tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

"Tự hào hàng Việt": Thách thức từ hội nhập quốc tế

  • Cập nhật : 25/08/2015

(Tieu dung)

Với dân số gần 90 triệu người, mức tăng trưởng bán lẻ bình quân 13 -15%/năm, thị trường Việt Nam đang được xem là "miếng bánh ngon" không chỉ đối với nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước mà còn với cả các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Trong buổi tổng kết cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sau 5 năm thực hiện, thống kê cho thấy tỷ trọng hàng Việt Nam tại các siêu thị lên đến 90%. Điều này chứng tỏ, đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất đối với DN nội địa.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, có đến 92% người tiêu dùng quan tâm đến cuộc vận động, 63% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.

Đồng thời hiện tại, khái niệm hàng Việt Nam cũng đang được mở rộng khi Ban chỉ đạo Trung ương đã công nhận hàng hóa lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam là hàng Việt Nam.

Đây là nền tảng giúp gia tăng sức mạnh, phát huy uy tín và chất lượng của hàng Việt tại thị trường nội địa và quốc tế, mặc dù, ở một khía khác thì điều này cũng góp phần làm tăng áp lực cạnh tranh lên doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ bởi hiện nay, Việt Nam đang là nơi sản xuất của nhiều tập đoàn lớn như LG, Samsung, Intel...

Tại hội thảo "Tự hào hàng Việt Nam - Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất tới siêu thị” cuối tuần trước ở Hà Nội, ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc tổ hợp sản xuất Samsung đã không giấu tham vọng đưa Samsung trở thành "Doanh nghiệp quốc dân Việt Nam", thay vì là "Nhà đầu tư lớn nhất" hay "Doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất" tại Việt Nam.

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Điện tử Việt Nam đạt 26,3 tỷ USD, chiếm 17,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đại diện tập đoàn Samsung cho biết hãng hy vọng có thể góp phần đưa tinh thần của cuộc vận động không chỉ là "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà còn nâng lên tầm "Người Việt Nam tự hào về hàng Việt Nam".

Ngoài ra, thông tin Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm nay với quy định giảm thuế về 0% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu vào năm 2018 cũng là một thách thức không nhỏ đối với DN Việt.

Chia sẻ về vấn đề này, GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, các DN trong nước sẽ khó có thể đứng vững trên thị trường nếu không sớm điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thiết lập nhiều mối quan hệ và tăng cường hợp tác với các DN nội địa khác.

Tóm lại, Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình hội nhập quốc tế, điều này đòi hỏi các DN trong nước phải tự trang bị nhiều yếu tố mới đủ khả năng vượt qua những thách thức. Mặc dù, thách thức này cũng là cơ hội để DN nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải tiến hàng hóa và dịch vụ.

Điều này xuất phát từ các yếu tố nội tại của từng DN như công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị, đồng thời có liên quan đến các mối liên kết giữa DN với nhà cung ứng và nhà phân phối.

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục