(Chung khoan)
>Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, cho biết các quỹ nước ngoài đi huy động vốn ngày càng khó khăn, trong khi hàng hóa trên thị trường chứng khoán VN lại không phong phú.
Ý kiến trên được ông Scriven đưa ra khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên.
Nhiều khó khăn
Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng rút vốn trong năm 2014, nhưng nhiều người nói chứng khoán VN vẫn thu hút nhà đầu tư ngoại. Ông thấy sao?
Không đơn giản để nói thu hút hay không, vì thế giới bây giờ đã khác hẳn. Một điều tôi quan tâm nữa là thông điệp đối với nhà đầu tư chứng khoán không rõ ràng. Ví dụ, ngoài thị trường không rõ ý đồ cổ phần hóa các DN nhà nước như thế nào. Cơ quan quản lý nên nói rõ cho nhà đầu tư biết lộ trình thoái vốn cụ thể. Hoặc một khó khăn rất lớn là trần sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài 49% vẫn không được nâng lên. Và còn nhiều lý do khác, nhưng nếu cứ vướng mắc mãi thì đừng hy vọng nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào nhiều.
Năm ngoái, các nhà quản lý quỹ hiện hầu như không huy động được vốn. Năm nay tình hình huy động vốn sẽ như thế nào?
Quả thật huy động khó khăn lắm. Ngành tài chính toàn cầu khó khăn. Họ đã siết chặt quản lý các ngân hàng, và nay thì thắt chặt, nâng quy định đối với các công ty quản lý quỹ, các tổ chức phi ngân hàng. Năm qua chúng tôi cũng huy động được, ít thôi, nhưng quả thực là rất khó. Trong năm nay các quỹ trả lại nhà đầu tư (do hết thời hạn hoạt động) nhiều hơn là họ huy động. Sẽ có quỹ mới nhưng không nhiều lắm. Như tôi đã nói, thị trường VN chưa có thông điệp rõ ràng và cách “trình bày” hàng hóa không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Mà nói chung, tiền thì thông minh, nếu cơ hội hấp dẫn thì tiền sẽ tự chảy về.
Cần nâng cao khả năng thu hút cho thị trường chứng khoán VN - Ảnh: D.C
Vốn ngân hàng đắt đỏ
Các DN vẫn than thở là vốn ngân hàng đắt đỏ, trong khi thị trường chứng khoán chưa là nơi chuyển tải vốn cho nền kinh tế, ông thấy vấn đề ở đâu?
Các nhà chức trách muốn thị trường phát triển thì họ phải có những bước nâng cấp hơn nữa để nhà đầu tư thấy thú vị với cổ phiếu, với khung pháp luật đủ rộng cho sân chơi
Lâu nay 80% hoạt động trên thị trường chứng khoán là nhà đầu tư cá nhân. Đây là một nguồn vốn rất khó dự báo và không dễ can thiệp. Sự chậm trễ trong việc lập những định chế đầu tư, các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường, cho ra những sản phẩm mới như quỹ hưu trí là một thiệt thòi cho thị trường. Nếu có, chúng ta có thể dự báo được nguồn tiền đầu tư như thế nào.
Muốn “đánh thức” tiền trong dân, thu hút nhà đầu tư trong nước cũng không khác gì nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu nhà đầu tư trong nước không mặn mà với thị trường chứng khoán thì phải đặt câu hỏi là tại họ hay tại thị trường? Các nhà chức trách muốn thị trường phát triển thì họ phải có những bước nâng cấp hơn nữa để nhà đầu tư thấy thú vị với cổ phiếu, với khung pháp luật đủ rộng cho sân chơi.
Việc ban hành Thông tư 36 siết lại nguồn vốn ngân hàng cho vay đầu tư cổ phiếu, theo ông, có gây áp lực cho thị trường không?
Thông tư 36 có thể gây áp lực, nhưng tôi hiểu đây là điều cần cho thị trường. Quyết định này là điển hình của các bước nâng cao các chuẩn mực quản lý các ngân hàng, không chỉ ở VN mà trên toàn cầu.
Những người sống trong ngành tài chính cũng thay đổi. Trước đây người ta đi... nhậu để phát triển kinh doanh, giờ không còn được nữa. Vừa rồi tôi qua London gặp các nhà đầu tư trao đổi về VN. Người tổ chức hỏi tôi có uống rượu không? Tôi nói không. Cô ấy nói tốt, vì theo quy định, họ không được để rượu ở trên bàn. Hoặc muốn mời một người đi ăn cơm họ sẽ hỏi chi phí ăn cơm là bao nhiêu, nếu dưới 20 USD thì được, còn nếu 50 USD thì phải điền vào một lá đơn cho quản lý, để người ta biết mời ăn vậy có khiến mình khó xử việc gì không. Thay đổi lớn đến từ những việc rất nhỏ vậy đấy.
(Theo Báo Thanh Nien)