Ngân hàng Phát triển châu Á và Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 vào ngày 3.5 ký kết Bản ghi nhớ củng cố quan hệ hợp tác trong nỗ lực ủng hộ ASEAN và Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc.
World Bank: Đặt vấn đề mở rộng vốn
- Cập nhật : 07/10/2015
(Tin kinh te)
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức đặt vấn đề mở rộng vốn cho tổ chức này, với luận điểm chính là do sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế mới nổi cũng như những mục tiêu phát triển đầy tham vọng của Liên hiệp quốc (LHQ) được thông qua tháng trước, đồng nghĩa với việc WB cần có một nguồn lực lớn hơn.
Những vấn đề liên quan tới việc mở rộng nguồn vốn trị giá 253 tỷ USD của Ngân hàng Quốc tế cho Tái thiết và Phát triển (IBRD), rất có thể sẽ được đưa ra cùng với các chương trình nghị sự khác ngay tại cuộc họp của Chủ tịch Jim Yong Kim với các cổ đông của WB trong buổi họp thường niên sẽ diễn ra trong tuần này tại Peru.
Tuy nhiên, một trong số 188 thành viên lại bày tỏ sự phản đối ý tưởng này, và cho rằng WB cần phải sử dụng hiệu quả hơn nữa với nguồn lực hiện có của mình để đáp ứng nhu cầu vay ngày càng cao của thế giới.
Sự thúc đẩy này của ông Kim nằm trong bối cảnh WB đang vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ngân hàng phát triển Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu. Tuy nhiên, phát biểu với tờ Financial Times, ông Kim cùng với Giám đốc tài chính WB Bertrand Badre cho rằng, mục tiêu chính của họ là tìm cách nâng cao hơn nữa vai trò của WB trong việc tài trợ cho các dự án mới nằm trong chương trình nghị sự phát triển mới trị giá hàng nghìn tỷ USD của LHQ.
Động thái này của ông Kim đã tạo nên những mối liên kết đáng chú ý. Mặc dù được cho là “thân Mỹ”, ông Kim lại nhận được sự ủng hộ từ phía Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của siêu cường số 1 thế giới này.
Thậm chí, theo một số nguồn tin nội bộ, trong một cuộc họp diễn ra đầu năm nay, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, ông Lou Jiwei đã đưa ra đề nghị hỗ trợ ông Kim trong việc tăng cường sức ép lên Mỹ. Trên thực tế, cả Washington và Bắc Kinh đều bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với đề xuất của ông Kim.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington tháng trước, cả 2 bên đã cam kết sẽ “tăng cường hơn nữa” vai trò của WB và các ngân hàng khu vực liên kết với WB thông qua việc “nâng cao năng lực tài chính” cho tổ chức này. Trung Quốc cũng đã hứa sẽ “gia tăng đáng kể” đóng góp của mình đối với WB
Tuy nhiên, bà Nancy Birdsall - Chủ tịch Trung tâm Phát triển Toàn cầu đặt tại Washington cho rằng, đề xuất tăng vốn này của ông Kim rất có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ Quốc hội Mỹ.
Những cuộc thương thuyết về vấn đề này cũng diễn ra trước thềm một sự kiện quan trọng hơn, đó là việc phê duyệt lại cấu trúc sở hữu của WB vào năm 2017. Trong đó, Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác sẽ chú trọng vào việc tăng cường hơn nữa sự hiện diện và vai trò của mình trong WB.
Lãnh đạo của WB cũng đang thảo luận những kế hoạch để tăng cường sử dụng nguồn vốn trị giá 50 tỷ USD của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), tổ chức cho vay chính đối với các quốc gia nghèo của WB, bằng cách nới lỏng những quy định nghiêm ngặt về đòn bẩy tài chính. Dưới sự lãnh đạo của ông Kim, WB đã bắt đầu “cởi trói” những quy định về đòn bẩy tài chính đối với IBRD, cụ thể là việc giảm tỷ lệ vốn đối ứng các khoản vay từ 28,6% trong năm 2011 xuống 25,1% trong năm 2015.
Theo báo cáo thường niên của WB mới được công bố, 2 tổ chức cho vay chính của WB là IDA và IBRD có gần 288 tỷ USD dư nợ, với hơn 60 tỷ USD dư nợ mới được cam kết chỉ trong năm qua. Các quốc gia phát triển cũng đã đóng góp thêm hơn 26 tỷ USD để đảm bảo nguồn vốn cho vay của WB đến hết năm 2017.
Phong Nguyễn
Theo Thời báo Ngân hàng