Tiếp nối thành công của các năm trước, Khóa học Chứng khoán cơ bản START-UP năm thứ 11 hứa hẹn sẽ là bước đệm hoàn hảo, cung cấp cho những bạn trẻ quan tâm đến Chứng khoán kiến thức cơ bản nhất về lĩnh vực này.
'Đau đầu' cứu giá cổ phiếu
- Cập nhật : 03/08/2018
So với giai đoạn thị trường chứng khoán tạo đỉnh vào tháng 4/2018, hiện tại, nhiều cổ phiếu đã giảm giá tới gần 50%, khiến lãnh đạo doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”. Lo lắng là vậy, nhưng mỗi vị lãnh đạo lại có cách ứng xử khác nhau.
Xuống tiền mua cổ phiếu
Đăng ký mua cổ phiếu là cách truyền thống được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh giá cổ phiếu bốc hơi từng phiên, với mong muốn chống đỡ được phần nào đà sụt giảm.
Mới đây, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu (đến ngày 7/8), sau khi mua thành công 2,7 triệu cổ phiếu trong tổng số 4 triệu cổ phiếu đăng ký từ đầu tháng 7.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch DIG Nguyễn Hùng Cường cũng đã mua xong 2 triệu cổ phiếu DIG trong thời gian từ ngày 10 - 17/7 để tăng lượng nắm giữ lên 4 triệu cổ phiếu và tiếp tục đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 23/7 đến 21/8.
Không chỉ lãnh đạo Công ty đăng ký mua, DIG còn nhận được sự hỗ trợ của các đối tác lớn, trong đó có công ty chứng khoán. Cụ thể, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa thông báo hoàn tất mua 11 triệu cổ phiếu DIG. Sau giao dịch, Chứng khoán Bản Việt đã trở thành cổ đông lớn nắm giữ 9,3% vốn DIG, tương đương 22,25 triệu cổ phần.
Tại CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (SDU), lãnh đạo doanh nghiệp cũng lựa chọn việc mua vào để hỗ trợ phần nào giá cổ phiếu, khi mã SDU giảm xuống mức chỉ còn 9.000 đồng/cổ phiếu, so với mức hơn 35.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2017.
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT SDU, ông Hoàng Văn Anh đã liên tiếp đăng ký mua cổ phiếu trong giai đoạn giá giảm, mà gần đây nhất (từ ngày 26/7 - 24/8), đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu SDU, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 22,49%.
Giải pháp mua vào cổ phiếu quỹ cũng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian gần đây, đặc biệt là khối ngân hàng. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) vừa chi gần 2.500 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu ưu đãi làm cổ phiếu quỹ với tổng số lượng 73,21 triệu cổ phiếu, tương đương 3,02% lượng cổ phiếu lưu hành.
Công bố thông tin tích cực
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, họ cảm thấy “sốt ruột” khi cổ phiếu của công ty bị thị trường đánh giá thấp, thậm chí giảm gần một nửa chỉ trong vài tháng qua, dù doanh nghiệp không có thông tin bất lợi, kết quả kinh doanh bán niên năm 2018 cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Trong bối cảnh này, không ít doanh nghiệp phải nhanh chóng vào cuộc bằng việc công bố các thông tin tích cực để trấn an cổ đông.
Mới đây, trong một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, Ban lãnh đạo DIG cho biết, việc Công ty hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2018 là chắc chắn, đồng thời có thể đáp ứng được mức cổ tức như kỳ vọng và tạo tiền đề tốt cho kế hoạch năm 2019.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của DIG, Công ty ghi nhận giá trị sản lượng đạt 1,450 tỷ đồng, tương đương 62,7% kế hoạch năm. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 817 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, lần lượt đạt 53% và 43% kế hoạch năm.
Tương tự, lãnh đạo LDG cũng đã có buổi gặp gỡ cổ đông và nhà đầu tư để cung cấp thông tin doanh nghiệp, chia sẻ về hoạt động, định hướng trong 6 tháng cuối năm với những con số rất khả quan, trong bối cảnh giá cổ phiếu LDG sụt giảm vì nhiều lý do, nhất là từ nguyên nhân Công ty công bố kết quả bán niên không như kỳ vọng.
Nếu không thể tổ chức gặp gỡ trực tiếp, thì một số lãnh đạo doanh nghiệp lại lựa chọn gửi “tâm thư” đến các nhà đầu tư nhằm khẳng định tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn bình thường. Các cổ đông nên bình tĩnh, tránh bán tháo theo xu hướng chung của thị trường.
Thậm chí, nhiều vị CEO còn gửi gắm thông tin tích cực của doanh nghiệp thông qua báo cáo phân tích cổ phiếu của các công ty chứng khoán, phần nào giúp cổ đông tiếp nhận những thông tin khách quan hơn.
Các động thái “cứu giá” của lãnh đạo doanh nghiệp có thể không hiệu quả, bởi diễn biến giá cổ phiếu được quyết định bởi nhiều yếu tố cả nội tại và bên ngoài doanh nghiệp, tuy nhiên, các thành viên thị trường vẫn ghi nhận sự nỗ lực này. Bởi nó thể hiện sự quan tâm tới tâm lý cổ đông, nhà đầu tư của những người đứng đầu công ty, cũng như chú trọng tới việc công bố thông tin, minh bạch hoạt động.
Hoàng ANh
Theo Đầu tư Chứng khoán