tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Nam thiệt hại nặng nề nhất châu Á do giá dầu giảm

  • Cập nhật : 18/02/2016

(Kinh te)

 Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá dầu lao dốc cũng tác động mạnh tới thu ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

viet nam hien duoc danh gia la nuoc thiet hai nang ne nhat chau a do gia dau giam toi 75% trong 2 nam qua.

Việt Nam hiện được đánh giá là nước thiệt hại nặng nề nhất châu Á do giá dầu giảm tới 75% trong 2 năm qua.

Báo cáo vừa công bố bởi hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho thấy, tính đến ngày 11/2, giá dầu thô đã giảm tổng cộng 44% so với 1 năm trước và giảm tới 75% so với đầu năm 2013. Trong số các nước châu Á - khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất toàn cầu, giá dầu lao dốc mang lại lợi ích cho Thái Lan trong khi Việt Nam và Malaysia bị thiệt hại nặng nề nhất.

Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Kể từ năm 2013, cán cân vãng lai của Việt Nam đã suy giảm và phần lớn là do lực cầu nội địa tăng mạnh, mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu giảm cũng đóng góp một phần nguyên nhân.

Đánh giá tác động cụ thể hơn, báo cáo công bố trong cùng khoảng thời gian từ Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng chỉ ra rằng, thu ngân sách nhà nước từ dầu tiếp tục khó khăn. Tính 15 ngày đầu năm 2016, thu từ dầu thô đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm 48,6% so với cùng kỳ 2015.

Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, do độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam bình quân tháng 1/2016 ở mức 40 USD/thùng, tuy nhiên việc giá dầu tiếp tục giảm sâu, xuống dưới 30 USD/thùng và dự báo có thể xuống thấp hơn nữa đã và đang tạo áp lực lên thu từ dầu thô ngay từ những ngày đầu năm.

"Dự kiến, với giá dầu xây dựng dự toán 60 USD/thùng, nhiều khả năng thu ngân sách từ dầu năm 2016 cũng sẽ không đạt dự toán như năm 2015”, cơ quan này nhìn nhận.

Ngoài ảnh hưởng tới túi tiền quốc gia khi thu ngân sách không đảm bảo mục tiêu đặt ra, giá dầu lao dốc cũng được giới chuyên gia cho rằng sẽ gây thiệt hại phần nào tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và vào ngành dầu khí nói riêng.

TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho rằng, theo dự đoán của các chuyên gia, giá dầu sẽ thiên về hướng 20 - 30 USD/thùng do nguồn cung tăng khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ tham gia vào việc xuất khẩu dầu thô, Mỹ tăng cung xuất khẩu, và quan trọng hơn – Trung Quốc giảm cầu.

"Nhắc đến giá dầu giảm, vấn đề đầu tiên được nhắc tới luôn là vấn đề hụt thu ngân sách. Tuy nhiên, đây không hẳn là yếu tố quá nguy hại khi tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của bán dầu thô đã giảm sâu từ 27% vào năm 1996 xuống còn 6% vào năm 2015. Quan trọng hơn, đầu tư vào ngành dầu khí chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới", TS Lực dự báo.

Theo vị chuyên gia này, việc giá dầu giảm mạnh khiến các nhà đầu tư giảm/giãn, hoặc hủy các dự án đầu tư khai thác, chế biến xăng dầu tại Việt Nam.

"Khá nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đã và đang suy giảm thực hiện trong thời gian vừa qua. Một nhà đầu tư Thái Lan dự kiến rót 22 tỷ USD vào một dự án lọc dầu, nhưng họ cũng đã ngần ngại khi giá dầu giảm quá sâu", ông Lực cho biết.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục