Mặc dù số lượng nữ giới giữ vị trí Tổng giám đốc không nhiều nhưng hầu hết họ đều nắm giữ vị trí điều hành tại các công ty lớn.
TTCK hấp dẫn, sao vốn ngoại chần chừ?
- Cập nhật : 20/10/2015
(Chung khoan)
TTCK Việt Nam được đánh giá hấp dẫn, nhưng dòng vốn ngoại vào thị trường vẫn rất khiêm tốn. Theo ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, là do quy mô TTCK Việt Nam còn nhỏ, trong khi đó, những cổ phiếu tốt, room ngoại lại đầy.
Ông có nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay?
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 có thể đạt 6,5 - 6,8%. Thị trường bất động sản đã có tín hiệu ấm dần, tín dụng ngân hàng tăng trưởng tốt, hiện đạt hơn 10%. Đáng chú ý, GDP/người tăng trưởng trung bình từ 12 - 13%, con số này thể hiện thu nhập người dân cao hơn, do đó, sẽ gia tăng chi tiêu cho tiêu dùng, bất động sản.
Một yếu tố khác là dòng vốn FDI, do tác động tích cực từ các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là TPP, nên có sự tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, lượng vốn đầu tư cam kết đã tăng hơn 30%. Riêng trong khối TPP, có 39% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam đi vào các nước thành viên, có 22% các nước tham gia TPP nhập hàng từ Việt Nam. Khi TPP chính thức được ký kết, sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam hơn nữa.
Về vấn đề tỷ giá, tiền đồng giảm so với USD nhưng mức giảm ít hơn so với các nước Đông Nam Á. Vừa qua, Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ 3%, Việt Nam cũng phải điều chỉnh. Từ đầu năm đến nay, VND mất giá gần 5%, điều này có nghĩa, đầu năm, nếu NĐT nước ngoài gửi tiết kiệm tại ngân hàng Việt Nam lãi suất 6%/năm thì nay đã mất 5%. Do vậy, các NĐT nước ngoài giảm sự quan tâm tới các kênh an toàn như gửi tiết kiệm, thay vào đó họ đầu tư các sản phẩm mạo hiểm như TTCK, đầu tư DNNN cổ phần hóa…, nhưng có lợi ích cao hơn.
Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi dự đoán lạm phát ở mức 7 - 7,5%, nếu tiền đồng không đủ ổn định có thể sẽ khiến NĐT rút vốn khỏi TTCK.
Theo ông, Fed liệu có tăng lãi suất không và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam?
Fed đã nhiều lần trì hoãn tăng lãi suất do lạm phát tại Mỹ thấp. Nguyên nhân chính vẫn là giá thành các hàng hóa tiêu dùng giảm. Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng Trung Quốc đang giảm nhiều, khả năng GDP Trung Quốc tăng trưởng ít hơn 7% trong năm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục sản xuất để đảm bảo việc làm cho người lao động, do vậy, Trung Quốc gia tăng xuất khẩu và Mỹ là một trong những thị trường lớn của Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ muốn tăng lãi suất phải dựa vào việc làm xã hội, mà hiện chỉ tiêu này chưa tăng đến mức để Fed có thể quyết định tăng lãi suất. Nhiều nhà phân tích cho rằng, từ nay đến cuối năm, khả năng Fed tăng lãi suất là không cao.
Mặc dù vậy, nếu từ nay đến cuối năm, Fed tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng giá. Lúc đó cần quan sát động thái của Trung Quốc, nếu nước này phá giá tiếp đồng nội tệ, có khả năng Việt Nam cũng phải đi theo.
Thứ hai, lãi suất đồng USD và VND sẽ từ từ đi lên. Vừa qua, Nhà nước đang gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu nên khả năng phải tăng lãi suất trái phiếu để huy động đủ nguồn vốn cho ngân sách 2015 là có thể. Điều này cũng phần nào tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất.
Như vậy, NĐT nước ngoài khả năng sẽ dè chừng khi đầu tư vào TTCK Việt Nam?
Xét về trái phiếu, khi lãi suất của Mỹ tăng, NĐT ít nhất ở Mỹ và châu Âu phải tìm cách rút tiền ra khỏi thị trường khác về Mỹ. Nếu họ đầu tư trái phiếu Mỹ thì có thể họ cũng đầu tư trái phiếu các nước khác như Việt Nam, Indonesia… Do vậy, nếu bán, họ sẽ bán trái phiếu để mua USD.
Thứ hai, NĐT nước ngoài mua USD nhiều thì tiền đồng mất giá, nhưng chú ý dòng tiền “hot money” (tiền dịch chuyển ra vào thường xuyên) ở Việt Nam không nhiều, Việt Nam chỉ nhiều dòng vốn từ FDI (dòng tiền lâu dài). Vì vậy, Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều lên TTCK.
TTCK Việt Nam được đánh giá hấp dẫn, nhưng dòng vốn ngoại vào thị trường rất khiêm tốn, theo ông, đâu là nguyên nhân?
Đơn giản, nếu họ có 100 triệu USD thì giải ngân vào tài sản gì ở TTCK Việt Nam? “Hàng” tốt thì đã hết room. Hiện các NĐT nước ngoài đang rất hào hứng với thông tin mở room, nhưng họ vẫn đang chờ để xem danh sách ngành nào sẽ được nới 100%.
Mới đây, SCIC đã công bố danh mục sẽ thoái vốn, trong đó có nhiều cổ phiếu khối ngoại rất quan tâm. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ tiếp tục phải chờ bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Kết quả hoạt động của những quỹ do VinaCapital quản lý đến nay ra sao, thưa ông?
Đối với quỹ VOF, phần lợi nhuận lớn nằm trong lĩnh vực tài sản là cổ phần tư nhân (dạng đầu tư thương lượng). Đầu tư tư nhân đã thu về 23 triệu USD lợi nhuận gộp với tỷ suất lợi nhuận đạt 2,1 lần đối với các khoản thoái vốn toàn bộ và 2 lần đối với các khoản thoái vốn một phần.
Cụ thể, Quỹ đã thoái vốn toàn bộ 18 thương vụ, thu về 320 triệu USD với tỷ suất sinh lợi nội bộ đạt 26%. Thoái vốn một phần 8 thương vụ, vốn đầu tư ban đầu bỏ ra khoảng 270 triệu USD, thu về 324 triệu USD. Dự kiến trong tương lai, Quỹ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế (có thể mua lại một số bệnh viện), vật liệu xây dựng…
Quỹ cũng sẽ tăng các khoản đầu tư cổ phần tư nhân và OTC. Cổ phần hóa DNNN là cơ hội để Quỹ tái cơ cấu danh mục đầu tư OTC. Một số khoản đầu tư thành công của Quỹ như AGPPS, VNM, Vinatex, Hóa chất cơ bản miền Nam...
Đối với quỹ hạ tầng VNI, năm 2015 là hết thời hạn hoạt động, Ban điều hành Quỹ thống nhất chia thành 2 quỹ gồm VFF tập trung 100% vào chứng khoán và quỹ hạ tầng. Còn Quỹ đầu tư bất động sản, hiện quỹ này đang quản lý 24 - 25 dự án bất động sản trên cả nước.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)