Trong khi có nhiều đơn tố cáo công ty kinh doanh đa cấp lừa đảo hàng chục tỉ đồng, cơ quan nhà nước lại chưa biết làm thế nào để xử lý
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 06-04-2016
- Cập nhật : 06/04/2016
400.000 dân đang cần cứu trợ khẩn cấp nước uống
Chắt chiu từng giọt nước
Đang bước vào cao điểm của mùa hạn mặn, trời nắng như đổ lửa, ao hồ trơ đáy, người dân ở vùng ven biển của tỉnh Bến Tre phải lay lắt sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri), mặn đã phủ trùm toàn xã mấy tháng nay, người dân đã phải chắt chiu từng giọt nước để vượt qua mùa hạn mặn. Người dân vật vã đào giếng tìm nguồn nước ngọt nhưng một số giếng nước lộ thiên cũng đã cạn khô. Bà Phạm Thị Sắn (ấp 3, xã An Hiệp, huyện Ba Tri) cho biết, năm nào cũng vậy, gia đình bà cũng hứng nước mưa để dự trữ cho mùa nắng.
Tuy nhiên lượng nước mưa không đáp ứng đủ nên gia đình phải xử dụng nước bị nhiễm mặn suốt cả tháng nay. “Mặc dù gia đình tôi có đào giếng để lấy nước nhưng giếng đào ở đây cũng bị nhiễm mặn và phèn nhiều không thể sử dụng sinh hoạt, nấu ăn được, phải mua nước ngọt bên ngoài với giá đắt đỏ” - bà Sắn chia sẻ.
Ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: “Nước ngọt đã cạn kiệt, giếng ngầm cũng không còn nước, người dân không có nước sử dụng, chúng tôi chỉ biết kêu gọi sự hỗ trợ của ngành chức năng cấp trên hỗ trợ vận chuyển nước ngọt bằng xe bồn cho người dân”.
Tại các xã ven biển ở Bến Tre, người dân thiếu nước ngọt sử dụng ngay từ đầu mùa hạn mặn, buộc lòng phải mua nước ngọt với giá vô cùng đắt đỏ (80.000 - 150.000 đồng/m3). Rất nhiều hộ nghèo không có điều kiện trữ nước mưa, phải chịu cảnh sinh hoạt bằng nước mặn, kể cả sử dụng nước mặn, không đảm bảo vệ sinh vào việc nấu ăn.
Mới đây, khoảng 3.000 tấn hàu của người dân ở xã Thừa Đức (Bình Đại) chết hàng loạt, thiệt hại trên 40 tỉ đồng. Các hộ nuôi hàu cho biết, nguyên nhân hàu chết do độ mặn của nước ngày càng cao. Nước mặn xâm nhập sớm, kéo dài còn làm cho toàn bộ gần 20.000ha lúa chết trắng, đàn vật nuôi bị nhiễm bệnh, hơn 6.000ha bưởi da xanh đặc sản của Bến Tre có nguy cơ bị xóa sổ. Mặc dù thời gian qua chính quyền địa phương dốc toàn lực đắp đập tạm ngăn mặn, lắp các trạm bơm nước ngọt từ đầu nguồn để chống chọi và khắc phục thiên tai hạn mặn, tuy nhiên cơn hạn mặn quá khốc liệt nên không kịp trở tay. Chưa bao giờ người dân Bến Tre cần sự hỗ trợ nước uống và sinh hoạt như lúc này.
Cứu trợ khẩn cấp
Chia sẻ những khó khăn với người dân tỉnh Bến Tre trong vùng bị hạn mặn, những ngày qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã phân công trực tiếp Tiểu đoàn Vận tải thủy 804, Trung đoàn Vận tải 659 Cục Hậu cần Quân khu 9 vận chuyển nước ngọt cứu trợ khẩn cấp cho người dân các huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại. Thượng tá Hà Đình Phượng - Phó phòng Vận tải Quân khu 9 cho biết, nước ngọt được tàu lấy tại Nhà máy nước BOO Đồng Tâm (Tiền Giang) chở đến hỗ trợ cho người dân ở một số xã khó khăn, bị ảnh hưởng nhiều do hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Bến Tre là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL. Mới đây, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam (HCTĐ - VN) đã đến huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cứu trợ khẩn cấp nước uống cho 1.000 hộ nghèo (40 lít nước/hộ) ở các xã: Lương Hòa, Lương Qưới, Phong Mỹ. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch HCTĐ - VN cho biết, Trung ương hội đang vận động chiến dịch chung tay góp sức hỗ trợ đồng bào miền Trung - Tây Nguyên và ĐBSCL bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Đồng thời, Trung ương hội sẽ xuất quỹ cứu trợ và các nguồn vận động khác, chuyển về cho nhiều địa phương hỗ trợ nước uống, nước sinh hoạt để bà con giảm bớt khó khăn trong mùa hạn mặn năm nay.
Mặc dù ngành chức năng đã kịp thời hỗ trợ nước uống, nước sinh hoạt ở một số nơi nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hàng chục ngàn hộ dân ở xứ dừa đang đối mặt với nguy cơ hết nước sạch uống trong những ngày tới.
Khởi tố 2 nghi phạm xưng là phóng viên, tống tiền doanh nghiệp
Phá đường dây lừa đảo qua mạng do người nước ngoài tổ chức
Danh sách 7 lãnh đạo mới được Quốc hội bầu chiều 5/4
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội chúc mừng và tặng hoa các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội mới được Quốc hội bầu. Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐTQH
Chiều 5/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và việc tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH về bầu một số chức danh.
Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Sau đó, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Đúng 16 giờ 45 phút, Trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí đã công bố kết quả bầu cử với các chức danh.
Cụ thể:
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến được bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIII.
Số phiếu đồng ý 474 bằng 95,5% tổng số ĐBQH, không đồng ý 11.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga được bầu vào chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII.
Số phiếu đồng ý 414 bằng 83,81% tổng số ĐBQH, không đồng 71.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Đức Hải được bầu vào chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa XIII.
Số phiếu đồng ý 447 bằng 90,49% tổng số ĐBQH, không đồng ý 37.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Trọng Việt được bầu vào chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII.
Số phiếu đồng ý 458 bằng 92,71% tổng số ĐBQH, không đồng ý 26.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD, TN,TN, NĐ của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải được bầu vào chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XIII.
Số phiếu đồng ý 296 bằng 59,92% tổng số ĐBQH, không đồng ý 138.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh được bầu vào chức Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIII.
Số phiếu đồng ý 334 bằng 67,64% tổng số ĐBQH, không đồng y 151.
"Như vậy, căn cứ nội quy kỳ họp Quốc hội, các ông, bà trên đã trúng cử các chức danh", ông Tý nhấn mạnh.
Với chức danh Tổng kiểm toán Nhà nước: Quốc hội đã bầu ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An vào chức danh này.
Số phiếu đồng ý 417 bằng 84,14% tổng số ĐBQH, không đồng ý 68.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông qua Nghị quyết về việc bầu các chức danh kể trên. Đa số các đại biểu đã thông qua Nghị quyết này.
Hà Nội đầu tư đường Vành đai 2 trên cao theo hình thức BT
Hà Nội vừa thống nhất triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 2 trên cao theo hình thức hợp đồng BT.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa thống nhất chủ trương triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở theo hình thức hợp đồng BT đồng bộ trên toàn tuyến (không phân kỳ giai đoạn đầu tư).
Về việc khớp nối Dự án đường Vành đai 2 trên cao với các dự án có liên quan tại nút giao thông (Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở), Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) và các đơn vị liên quan, các chuyên gia nghiên cứu, tính toán chi tiết về khớp nối cao độ với Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, phương án tổ chức giao thông tại các nút giao, đảm bảo hợp lý, khoa học, phù hợp quy hoạch; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề xuất, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Tập đoàn Vingroup về việc bổ sung, ghép nối Dự án xây dựng đường Vành đai 2 dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng và Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở theo hình thức hợp đồng BT; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề xuất, báo cáo UBND Thành phố, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy theo quy định.