Sau khi giảm mạnh trong tháng 8, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ổn định trở lại trong tháng 9 và nhờ đó tiếp tục lọt vào top các thị trường tăng mạnh trong năm nay.
Thị trường quý III: Tất cả đều chạm đáy!
- Cập nhật : 01/10/2015
(Chung khoan)
Thị trường chứng khoán, các đồng tiền châu Á và hàng hóa đều có diễn biến tồi tệ trong quý III vừa qua.
Hôm nay là phiên giao dịch cuối cùng của quý III và thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên, đó là xu hướng ngược lại so với những gì đã diễn ra trong quý III.
Chứng khoán châu Á đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đang hướng đến quý tồi tệ nhất trong 4 năm với mức giảm 15%. Trung Quốc là điểm đen trên TTCK toàn cầu với chỉ số Shanghai Composite mất 28%, mức giảm mạnh nhất trong 7 năm.
Chứng khoán châu Âu cũng chung số phận với chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 10% - mạnh nhất kể từ tháng 9/2011. Glencore và Volkswagen là hai cái tên đáng chú ý nhất với mức giảm lần lượt 67% và 53%.
Hai yếu tố này ảnh hưởng đến tất cả các loại tài sản. Trong quý III, chỉ có 5 trên tổng số 93 thị trường được Bloomberg theo dõi tăng điểm, gồm Latvia, Malta, Slovakia, Estonia và Sri Lanka.
Các đồng tiền châu Á có quý tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index theo dõi diễn biến của 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở khu vực này giảm 4%. Động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc là động cơ lớn nhất, sau đó là triển vọng Fed nâng lãi suất.
Đồng ringgit của Malaysia giảm 15% với nguyên nhân là giá dầu sụt giảm và vụ bê bối chính trị liên quan đến Thủ tướng Najib Razak. Đồng rupiah của Indonesia giảm 9%, cao hơn một chút so với mức giảm 7% của đồng baht Thái. Trong số 12 đồng tiền châu Á mà Bloomberg theo dõi, chỉ có đồng yên Nhật tăng giá so với USD với mức tăng 2%. Đây cũng là quý tăng giá mạnh nhất trong 3 năm của đồng tiền này.
Đó là cơn bán tháo diễn ra trên diện rộng bao phủ tất cả các loại hàng hóa, từ đồng cho tới đậu tương. Giá vàng giảm quý thứ 5 liên tiếp, đánh dấu thời kỳ tồi tệ nhất kể từ năm 1997, với nguyên nhân là những dự báo Fed sẽ nâng lãi suất.
Dầu thô là hàng hóa có diễn biến tồi tệ nhất với mức giảm lên tới 25%. Mặt hàng này có mức giá trung bình trong quý III thấp nhất kể từ đầu năm 2009, khi thị trường rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung.