tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TPHCM: Có hay không việc thiếu đất xây trường học?

  • Cập nhật : 13/09/2015

(Tin kinh te)

Tại cuộc họp mới đây, một lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh "than" rằng, dân số tăng quá nhanh nên thời gian tới sẽ thiếu đất xây nhà ở, trường học.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, quỹ đất tại thành phố này không thiếu, mấu chốt vấn đề nằm ở công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất. Thành phố hiện có quá nhiều dự án đô thị bỏ hoang, dự án treo trong khi thiếu đất xây trường là điều... bất hợp lý.

 

Nguyên nhân của băn khoăn "lấy đất đâu xây nhà ở, trường học" theo người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh là do dân số cơ học tăng quá nhanh. Đơn cử, chỉ riêng tại quận Bình Tân, năm 2003 khi mới được tách quận chỉ có 313.000 dân, đến nay đã tăng hơn gấp đôi. Mỗi phường có đến 70.000 dân nên áp lực dân cư rất cao. Ngoài Bình Tân, một số quận, huyện khác cũng có tốc độ tăng dân số (nhất là tăng cơ học) cao như Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 12, Thủ Đức...

Trước lo ngại này, các chuyên gia cho rằng, quỹ đất tại thành phố này không thiếu, mấu chốt vấn đề nằm ở công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất. Chính việc quản lý yếu kém mới dẫn tới tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và không cân đối được quỹ đất.

Minh chứng rõ nhất, tại Thông báo số 2365/TB-TTCP ngày 17-8-2015, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, về quản lý các cơ sở nhà đất, tình trạng bỏ trống, cho thuê, làm nhà ở tại TP Hồ Chí Minh đã thể hiện: Trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, địa phương đã chậm thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất. Hiện mới chỉ có 108/322 phường, xã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chỉ đạt 33,5%). Nhiều nơi chưa công khai các thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, sử dụng quỹ đất công.

Theo ghi nhận, tại huyện Bình Chánh, nhiều xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Bình Hưng... có nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng như không có quy hoạch chi tiết, không công khai quy hoạch các điểm dân cư dẫn đến ách tắc trong công tác quản lý; người dân mua đi bán lại, xây dựng nhà ở trái phép, sai phép tràn lan. Còn tại huyện Cần Giờ cũng xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai.

Cụ thể, sai phạm trong công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng; đặc biệt là những tồn tại về đất đai liên quan đến thực hiện đề án di dời 1.280 hộ dân sống ven sông, ven biển và vùng trũng thấp. Tương tự, tại huyện Củ Chi, tình trạng phân lô, phân nền, xây dựng trái phép còn diễn ra phức tạp. "Nóng" nhất là dự án Thảo Cầm Viên đã "treo" hơn 10 năm nay gây bức xúc cho người dân, nhất là những hộ dân bị thu hồi đất ở, đất sản xuất.

Ngay trong nội thành, nhiều sai phạm về sử dụng đất cũng vừa được chính quyền thành phố chỉ đạo xử lý như dự án đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn (Quận 1). Dự án này đã vi phạm quy trình, thủ tục về giao đất, cho thuê đất không đúng quy định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cũng đang thanh tra, xử lý Tổng công ty TNHH MTV Bến Thành về việc sử dụng lô đất 104 Nguyễn Văn Cừ (Quận 1) cho Công ty bất động sản Phát Đạt thuê 30 năm trái quy định của pháp luật.

Từ thực tế trên, TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh) cho rằng, TP Hồ Chí Minh đang mất cân đối cung cầu về nhu cầu sử dụng đất đai trong công tác phát triển đô thị mới dẫn tới thiếu đất xây trường, xây nhà cho dân. "Có một nghịch lý là quá nhiều khu dân cư, đô thị được quy hoạch bài bản, hiện đại, lại để hoang do giá đất quá cao, trong khi một số khu đất trong hẻm, hạ tầng kém, ô nhiễm và ngập lụt, thì vẫn có nhu cầu mua để ở, do phù hợp túi tiền của người dân" - TS Dư Phước Tân phân tích.

Để thực hiện nghiêm việc quản lý đất đai, UBND thành phố vừa trình HĐND thành phố danh mục các dự án cần thu hồi đất. Theo đó, ngay trong năm 2015, thành phố sẽ thu hồi 298 dự án chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không còn năng lực triển khai. Bên cạnh đó, để cân đối lại nguồn quỹ đất, dự kiến đến năm 2020 TP Hồ Chí Minh sẽ tăng diện tích chuyển đổi từ đất nông nghiệp và các loại đất khác sang đất phi nông nghiệp.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục