Trong những ngày gần đây, thị trường toàn cầu bất ổn và biến động, với các nhà đầu tư tại trung tâm tài chính lớn ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã chứng kiến chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh, sau đó phục hồi một phần nhưng vẫn giảm đáng kể so với tuần trước.
Dòng tiền khôn ngoan
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Dòng tiền trên thị trường đã hạn chế đầu tư vào cổ phiếu mang tính đầu cơ và tăng nóng trong nửa đầu năm mà tập trung hơn vào các DN làm ăn ổn định, có vị thế vững chắc trong nền kinh tế.
Niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) đối với thị trường chứng khoán dường như đang trở lại. Sau khi rớt xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm với 526 điểm, những ngày cuối tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đã có sự phục hồi mỹ mãn và đang tiến dần về cột mốc 570 điểm.
Thực tế thì sau đợt giảm sâu bất ngờ vừa qua, chỉ số PE tương lai (PE Forward) trung bình trên HoSE chỉ còn xoay quanh cột mốc 13 - 14, mức hấp dẫn khá nhiều nếu so với các thị trường khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, hành động của các nhà điều hành chính sách đối với thị trường ngoại hối trong thời gian qua cũng là điểm nhấn quan trọng. Sau đợt biến động tỷ giá mạnh mẽ thời gian qua, nhà điều hành đã phản ánh khá kịp thời và góp phần hạn chế những con sóng biến động lớn trên thị trường này. Một khi không còn thấy cơ hội sinh lời, dòng tiền lẽ dĩ nhiên phải tìm những kênh khác để chạy và chứng khoán đã hưởng lợi đáng kể.
Trên bình diện rộng hơn, nỗi lo về một sự “chảy máu khủng” của dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, có lẽ đã tạm dịu bớt khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc giữ nguyên mức lãi suất hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu khi FED cảm thấy lo lắng trước nguy cơ phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như viễn cảnh tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế số 2 thế giới này. Thậm chí, theo dự đoán của NH Barclays, FED có thể chỉ nâng lãi suất vào tháng 3 năm sau thay vì tháng 9/2015 như các dự đoán trước đó.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, một số tổ chức tài chính vẫn đánh giá cao Việt Nam. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán KIS (Hàn Quốc), mức tăng trưởng trong nửa cuối năm có thể đạt trên dưới 6,5%. Bức tranh lợi nhuận của các DN đang khá sáng nhờ giá nguyên vật liệu giảm cũng như lãi suất cho vay giảm so với các năm trước. Nền tảng vĩ mô ổn định như thế sẽ giúp Việt Nam hạn chế được phần nào tâm lý tháo chạy của dòng vốn ngoại, bất chấp FED có nâng lãi suất.
Nếu quan sát chi tiết hơn, có thể thấy dòng tiền trên thị trường đã hạn chế đầu tư vào cổ phiếu mang tính đầu cơ và tăng nóng trong nửa đầu năm mà tập trung hơn vào các DN làm ăn ổn định, có vị thế vững chắc trong nền kinh tế. Đó có thể là các DN thi công công trình xây dựng, nhờ ăn theo thị trường bất động sản đang phục hồi, các DN dẫn đầu ngành tôn thép như Hoa Sen, Hòa Phát cũng có cơ hội bứt phát lớn trong nửa cuối năm nay.
Năm nay không phải là năm tốt của ngành thủy sản khi xuất khẩu gặp quá nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những DN làm ăn tốt và có thêm món quà tỷ giá vừa qua. Điển hình là Vĩnh Hoàn (VHC), doanh thu quý II riêng cá tra đã tăng tới 24,88% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng bán tăng và chi phí đầu vào giảm.
Bên cạnh đó, những DN dệt may có sự chủ động về nguồn nguyên vật liệu như TCM và TNG dự kiến cũng hưởng lợi lớn nhờ được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký với quốc tế.
Trong khi đó, với việc giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sâu xuống mức 40 USD/thùng và khó có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn, thì việc dòng tiền tiếp tục tránh xa các cổ phiếu “họ dầu khí” từng một thời đình đám như PVD, GAS, PVS cũng không phải là điều ngạc nhiên lớn. Số phận của các cổ phiếu thuộc lĩnh vực hàng hóa cơ bản như cao su, nông nghiệp dự kiến cũng sẽ tương tự như họ cổ phiếu dầu khí.
Song, các cổ phiếu trong danh mục được nới room cho NĐT nước ngoài đang là mối quan tâm của NĐT. Theo KIS, việc nới room có thể sẽ giúp HoSE thu hút thêm từ 35 đến 118 nghìn tỷ đồng từ NĐT ngoại. Trong khi vẫn chưa rõ thông tư hướng dẫn việc nới room này thì một số DN đã chủ động đi trước. Đáng kể nhất là UBCKNN đã chấp thuận nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu SSI lên 100% từ ngày 1/9/2015.
Tuy vậy, một sự cẩn trọng là điều cần thiết. Các NĐT không nên lạc quan quá sớm với tác động của các FTA như TPP, AEC vì chúng sẽ không ngay lập tức phản ánh lên thị trường cũng như tốc độ đàm phán có thể chậm hơn so với dự kiến.