  • Cập nhật : 01/09/2015

(Tin kinh te)

Không loại trừ có dự án nhiệt điện Trung Quốc sử dụng thiết bị cũ được tân trang lại, thực chất là chuyển rác và ô nhiễm môi trường sang Việt Nam.

Chiêu bài cũ

Lý giải nguyên nhân cơ quan chức năng Việt Nam đã thừa nhận về việc phần lớn dự án nhiệt điện tại Việt Nam đều do Trung Quốc thực hiện, trong đó có không ít "trái đắng" từ công nghệ lạc hậu của nước này, nhưng chúng ta vẫn không thể tránh được, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng điều này xuất phát từ hai lẽ.

Thứ nhất, do Việt Nam thiếu vốn, phía Trung Quốc ứng vốn trước để làm dự án nên Việt Nam dễ dàng chấp nhận, nhưng trong quá trình thực hiện, Trung Quốc có thực hiện đúng như cam kết hay không lại là chuyện khác. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là một ví dụ, nhà thầu Trung Quốc không ứng vốn đúng tiến độ cam kết, đã thế còn kéo dài tiến độ, đội vốn lên 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) và cuối cùng Việt Nam phải vay thêm Trung Quốc một khoản vay mới để thực hiện công trình.

Thứ hai, không loại trừ trường hợp có những "zích zắc" trong dự án bởi phía Trung Quốc đã bị mang tiếng nhiều về việc mua chuộc, hối lộ quan chức nước ngoài.

khoi thai bay ra tu nha may nhiet dien vinh tan 2. anh: tuoi tre

Khói thải bay ra từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ảnh: Tuổi trẻ

 

"Bao giờ phía Trung Quốc cũng trình phương án đầu tư rẻ và nghe thì rất hay nhưng rồi khi làm thì bắt đầu đổ bể, bị kéo dài, phát sinh nhiều vấn đề, phải điều chỉnh. Cứ thế thế họ ép Việt Nam, còn phía Việt Nam buộc phải chấp nhận. Đây là chiêu thường thấy của Trung Quốc, không chỉ ngành nhiệt điện mà rất nhiều ngành khác đã mắc phải.

Tâm lý chuộng giá rẻ, làm bằng mọi giá khiến Việt Nam nhận nhiều "trái đắng" từ dự án nhiệt điện sử dụng công nghệ lạc hậu Trung Quốc. Với tư duy nhiệm kỳ, không ít người chấp nhận cả những công nghệ thấp, lạc hậu, chịu để nhà thầu Trung Quốc áp đặt nhiều điều kiện vô lý, chưa kể lao động Trung Quốc tràn ngập công trường do phía Trung Quốc lấy cớ không tuyển được công nhân Việt Nam thích hợp.

Tôi cho rằng, lợi ích cá nhân chính là tác động nhiều nhất dẫn đến tình trạng này mà hậu quả của nó là rất lớn: ô nhiễm môi trường, nhà máy chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao, tốn kém bởi phải kéo dài suốt vòng đời mấy chục năm của nhà máy nhiệt điện và cuối cùng chỉ có người dân phải gánh chịu hậu quả".

Nói thêm về điều này, TS Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, những dự án nhiệt điện BOT có yếu tố Trung Quốc phần nhiều là vốn Trung Quốc đầu tư, khai thác rồi chuyển giao. Không loại trừ trường hợp có những dự án được Trung Quốc đầu tư công nghệ lạc hậu, thậm chí có thiết bị cũ được họ tân trang lại rồi đưa sang Việt Nam. Điều này có nghĩa Trung Quốc "quẳng" rác, chuyển ô nhiễm môi trường của họ sang Việt Nam và phía Việt Nam dùng đồ "second hand" của Trung Quốc với rất nhiều hậu quả khôn lường: công nghệ đã phải thải loại khi dự án chưa hoàn vốn, hiệu suất khai thác kém, tốn nhiều nhiên liệu, độ an toàn không cao, ô nhiễm môi trường....

"Bất kỳ nước nào khi đầu tư vào nước khác mà gây hại cho nước khác, thu lợi nhuận về mình đều rất nguy hiểm. Nếu người quản lý thấy rằng chỉ cần có đầu tư vào nước mình là hiểu chưa đúng bởi nó để lại hậu quả khôn lường.

Lẽ ra Việt Nam phải lường trước khi nhận chuyển giao thiết bị, công nghệ cũ thì tuổi thọ của nó ra sao, khi xảy ra hỏng hóc hay có vấn đề phải sửa chữa, mua thiết bị như thế nào... Thậm chí Việt Nam sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ, thiết bị Trung Quốc khi có những bộ phận máy móc đi cùng với nhau, nếu Trung Quốc không cung cấp phụ tùng tiếp theo sẽ không thể vận hành. Đó lại là những thiết kế lạc hậu và Việt Nam phải kế thừa nó, trong khi thực tế chúng ta hoàn toàn có thể tránh được bằng cách đưa ra những tiêu chí về thiết kế, công nghệ, yêu cầu đối với dự án BOT...", ông Cận chỉ rõ

(Theo báo Đất Việt)

Trở về

Bài cùng chuyên mục