Trong bối cảnh, Biển Đông tiếp tục leo thang căng thẳng, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho rằng, Mỹ nên dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, giúp Việt Nam nâng cao năng lực an ninh hàng hải và coi đây là cơ hội chiến lược.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 12-05-2016
- Cập nhật : 12/05/2016
Hà Nội tiếp tục công khai danh tính 131 đơn vị nợ thuế
Cụ thể, trong danh sách đợt này có 122 doanh nghiệp nợ thuế phí gần 184 tỷ đồng, 8 đơn vị nợ tiền thuê đất gần 27 tỷ đồng và một đơn vị là Công ty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng nợ tiền sử dụng đất là hơn 44 tỷ đồng.
Trong 122 doanh nghiệp nợ thuế phí, các doanh nghiệp ngành xây dựng có số nợ lớn nhất, dẫn đầu là Công ty CP Đầu tư Xây dựng phát triển nhà Vạn Xuân nợ 8,177 tỷ đồng; Công ty CP Tư vấn và xây dựng Đông Hải nợ 6,456 tỷ đồng; Công ty TNHH xây dựng An Phát nợ 5,204 tỷ đồng…
Trong 8 đơn vị nợ tiền thuê đất có Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty TNHH NN MTV Mai Động với số nợ gần 4 tỷ đồng/đơn vị.
Trước đó, ngày 22/4/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1624/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ động thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn Hà Nội. Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã kịp thời ban hành công văn số 26994/CT-QLN ngày 29/4/2016 v/v triển khai quản lý nợ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng.
Cục Thuế TP. Hà Nội mong rằng việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu quản lý chặt các dự án đầu tư công
Đó là một trong những nội dung tại văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ và các công việc thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cũng tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công; thực hiện nghiêm chủ trương và pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công; kịp thời rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Đầu tư công; đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ chi tiêu công theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; phối hợp thẩm định, giám sát chặt chẽ việc bán tài sản công, định giá giá trị doanh nghiệpcó lợi thế về đất đai, thương hiệu, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền: NHNN đang rà soát thông tin liên quan đến Hồ sơ Panama
Trong những ngày gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về danh sách các tổ chức, cá nhân Việt Nam xuất hiện trong “Hồ sơ Panama” do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố trên trang web của ICIJ.
Thông tin của Hồ sơ Panama có tên của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam, tuy nhiên chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.
.
Mặc dù vậy, ông Ngọc cho hay, hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài...(Pháp lệnh Ngoại hối 2005 đã được sửa đổi, bổ sung, Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao cac đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc này; và trong phạm vi quyền hạn của mình, NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật
Chính phủ phê duyệt Nghị định thư về Cơ chế một cửa ASEAN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP phê duyệt Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).
Lễ kết nối kỹ thuật ASW giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia được tổ chức tại trụ sở Tổng cục Hải quan ngày 8-9-2015. Ảnh: Hữu Linh.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW.
Ngày 11-5, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Để Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW chính thức có hiệu lực và đi vào thực hiện phải được sự phê chuẩn của 10 quốc gia thành viên ASEAN. Hiện nay, ngoài Việt Nam mới có 2 quốc gia khác phê chuẩn Nghị định thư này là Malaysia và Myanmar.
Trước đó, được sự ủy quyền của Chính phủ, ngày 4-9-2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Chính phủ ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN và Việt Nam là nước thành viên cuối cùng ký Nghị định thư theo hình thức ký luân phiên.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh của khu vực và quốc gia hiện nay, việc phê duyệt Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW của Việt Nam là cần thiết để thực hiện nghĩa vụ của nước ta trong triển khai Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN cũng như bảo đảm khung pháp lý để thực hiện các giao dịch giữa các Cơ chế một cửa quốc gia trong môi trường Cơ chế một cửa ASEAN.
Bên cạnh đó, trên phương diện quốc gia, đây là giải pháp cơ bản góp phần cải cách toàn diện thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và giao lưu hàng hóa qua biên giới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị định thư chỉ điều chỉnh các giao dịch được thực hiện giữa Cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên trong môi trường ASW mà không tác động đến các điều ước hoặc thỏa thuận song phương/đa phương khác mà các nước thành viên là một bên tham gia.
Nội dung của Nghị định thư tập trung giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi thực hiện các giao dịch trao đổi thông tin giữa Cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên trên môi trường Cơ chế một cửa ASEAN. Nghị định thư xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước thành viên trong triển khai, duy trì và vận hành Cơ chế một cửa quốc gia cũng như ASW.
Bên cạnh đó, Nghị định thư cũng xác định những trường hợp bất khả kháng mà khi đó, các nước thành viên không thể thực hiện nghĩa vụ của mình tại Nghị định thư cũng như miễn trừ trách nhiệm của các nước thành viên nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng…
Hải quan Hải Phòng lên tiếng vụ doanh nghiệp “tố” về giá tính thuế
Báo Hải quan vừa nhận được đơn phản ánh của Công ty TNHH Soft Việt – Thái (Hà Đông, Hà Nội) khiếu nại về việc ấn định trị giá tính thuế của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) đối với hàng hóa nhập khẩu của DN.
Theo đơn phản ánh của DN, Công ty có mua 1 lô hàng giấy từ đối tác Hàn Quốc. Theo đối tác Hàn Quốc, do hàng hóa sản xuất lâu, thuộc diện tồn kho nên bán giá rẻ (so với bình thường) 370 USD/tấn.
Tuy nhiên, khi DN làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I, Chi cục đã bác bỏ trị giá khai báo của DN và nâng mức giá tính thuế đối với lô hàng, khiến DN gặp khó khăn vì phải nộp thêm tiền thuế.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 11-5, phóng viên Báo Hải quan đã trao đổi với lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I, đại diện Chi cục cho biết: Lô hàng của DN nhập có trọng lượng 87 tấn, nhưng không được nhập khẩu trực tiếp từ nhà sản xuất (Hàn Quốc) mà qua một công ty thương mại cũng có trụ sở tại quốc gia này.
Thấy giá khai báo mặt hàng này thấp bất thường so với mặt hàng cùng loại, cùng nhà sản xuất (mức giá thông thường khoảng 500 USD/tấn), Chi cục đã thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan theo quy định.
Quá trình làm việc với cơ quan Hải quan, DN có xuất trình một giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa (C/Q), nhưng đây là giấy chứng nhận do công ty thương mại (đối tác bán hàng cho Công ty TNHH Soft Việt – Thái) phát hành, không phải C/Q do chính nhà sản xuất lô hàng trên cung cấp, nên không đủ cơ sở chứng minh đây là hàng tồn kho.
Ngoài ra, trong hồ sơ hải quan còn một số bất hợp lý DN không giải trình được như hợp đồng với đối tác Hàn Quốc thể hiện nội dung mua hàng theo mẫu, nhưng khi giải trình với cơ quan Hải quan DN lại nêu mua hàng hóa tùy thuộc vào nhu cầu; hay DN cho rằng hàng hóa bị dính dầu nên giả rẻ nhưng lại không có tài liệu chứng minh…
Căn cứ vào quy định, cơ sở dữ liệu giá, và kết quả làm việc với DN, Chi cục đã bác bỏ trị giá khai báo của DN và ấn định giá tính thuế đối với lô hàng là 490 USD/tấn. Tổng số thuế tăng thêm là 37 triệu đồng.
“DN đã chấp hành nộp thuế theo quyết định của cơ quan Hải quan. Nhưng không rõ lý do gì sau khi nộp thuế DN lại có đơn khiếu nại. Chi cục cũng đã nhận được khiếu nại và đang liên hệ, mời DN đến làm việc để giải đáp các vướng mắc”- lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I cho biết thêm.
Để có thêm thông tin khách quan, phóng viên đã liên lạc lại theo 2 số điện thoại do DN cung cấp 0913373xxx và 046684xxxx (trong đơn gửi Báo Hải quan) nhưng đến chiều 11-5, chúng tôi đều không liên lạc được với cả 2 số điện thoại này.