Hàng chục ngàn người dân tham gia đường dây bán hàng cao cấp của công ty Liên kết Việt có nguy cơ mất trắng tiền sau khi lãnh đạo công ty này bị bắt giam.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 12-05-2016
- Cập nhật : 12/05/2016
Nhiều DNNN được bán với giá gấp 32-34 lần giá sổ sách
Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN vừa báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 4 tháng đầu năm 2016.
Theo đó, đến hết ngày 29-4-2016 cả nước đã cổ phần hóa 34 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và 2 đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty lương thực miền Bắc và 3 địa phương thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp khác với tổng giá trị theo sổ sách là 659 tỷ đồng, thu về hơn 2.200 tỷ đồng.
Trong đó, phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp đã bán được với giá trị gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách. Chẳng hạn, Công ty CP Du lịch Kim Liên – đơn vị sở hữu khách sạn Kim Liên có giá trị sổ sách là 31 tỷ đồng nhưng bán được 1.000 tỷ đồng, gấp 32 lần.
Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo giá trị sổ sách chỉ 16 tỷ đồng nhưng bán được 109 tỷ đồng, gấp gần 7 lần.
Công ty CP Du lịch Đồ Sơn giá trị sổ sách là 4,5 tỷ đồng, bán được 155 tỷ đồng, gấp 34 lần.
“Đây đều là những doanh nghiệp đang quản lý đất đai ở những vị trí đắc địa hoặc quản lý tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản”, Ban chỉ đạo đánh giá.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng thưởng hơn 10.000 tỷ đồng vượt thu ngân sách
Theo tin từ Văn phòng UBND TP.HCM, UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thưởng vượt dự toán thu năm 2015, với mức thưởng trên 10.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, năm 2015 dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM (không kể thu dầu thô và ghi thu ghi chi) là 233.776 tỷ đồng, trong đó số thu ngân sách trung ương hưởng theo phân cấp là 190.186,910 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31-12-2015, TP.HCM thu ngân sách đạt 255.001,698 tỷ đồng, bằng 109,08% dự toán, trong đó số thu ngân sách Trung ương hưởng theo phân cấp là 199.771,752 tỷ đồng.
Do đó, TP.HCM trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận kiến nghị thưởng 10.001,701 tỷ đồng để tạo điều kiện cho TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Được biết, năm 2016, TP.HCM được giao dự toán thu ngân sách 298.300 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu thu nội địa là 177.600 tỷ đồng; thu từ dầu thô 18.200 tỷ đồng và thu từ hoạt động XNK là 102.500 tỷ đồng.
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Sáng 11-5, Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các ngân hàng châu Á lần thứ 17 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Asian Banker tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự hội nghị.
Tham dự hội nghị có hơn 1.000 đại biểu lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại đến từ 30 quốc gia khu vực châu Á và các nước có nền kinh tế phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, từng bước tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hơn nữa, Chính phủ sẽ tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát huy mạnh mẽ dân chủ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, NHNN xác định cải cách ngân hàng là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để chủ động đối phó với những khó khăn, biến các thách thức thành cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.
Thống đốc NHNN cũng cho biết thêm, cùng với quá trình cải cách hệ thống ngân hàng, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế, nổi bật nhất là Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và một loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Quá trình hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa là áp lực và cả động lực để các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tài chính trong nước không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Do vậy, ngành ngân hàng đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ thể chế, tăng cường minh bạch hóa thông tin, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế cao”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay.
Đồng thời, Thống đốc bày tỏ mong muốn trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước.
Hội nghị Thượng đỉnh Ngân hàng châu Á là hội nghị thường niên lớn nhất khu vực, quy tụ các nhà điều hành cấp cao và các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Hội nghị lần thứ 17 này với chủ đề “Đột phá mới” do Việt Nam là nước chủ nhà.
Trong khuôn khổ Hội nghị từ 10-5 đến 12-5, Hội nghị sẽ có nhiều chuyên đề phản ánh sự đa dạng của ngành tài chính như: thách thức trong quản lý ngân hàng và các nhà quản lý ngân hàng, giao dịch ngân hàng quốc tế, cơ sở hạ tầng thị trường tài chính, chuỗi cung ứng và thách thức hiệu quả tài chính…
Hà Nội: Hơn 1.500 điểm giết mổ không đảm bảo vệ sinh
-Theo UBND TP. Hà Nội trên địa bàn Thủ đô có 73 cơ sở giết mổ hoạt động đang được kiểm soát nhưng có đến 1.500 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Không thu phí quá 1.400 USD với lao động sang Đài Loan
Trước việc nhiều doanh nghiệp thu phí cao để đưa lao động sang thị trường Đài Loan làm việc, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đã yêu cầu các doanh nghiệp này không được thu phí dịch vụ và môi giới quá 1.400 USD (tương đương với khoảng 30 triệu đồng).
Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thu của người lao động không quá 1.000 USD với lao động khán hộ gia đình (chăm sóc người già tại nhà) và không quá 620 USD với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ. Lao động cũng chỉ phải chi trả tiền môi giới tối đa 400 USD/người.
Ngoài ra, chi phí đào tạo được quy định không quá 4.500.000 đồng/khóa (390 giờ) đối với lao động khán hộ công gia đình, và không quá 532.000 đồng/khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết đối với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ.
Như vậy, để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, lao động chỉ phải chi trả tối đa 30 triệu đồng cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ. Đồng thời tất cả khoản thu, doanh nghiệp phải cấp hóa đơn, phiếu thu đầy đủ cho người lao động.
Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội cũng quy định hợp đồng lao động ký giữa người lao động và chủ sử dụng lao động Đài Loan phải đáp ứng các điều kiện cơ bản về mức lương, điều kiện ăn ở, bảo hiểm…
Cụ thể, mức lương làm việc ở Đài Loan không thấp hơn 17.000 Tân Đài tệ/tháng (hơn 11,5 triệu đồng/tháng) đối với lao động khán hộ gia đình và không thấp hơn mức lương cơ bản theo quy định của Đài Loan (hiện nay là 20.008 Tân Đài tệ/tháng, tương đương hơn 13,6 triệu đồng/tháng) đối với lao động thuyền viên tàu cá gần bờ.
Người lao động phải được chủ sử dụng cung cấp nơi ăn ở miễn phí, được mua bảo hiểm rủi ro với mức bồi thường tối tiểu 300.000 Tân Đài tệ (hơn 206 triệu đồng). Người lao động được chủ sử dụng chi trả tối thiểu một lượt vé máy bay về nước khi kết thúc hợp đồng.
Trong việc đưa lao động sang Đài Loan doanh nghiệp chỉ hợp tác với các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan được cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan xếp loại A, B theo kết quả đánh giá xếp loại gần nhất.