tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lãnh đạo mới của Hong Kong có thành tích gì?

  • Cập nhật : 27/03/2017

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từng gây chú ý nhiều từ khi được chọn làm người đàm phán với các lãnh đạo làn sóng biểu tình năm 2014.

ba lam trinh nguyet nga tuoi cuoi sau khi biet ket qua bo phieu ngay 26-3 - anh: reuters

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tươi cười sau khi biết kết quả bỏ phiếu ngày 26-3 - Ảnh: Reuters

Nhiệm vụ của bà Lâm - nữ đặc khu trưởng đầu tiên của Hong Kong từ ngày 1-7-2017 - là đoàn kết Hong Kong trước những bất mãn của người dân về việc chính quyền Bắc Kinh ngày càng can thiệp sâu vào thể chế của đặc khu.

Bà cũng sẽ phải vực dậy nền kinh tế và giải quyết các vấn đề như bất công xã hội, giá bất động sản leo thang.

Những người làm việc cùng bà Lâm nói rằng bà rất thông minh, chăm chỉ và có khả năng thúc đẩy những chính sách gây tranh cãi. Chính những điều này đã giúp bà giành được sự ủng hộ của Bắc Kinh.

Ngược lại, những người phản đối lo ngại sự cứng rắn và thân bắc Kinh của bà có thể khiến Hong Kong thêm chia rẽ. “Carrie Lam (tên tiếng Anh của bà Lam) là ác mộng của Hong Kong - anh Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), lãnh đạo cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2014, phát biểu với hãng tin Reuters - Bà ấy chỉ nói với chúng ta những gì mà Bắc Kinh muốn và không phản ánh được những gì mà người dân muốn”.

Luôn là số một

Bà Lâm thường được gọi là “bà đầm thép” của Hong Kong và danh hiệu này không phải tự nhiên mà có.

Sinh ra trong một gia đình thu nhập thấp, bà chỉ một lần trượt khỏi vị trí dẫn đầu lớp. “Tôi tự hỏi vì sao tôi không phải là số một?” - bà kể trong một phỏng vấn hồi năm 2013.

Khi còn ở trường nữ sinh công giáo, bà từng hỏi giáo viên làm cách nào để kiểm soát sinh viên, giáo viên đã trả lời bà “không phải kiểm soát mà em phải truyền cảm hứng cho mọi người”.

Khi trở thành sinh viên Đại học Hong Kong, bà đã tích cực tham gia các hoạt động vận động và theo đuổi ngành xã hội học.

Sau khi tốt nghiệp, năm 1980, bà trở thành công chức của chính quyền thuộc địa Anh ở Hong Kong.

Trong thời gian làm người đứng đầu Văn phòng phúc lợi xã hội của chính quyền Hong Kong (2000-2003) bà đã đưa ra một số cải cách gây tranh cãi, như thắt chặt trợ cấp an sinh xã hội.

Sự nghiệp của bà tiếp tục leo thang khi bà được bổ nhiệm vào ghế Thư ký về vấn đề nhà ở, đất đai (2004) và giữ ghế Thư ký về vấn đề phát triển (2007). 

Năm 2012, bà trở thành Chánh văn phòng chính quyền Hong Kong, nhân vật quyền lực số hai sau đặc khu trưởng Lương Chấn Anh. Bà từ chức vào ngày 12-1 vừa rồi để ra tranh cử.

Nhưng bà cũng có những khía cạnh mềm mỏng như bà tiết lộ từng năn nỉ chồng con từ Anh trở về để ủng hộ tinh thần cho bà. Cả chồng và hai con trai của bà đều đang ở Anh.

Đối thoại với biểu tình

Trước cuộc bầu cử, bà Lâm từng là người được ông Lương Chấn Anh chỉ định tham gia đàm phán với các lãnh đạo biểu tình trong cuộc “cách mạng dù” năm 2014. (Thực ra, chính bà là người đã thúc đẩy gói cải cách được Bắc Kinh chống lưng dẫn đến cuộc biểu tình này).

Bà đã vận dụng các kinh nghiệm từ việc giải quyết cuộc biểu tình năm 2007 và được truyền thông Trung Quốc khen ngợi khi có mặt tại các điểm biểu tình năm 2014 và trao đổi trực tiếp với các cảnh sát.

Tuy nhiên bà Lâm bị những người biểu tình chỉ trích trong quá trình đàm phán khi bà bảo vệ các cải cách của Bắc Kinh, theo đó người dân Hong Kong chỉ được bỏ phiếu chọn những ứng viên đã được Trung Quốc chấp nhận.

“Tôi hy vọng các em có đủ can đảm và thông minh để nghĩ cách thoát khỏi tình hình hiện tại” - bà Lâm từng nói với những người biểu tình.

Nỗ lực thương lượng thất bại và hai tuần sau đó bà Lâm tuyên bố những người còn cắm trại trên đường phố sẽ bị bắt. Cuộc bình tình năm 2014 kéo dài 79 ngày và kết thúc bằng việc cảnh sát mạnh tay dọn sạch đường phố.

Trong chiến dịch vận động, bà Lâm cũng cố gắng thể hiện một hình ảnh thân thiện nhưng vẫn bị coi là xa rời cử tri khi bị phát hiện không biết sử dụng thẻ tàu điện ngầm hay hình ảnh bà chạy đi tìm giấy vệ sinh lúc nửa đêm bị đem ra chế giễu.

 

TRẦN PHƯƠNG
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục