Dòng tiền trên thị trường đã hạn chế đầu tư vào cổ phiếu mang tính đầu cơ và tăng nóng trong nửa đầu năm mà tập trung hơn vào các DN làm ăn ổn định, có vị thế vững chắc trong nền kinh tế.
Sôi động mùa tăng vốn
- Cập nhật : 19/08/2015
(Tin kinh te)
Với tốc độ tăng vốn nhanh của nhiều DN như hiện nay, cổ đông lo ngại dòng vốn bị pha loãng và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu là điều khó tránh khỏi.
Nhưng dù được khởi động từ đầu mùa ĐHCĐ, đến nay, số lượng DN lên kế hoạch tăng vốn vẫn không ngừng tăng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) vừa nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương với tỷ lệ phát hành 30%. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của SAM sẽ tăng lên 1.802 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Xây dựng VNECO 9 (VE9) cũng chuẩn bị chào bán ra công chúng gần 16 triệu cổ phần, dự kiến trong khoảng thời gian từ 27/8 - 25/9 sẽ thực hiện thủ tục đăng ký và nộp tiền. Theo VE9, mức giá phát hành sẽ không dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau đợt phát hành, tổng số vốn huy động được ước đạt 156,9 tỷ đồng, Công ty sẽ phân bổ 130 tỷ đồng để đầu tư dự án Khách sạn Green World và 26,9 tỷ đồng để bổ sung thêm vào nguồn vốn lưu động. Nếu phương án phát hành được thực hiện thành công, VE9 sẽ tăng vốn gấp 3 lần, từ 78,5 tỷ đồng lên 235,5 tỷ đồng.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây của CTCP Hoàng Huy (HHS), HHS cũng đã đề cập đến vấn đề huy động vốn và phát hành tăng vốn. Theo HHS, dự kiến trong tháng 8/2015, sau khi hoàn tất thủ tục phát hành chi trả cổ tức 10% bằng tiền, 10% bằng cổ phiếu và phát hành cho cổ đông hiện hữu, Công ty sẽ có thông báo cụ thể với cổ đông về kế hoạch tăng vốn.
Bên cạnh đó, HHS cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho các đại lý, dự kiến triển khai trong năm 2016 với mức giá phát hành tối thiểu 12.500 đồng/cổ phiếu (căn cứ theo giá trị sổ sách). Tuy nhiên, giá thực hiện sẽ phải căn cứ vào diễn biến và thị giá thời điểm phát hành, chiết khấu 20 - 25% so với giá thị trường.
Giải thích việc chiết khấu cho các đại lý về giá phát hành, HHS cho rằng, đại lý là người trực tiếp kinh doanh, bán hàng, đem lại doanh thu và lợi nhuận cho Công ty, nên việc phát hành riêng lẻ cho các đại lý là cần thiết và cũng tăng tính gắn kết với Công ty hơn nữa.
Không chỉ phát hành cho cổ đông hiện hữu, việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên công ty theo chương trình ESOP cũng được nhiều DN áp dụng. Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) cho biết, sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Theo phương án này, GAS dự kiến phát hành 18,95 triệu cổ phần, tương đương gần 1% số cổ phần GAS đang lưu hành với giá phát hành 20.000 đồng/cổ phần, thấp hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu GAS đang giao dịch trên thị trường là 57.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 11/8).
Trước đó, nhà đầu tư đã chứng khiến một số DN thực hiện tăng vốn “khủng” như FIT, TSC hay KLF. Việc tăng vốn quá nhiều và nhanh của các công ty đang khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường, do bị “hút” vào các đợt phát hành này.
Đánh giá sự tác động của việc tăng vốn đến giá cổ phiếu của DN, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới CTCK Bản Việt cho rằng, việc tăng vốn khủng ở một số mã cổ phiếu sẽ có tác động nhất thời đến mã cổ phiếu đó về thanh khoản cũng như giá tăng, nhưng về dài hạn, việc sử dụng đồng vốn thu được từ đợt phát hành có hiệu quả không và có mang lại lợi ích chung cho cổ đông hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Vì thế, nhà đầu tư nên cẩn trọng xem xét kỹ các phương án sử dụng vốn phát hành của DN.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK SBS, DN thường “tranh thủ” lúc thị trường khởi sắc để thực hiện tăng vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc tăng vốn lớn sẽ gây áp lực tạo lợi nhuận lên DN ngay sau đó. Nếu DN không có chiến lược phát triển tốt sẽ làm nhà đầu tư mất niềm tin và bản thân DN cũng có thể gặp khó khăn trong dài hạn.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân giúp kế hoạch tăng vốn khủng của nhiều DN thời gian qua thành công là do sự “phóng khoáng” của các cổ đông. Xu hướng này có lẽ sẽ vẫn tiếp tục chừng nào sự dễ dãi của cổ đông vẫn còn!