Nếu như ở Quảng Nam, Cù Lao Chàm - tức đảo Tân Hiệp - được du khách khắp nơi biết đến thì đảo Tam Hải lại im hơi lặng tiếng dù cảnh sắc, tiềm năng du lịch không hề kém cạnh
Xây dựng TP.HCM thành trung tâm lớn của khu vực
- Cập nhật : 15/09/2015
(Tin kinh te)
TP.HCM phải tạo các nguồn lực để xây dựng năng lực cạnh tranh và tạo ra năng suất lao động vượt trội.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X xác định một trong những mục tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ 2015-2020 là nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP…; sớm xây dựng TP trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ (KHCN) của khu vực Đông Nam Á. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM (ảnh), nói: “Muốn nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế TP, phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, đưa ra những chính sách đúng đắn”.
Ý chí, quyết tâm lớn
. Phóng viên: Ông nghĩ gì về mục tiêu đưa TP.HCM “sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, KHCN của khu vực Đông Nam Á”?
Mục tiêu trên là rất lớn nhưng TP.HCM có đủ khả năng trở thành trung tâm lớn về các lĩnh vực nêu trên, có đủ khả năng cạnh tranh với các TP lớn trong khu vực ASEAN. TP có thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao và vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ phát triển, liên kết kinh tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không giữa miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên; vị trí giao lưu hợp tác quốc tế.
. Cụ thể TP.HCM cần phải chuẩn bị những nguồn lực quan trọng nào để bước vào cuộc cạnh tranh lớn tới đây, thưa ông?
+ Để có thể cạnh tranh với các TP lớn trong khu vực Đông Nam Á, TP.HCM cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, các chính sách phù hợp để thu hút đầu tư. Trên hết là ý chí, quyết tâm đưa TP.HCM trở thành điểm sáng tiên phong trong công cuộc hội nhập.
Nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà đầu tư và các chính sách phù hợp là những yếu tố có thể cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: Các kỹ sư làm việc tại Công ty Phần mềm Quang Trung. Ảnh: Xuân Đặng
Về nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện nay TP.HCM đã có những cơ chế và chính sách thu hút khá tốt nhưng phải có chính sách đào tạo và thu hút mạnh mẽ hơn nữa. Theo quan sát của tôi, các nhà khoa học giỏi, trong đó có người Việt Nam, trên thế giới có nhiều và nhu cầu của họ đến làm việc ở các nước phát triển rõ ràng là có. Vấn đề là TP phải có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với nguồn nhân lực từ các nước đến phục vụ, như cách thu hút của nhiều nước.
Mặt khác, để thu hút nhà đầu tư lớn của khu vực và thế giới, cần phải có những cơ chế cởi mở hơn giúp TP.HCM chủ động phát triển.
. Theo ông, giải pháp căn cơ nhất mà TP.HCM phải làm là gì?
+ Giải pháp căn cơ nhất TP.HCM phải làm là: Triển khai có hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện để các thành phần kinh tế trong nước chiếm lĩnh thị trường bán lẻ và bán buôn. Cùng đó phải phát triển mạnh, vững chắc hệ thống tài chính, hoàn thiện chính sách để thu hút nguồn vốn xã hội, đặc biệt là tài chính doanh nghiệp. Đầu tư phát triển KHCN mạnh mẽ hơn nữa, để tạo điểm tựa vững chắc cho đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Phải thay đổi chất lượng tăng trưởng
. Để nâng cao sức cạnh tranh, theo ông TP.HCM cần đột phá vào những vấn đề gì?
+ Muốn chiến thắng trong hội nhập, trở thành trung tâm kinh tế tài chính, KHCN của khu vực, TP phải có năng lực cạnh tranh và năng suất lao động vượt trội. TP không sợ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn vốn phát triển, vấn đề là phải có chính sách thu hút chất xám và thu hút vốn.
Muốn vậy TP.HCM cần có những giải pháp đồng bộ:
- Tái cơ cấu kinh tế TP, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Theo đó, TP.HCM có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao (công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo máy, cơ khí chính xác và tự động hóa, vi điện tử…).
- Đẩy mạnh hoạt động tài chính, ngân hàng thu hút các nguồn vốn trong nước, khu vực và thế giới. Nguồn vốn trong dân không phải ít, cần đưa ra chính sách có lợi cho người dân và các doanh nghiệp trong nước.
- Đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết nhà khoa học Việt Nam và Việt kiều (như đã nói trên đây).
- Đẩy mạnh liên kết vùng.
Phải thấy rằng hội nhập là cơ hội, là tiền đề để chúng ta tiếp thu công nghệ, thành tựu của thế giới nhưng tất cả phải tiến lên bằng nội lực. Muốn thế phải thay đổi chất lượng tăng trưởng một cách thực sự, không thể chỉ dựa trên nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ. Phải liên kết vùng, hỗ trợ nhau phát triển. Trong đó, chính sách nhà nước đóng vai trò quan trọng.
Hãy tạo sân chơi bình đẳng
Cũng xin lưu ý điều này, tuy FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) có vị trí trong đầu tư và trong GDP nhưng về chất, có thể nói Việt Nam đã không thắng trong chiến lược dùng FDI để phát triển kinh tế. FDI đầu tư vào nhiều lĩnh vực hiện nay chủ yếu khai thác nguồn lao động phổ thông lương thấp của Việt Nam và thị trường rộng lớn của Việt Nam 90 triệu dân. Điều này cũng đã xảy ra ở Trung Quốc và các nước ASEAN.
Một “điệp khúc” lặp lại nhiều lần ở khu vực các nước châu Á là: Khi lương và thu nhập tại các nước thành công tăng lên, cánh cửa cơ hội mở ra cho những “tân binh” có chi phí sản xuất thấp hơn. Một khi chi phí nhân công tăng, sẽ tiếp tục “cuộc di cư” sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn. Việt Nam sẽ để mất thị phần vào tay Campuchia, Lào hay Myanmar - những quốc gia đang có lợi thế so sánh hấp dẫn về nhân công đối với các nhà sản xuất quốc tế.
Không thể ưu đãi FDI quá mức, hãy tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Muốn thu hút FDI hiệu quả, chính sách nhà nước phải khôn khéo.