Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, tỉnh Phú Thọ sẽ đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng cho phát triển hệ thống giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2030; trong đó giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư khoảng 6.462 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2030 trên 13.000 tỷ đồng.
Việt - Nhật gia tăng chia sẻ lợi ích chiến lược
- Cập nhật : 13/09/2015
(Tin kinh te)
Với nền tảng vững chắc là sự tin cậy cao độ, Việt Nam và Nhật Bản đang đẩy nhanh tiến trình hợp tác nhằm thực hiện những mục tiêu chung, góp phần bảo đảm ổn định và hòa bình trong khu vực.
Việt Nam đầu tháng trước tiếp nhận chiếc tàu đầu tiên do Nhật hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội
"Sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Nhật Bản là một điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước, cho dù có những khác biệt về chế độ chính trị và mô hình kinh tế", ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng có bài viết trên tờ Japan Times, trước chuyến thăm chính thức Nhật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuần tới.
Theo ông Quân, hai nước Việt - Nhật suốt hơn 40 năm qua luôn đề cao việc coi trọng lẫn nhau nhờ có những tương đồng về văn hóa, sự gắn kết trong quá trình lịch sử, tinh thần hợp tác và cả tình cảm của nhân dân hai nước dành cho nhau.
"Nền tảng quan hệ là vững chắc, giờ đây hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung, có nhiều tiềm năng hợp tác để có thể bổ sung, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển bền vững", ông Quân nói.
Nhìn lại lịch sử, cũng như nhiều mối quan hệ quốc tế khác, Việt Nam và Nhật Bản cũng có những nốt trầm, đã xảy ra những điều đáng tiếc trong chiến tranh. Nhưng với tinh thần gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, hai nước đã có sự phát triển vượt bậc trong hợp tác. Từ tháng 3 năm ngoái, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thiết lập khuôn khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.
Đến nay, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư FDI lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong tổng số 90 tỷ USD vốn ODA của Việt Nam trong 20 năm qua, Nhật Bản đóng góp tới 30%. Nhiều công trình lớn về cơ sở hạ tầng, về công nghiệp ở Việt Nam mang dấu ấn của quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhật Bản cũng luôn tôn trọng chính sách phát triển của Việt Nam, cùng chia sẻ nhận thức tăng trưởng kinh tế để xóa đói giảm nghèo, hướng đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Người Nhật Bản từ thế kỷ 16 đã chọn Việt Nam làm điểm đến. Phố biển Hội An đã được quen gọi là “phố Nhật” (Nihon Machi) lớn nhất của Việt Nam lúc bấy giờ, trở thành trung tâm buôn bán của Nhật Bản với Đông Nam Á. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều dấu ấn đậm nét và nhiều di tích quan trọng đánh dấu sự giao lưu kinh tế và văn hóa Việt Nam – Nhật Bản.
Nói về hợp tác hiện nay, ông Quân khẳng định Việt Nam luôn đánh giá cao những đóng góp tích cực của Nhật Bản vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Việt Nam ủng hộ Nhật Bản có vai trò, vị thế xứng đáng, đóng góp ngày càng tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam cũng là nước sớm khẳng định và nhất quán ủng hộ Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi cơ quan này được mở rộng.
"Hai nước đều chủ trương xây dựng một châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Tăng cường hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, phù hợp với lợi ích của khu vực và thế giới", ông Quân viết.
Việt Anh
Theo Vnexpress