Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1355/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Quy định mới về mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD
- Cập nhật : 02/07/2016
NHNN vừa ban hành Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) mua trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư 22 có hiệu lực thi hành từ 15/8/2016 và thay thế cho Thông tư 28/2011/TT-NHNN.
Nguyên tắc mua trái phiếu doanh nghiệp
Theo quy định của Thông tư 22/2016/TT-NHNN, việc mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD phải tuân thủ 5 nguyên tắc sau.
Thứ nhất, việc mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD được thực hiện theo quy định tại Luật các TCTD, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trai phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan, trong đó tối thiếu phải có quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp; nguyên tắc phân cấp, ủy quyền việc quyết định, phê duyệt mua trái phiếu doanh nghiệp; quy định vê việc quản lý rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch giữa khâu thẩm định và quyết định mua trái phiểu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó cần phải có nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu đối với các đối tượng doanh nghiệp, các loại trái phiếu doanh nghiệp; Các chính sách và giới hạn quản lý tín dụng, hệ thống đo lường và quản trị rủi ro, điều kiện, biện pháp và quy trình xử lý rủi ro; Kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ ba, việc mua trái phiếu chuyển đổi phải thực hiện theo quy định của Luật các TCTD và hướng dẫn của NHNN Việt Nam về góp vốn, mua cổ phần.
Thứ tư, đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua trái phiếu doanh nghiệp là đồng Việt Nam.
Cuối cùng, không được vay vốn của TCTD khác để mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Thông tư 22, có hai loại trái phiếu DN mà TCTD được mua, đó là: Trái phiếu phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Trái phiếu phát hành theo quy định của pháp luật về chào bán chứng khoán ra công chúng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này.
Giới hạn, trích lập dự phòng rủi ro
Thông tư 22 cũng quy định rõ về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như về Hệ số rủi ro, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối vói số dư mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật các TCTD và quy định của NHNN Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD.
TCTD quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp: Mua trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành; mua trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành và doanh nghiệp liên quan phát hành; mua trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm, không có bảo đảm; mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích để bán, để đầu tư và giữ đến ngày đáo hạn.
Tuy nhiên, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.
Hệ số rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của NHNN Việt Nam về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD.
Thông tư 22 cũng quy định rõ, TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp như sau:
Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom), thì TCTD thực hiện việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư trái phiếu và xử lý khoản dự phòng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ trích lập, sử dụng các khoản dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính;
Đổi với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom), thì TCTD thực hiện dự phòng rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của NHNN Việt Nam về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Minh Trí
(Thời báo Ngân hàng)