tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Làm nhiệt điện công nghệ TQ: Đừng giải khát bằng thuốc độc!

  • Cập nhật : 01/09/2015

(Tin kinh te)

Công nghệ Trung Quốc không phải đều kém nhưng liệu họ có đưa sang Việt Nam công nghệ tốt? Việt Nam phải nghiêm túc trong tiêu chuẩn, nhất là phải minh bạch.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ  tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trao đổi về các dự án nhiệt điện có yếu tố Trung Quốc tại Việt Nam.

Ngành điện hãy bỏ tư tưởng ỷ lại...

Câu chuyện ô nhiễm tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư nhưng do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu chưa lắng xuống thì tháng 7/2015, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng tại tỉnh này chính thức được khởi công.

Dự án được đầu tư theo hình thức BOT, với liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc góp tới 95% vốn; số vốn vay khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ sẽ do năm ngân hàng của Trung Quốc thu xếp. Tổng thầu thiết kế - mua sắm - xây dựng là doanh nghiệp của Trung Quốc. Các thiết bị chính cũng được doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp.

viet nam dang phai doi mat voi mot van de moi truong tu viec phat trien cac nha may nhiet dien

Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) được công bố hồi tháng 4/2014, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì tới 15 công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay). Bộ trưởng Bộ Công thương khi trả lời chất vấn tại Quốc hội vào tháng 11 năm ngoái cũng đã thừa nhận thực tế này.

Nhìn nhận về việc nguồn năng lượng quốc gia lệ thuộc vào nhiệt điện, đặc biệt là lệ thuộc vào nhiệt điện có nguồn gốc công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, TS Phạm Sỹ Liêm ví von, ngành điện đang "uống thuốc độc để giải khát".

Theo đó, Việt Nam đang rất cần tiền để phát triển ngành điện nhưng vì thiếu vốn, lại lười suy nghĩ nên dùng biện pháp BOT. Các nhà máy điện chủ yếu kết cấu bằng kim loại, Trung Quốc lại đang dư thừa cái này nên bán nhà máy điện cho Việt Nam dưới danh nghĩa BOT với công nghệ của họ.

Cũng theo ông Liêm, theo Quy hoạch điện VII, nhiệt điện than vẫn chiếm tới 51,6% trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030 trong khi dự báo than của Việt Nam sắp cạn kiệt.

"Vòng đời của một nhà máy nhiệt điện than tới mấy chục năm, tức là càng làm nhiệt điện Việt Nam càng phải nhập than lâu dài. Khảo sát đã được công bố cho thấy bể than Đồng bằng sông Hồng có nhiều than nâu nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa nghĩ ra cách khai thác được nguồn than này dù có đề xuất khí hoá than ngay dưới lòng đất rồi đưa lên. Lẽ ra ngành điện Việt Nam nên nhắm vào nguồn lực của đất nước, phát triển công nghệ của mình, sử dụng nguyên liệu của mình, chứ tư tưởng ỷ lại thế này thì không ổn", ông nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng kể lại câu chuyện vào khoảng những năm 1950, khi ông còn ở Việt Bắc. Lúc đó chiến dịch Biên giới vừa thành công, Việt Nam bắt đầu nhận viện trợ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu nhận viện trợ, Bác Hồ cũng đồng thời kêu gọi chiến sĩ, đồng bào phải tự lực cánh sinh, không thể ỷ lại vào viện trợ.

"Nhưng ngày nay tôi không thấy ai hô hào tự lực cánh sinh trong vấn đề phát triển đất nước, mà chỉ thấy địa phương này cứ lo khoe với địa phương khác được nhiều FDI hơn, năm sau cao hơn năm trước, chậm một chút là cuống lên. Trong khi đó, khu vực tư nhân trong nước phát triển ra sao, đóng góp thế nào... lại chẳng mấy khi được đề cập.

Tại sao chúng ta có tinh thần tự lực cánh sinh trong chiến đấu mà ngày nay lại không tự lực cánh sinh trong xây dựng? Ngày trước Việt Nam tự lực trong chiến đấu nhưng cũng không bài ngoại. Chúng ta nhận viện trợ, kể cả viện trợ tinh thần của thế giới nhưng không ỷ lại. Tại sao bây giờ lại sinh ra tình trạng này?", ông Phạm Sỹ Liêm đặt câu hỏi.

Ông cũng kể thêm một câu chuyện buồn khác, đó là sau lời chê "cái ốc vít Việt Nam cũng không làm được", một người bạn của ông mời một số doanh nghiệp cơ khí họp bàn về vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ. Khi họp thì mấy chục doanh nghiệp nhưng cuối cùng chỉ có một doanh nghiệp tham gia. "Không phải tại doanh nghiệp trong nước không làm được mà chính là do chính sách của chúng ta chưa đúng. Chuyện nhà máy điện Trung Quốc cũng như vậy, doanh nghiệp trong nước chưa được đối xử bình đẳng".

(Theo báo Đất Việt)

Trở về

Bài cùng chuyên mục