Những nguyên thủ trẻ nhất trên thế giới đều dưới 40 tuổi và hầu hết là nam giới, chỉ một người là phụ nữ.
Bốn điểm trừ đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau 70 ngày cầm quyền
- Cập nhật : 02/04/2017
Sau hơn 2 tháng làm tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã gặp nhiều thất bại trong quá trình thực hiện cam kết tranh cử.
Trumpcare không đọ nổi Obamacare
Dự luật chăm sóc sức khỏe của ông Trump (Trumpcare), vốn là ưu tiên quan trọng nhất của ông Trump, đã sụp đổ. Hôm 24/3, lãnh đạo Cộng hòa đã quyết định không đưa dự luật chăm sóc sức khỏe của ông Trump ra bỏ phiếu ở Quốc hội vì biết chắc không hội đủ số phiếu cần thiết để thông qua. Đây là một thất bại chính trị choáng váng của ông Trump – người từng cam kết cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ khi tranh cử.
Nỗ lực vận động hành lang của Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã trở nên vô ích trước nhiều nghị sĩ Cộng hòa và toàn bộ phe Dân chủ. Họ không thể nào thuyết phục được 216 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ Trumpcare.
Với thất bại của Trumpcare, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá rẻ năm 2010 (Obamacare), một thắng lợi quan trọng của ông Barack Obama, vẫn có hiệu lực sau 7 năm bị phe Cộng hòa cam kết hủy bỏ.
Theo hãng Reuters, thất bại của Trumpcare đã khiến dư luận hoài nghi về khả năng ông Trump có thể thuyết phục Quốc hội thông qua các nghị trình quan trọng khác, như giảm thuế hay tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Không chỉ thế, dư luận còn hoài nghi năng lực của đảng Cộng hòa nói chung.
Hiện cả ông Trump và ông Ryan đều chưa có kế hoạch nào để đưa Trumpcare ra Quốc hội một lần nữa, ít nhất là trước mắt.
Sắc lệnh hành chính bị chặn
Các sắc lệnh hành chính của ông Trump đang mắc kẹt tại các tòa án. Chính sách gây tranh cãi nhất là sắc lệnh cấm người từ một số quốc gia đông người Hồi giáo vào Mỹ. Sắc lệnh đầu tiên bị tòa án chặn, sắc lệnh sửa đổi lần hai cũng chịu chung số phận.
Hai sắc lệnh hành chính về cấm nhập cư của ông Trump đều bị các thẩm phán liên bang chặn. Ảnh: Getty Images
Sắc lệnh hành chính sửa đổi về cấm nhập cư theo kế hoạch sẽ có hiệu lực từ 16/3 nhưng chỉ vài giờ trước đó, thẩm phán Derrick Watson thuộc Tòa án Liên bang Honolulu ở Hawaii đã ra lệnh ngăn chặn tạm thời sắc lệnh, cấm nhánh hành pháp thực thi sắc lệnh trên toàn quốc.
Trước đó cũng ngày 16/3, thẩm phán Mỹ Theodore Chuang ở bang Maryland ra lệnh cấm chính quyền Trump thực thi lệnh cấm đi lại với công dân 6 quốc gia bị liệt kê trong sắc lệnh cấm nhập cư sửa đổi. Các thẩm phán khẳng định rằng sắc lệnh hành chính mang tính phân biệt tôn giáo với người Hồi giáo.
Trước đó, sắc lệnh hành chính của ông Trump dự kiến có hiệu lực ngày 27/1 cũng bị thẩm phán ở Seattle cấm.
Nội các dính bê bối với Nga
Một số thành viên nội các của ông Trump bị tố cáo có mối quan hệ mờ ám với phía Nga. Ông Michael Flynn buộc phải từ chức vì đã không công khai trong phiên điều trần trước Quốc hội về những lần tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Washington, trong đó ông Flynn được cho là nói về việc giảm nhẹ trừng phạt Nga trong khi ông Trump còn chưa nhậm chức.
Ngày 31/3, NCB News cho biết Ủy ban Tình báo Thượng viện đã bác đề xuất của luật sư đại diện cho ông Flynn về việc cho ông này hưởng quyền miễn truy tố, đổi lại ông sẽ sàng chịu thẩm vấn về các mối quan hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga.
Ông Flynn chỉ làm Cố vấn An ninh quốc gia được 3 tuần thì phải từ chức vì giấu các cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nga Sergey Kislyak. Ông Flynn từng được trả 45.000 USD để phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập mạng truyền hình RT của Nga hồi tháng 12/2015 khi đã là cố vấn cho ông Trump.
Trước khi ông Trump nhậm chức và vào đúng ngày ông Barack Obama thông báo trừng phạt Nga vì can thiệp bầu cử Mỹ (cáo buộc bị Nga bác bỏ), ông Flynn đã điện thoại với Đại sứ Kislyak.
Ngoài ông Flynn, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng dính nghi án liên quan tới Nga. Ngày 27/3, tờ Washington Post đưa tin 23 người thuộc 5 bang đã kiện ông Sessions nói dối Ủy ban Tư pháp Thượng viện về liên lạc với Nga và cáo buộc ông này định tìm cách bưng bít sự việc.
Đơn kiện do 23 người này nộp cáo buộc ông Sessions đã điều trần sai lệch hồi tháng 1 trước thượng viện khi nói rằng không liên lạc với người Nga. Luật sư đại diện cho 23 người kiện ông Sessions cho biết ông Sessions phải bị điều tra như tất cả những người dân Mỹ khác.
Ngày 1/3, tờ Washington Post tiết lộ ông Sessions đã gặp Đại sứ Kislyak 2 lần năm 2016 và không công khai các cuộc gặp này trước Thượng viện.
Theo tờ Vox, các hành động, lời nói mà ông Trump đưa ra để “bênh” các cộng sự của mình, trong đó mới đây nhất là cáo buộc chính quyền Obama nghe lén Tháp Trump, đang phản tác dụng.
Tỷ lệ ủng hộ thấp lịch sử
Chưa đầy 3 tháng làm tổng thống, ông Trump có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm Obama tại bất kỳ thời điểm nào trong hai nhiệm kỳ. Thậm chí, có người còn so sánh: Thời ông Trump, tỷ lệ thất nghiệp 4,7%, thời ông Obama, tỷ lệ này là 10%, nhưng ông Obama vẫn được lòng người dân hơn ông Trump.
Theo tờ Politico, trong suốt tuần qua sau khi Trumpcare thất bại, 6 hãng khảo sát dư luận đã công bố tỷ lệ ủng hộ ông Trump và điểm chung là ngày càng nhiều người Mỹ không ủng hộ ông Trump. Tỷ lệ ủng hộ dao động từ 38 đến 46%. Tỷ lệ thấp nhất 38% là kết quả khảo sát do hãng Gallup thực hiện.
Nhìn chung, tháng 3 là tháng tồi tệ với ông Trump và chính quyền Mỹ. Đầu tháng, tỷ lệ ủng hộ trung bình của ông Trump là 45%. Đến ngày 30/3, con số này giảm xuống 40%.
Thùy Dương/Báo Tin Tức