Bất lợi trong việc tiếp cận vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mất đi các cơ hội kinh doanh tiềm năng...
Vietinbank tăng vốn lên 49.000 tỷ đồng bằng cách nào?
- Cập nhật : 12/08/2015
(Tai chinh)
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 49.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Con số 11.766 tỷ đồng có vẻ không nhỏ trong điều kiện nền kinh tế chưa được thực sự phục hồi như hiện nay.
Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng gấp 4,3 lần so với năm 2009 (11.252 tỷ đồng) và tăng hơn gấp đôi so với năm 2011 (20.230 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết nguồn để tăng vốn từ sáp nhập PGBank vào hệ thống và phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp.
“Việc sáp nhập PGBank vào hệ thống sẽ giúp VietinBank nâng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, VietinBank dự kiến sẽ sử dụng thêm nguồn thặng dư vốn cổ phần hiện có để tăng vốn. Đồng thời, cũng trong năm 2015 VietinBank sẽ hoàn thành kế hoạch phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp trên thị trường có thời hạn 5 - 10 năm”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, việc tăng vốn điều lệ này có ý nghĩa quan trọng, có tính chất quyết định đến việc tồn tại và phát triển của VietinBank trong tương lai. Tăng vốn điều lệ sẽ giúp Vietinbank nâng cao năng lực tài chính để mở rộng kế hoạch kinh doanh.
“Đây cũng là hậu thuẫn để ngân hàng thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh như: Mở rộng quy mô tài sản, tiêu chuẩn hoá các dịch vụ, quản trị ngân hàng, quản trị nguồn nhân lực, tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới, các hoạt động đầu tư liên doanh, góp vốn và phát triển các dịch vụ bán lẻ”, ông Thắng nhấn mạnh.
Quan trọng hơn, theo ông Thắng, khi tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng, VietinBank có quy mô vốn tương đương với các ngân hàng trung bình ở khu vực.
“Như vậy, VietinBank có khả năng cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với các ngân hàng trong khu vực thời gian tới. Bên cạnh đó, VietinBank phấn đấu trở thành NHTM Nhà nước duy nhất, đầu tiên tại Việt Nam đạt trình độ khu vực về quy mô vốn, quản trị điều hành, công nghệ, khả năng cạnh tranh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Chính phủ cũng như NHNN”, ông Thắng bình luận.
Hơn nữa, bất cứ một NHTM Việt Nam nào nếu muốn tham gia, hội nhập vào thị trường tài chính trong khu vực và thế giới đều phải thực hiện và tuân thủ đầy đủ Hiệp ước Basel II. Do vậy, VietinBank phải chuẩn bị một nguồn lực, một lượng vốn đủ lớn để đối phó được với tất cả rủi ro có thể xảy ra.
Về quy mô hoạt động, VietinBank đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ, tăng vốn tự có. Theo đó, vốn điều lệ của VietinBank tăng dần lên theo các năm.
Cuối năm 2009, vốn điều lệ của VietinBank từ mức 11.252 tỷ đồng lên mức 15.172 tỷ đồng vào cuối năm 2010; năm 2011 tăng lên 20.230 tỷ đồng (gồm bán cổ phần cho IFC) và tiếp tục tăng lên 37.234 tỷ đồng vào năm 2013 (gồm bán cổ phần cho BTMU). Dự kiến trong năm 2015, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên 49.000 tỷ đồng.