tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 29-04-2016

  • Cập nhật : 29/04/2016

Thủ tướng yêu cầu thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với "nỗ lực cao nhất"

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan có liên quan cần tập trung thực hiện nghiêm các quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư.

Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 là hai luật quan trọng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc triển khai thi hành hai Luật này nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thêm động lực cho việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan có liên quan cần tập trung thực hiện nghiêm các quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, nhất quán các quy định của hai Luật này gắn với việc triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; tập trung kiện toàn tổ chức, xác định rõ trách nhiệm, nâng cao nhận thức, tinh thần và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức trong hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Về việc thực hiện các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp trao đổi, thống nhất với các Bộ, cơ quan ngang Bộ về nội dung, phạm vi của điều kiện đầu tư kinh doanh, phân biệt rõ với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, làm cơ sở cho việc xác định điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ. Trên cơ sở đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực được phân công quản lý, rà soát các Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư chưa ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần khẩn trương thực hiện: Đối với các dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định hoặc đã trình Chính phủ, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn tất các thủ tục để trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016.

Đối với các dự thảo Nghị định đang trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, gửi nội dung dự thảo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/5/2016 để tổng hợp, xây dựng một Nghị định của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng phải bảo đảm việc lấy ý kiến của các đối tượng điều chỉnh; Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự thảo Nghị định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định được ban hành sau ngày Luật đầu tư có hiệu lực, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/5/2016 để cập nhật và công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc có liên quan đến quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đô thị, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, giáo dục, công nghệ... thuộc thẩm quyền của Chính phủ để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc nêu trên; trình Chính phủ trong tháng 10/2016.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ các vướng mắc giữa Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư với các luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đô thị, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, giáo dục, công nghệ...; đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 8/2016.

Sau khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật này để Chính phủ trình Quốc hội.


Bình Định: Hơn 500 tỉ đồng đầu tư 2 khu nuôi tôm công nghệ cao

UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Thạnh Vân đầu tư Dự án Khu nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm ứng dụng công nghệ Biofloc tại xã Cát Khánh (Phù Cát).

Khu nuôi tôm thẻ chân trắng được đầu tư trên diện tích khoảng 20 ha (nằm trong quy hoạch Khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh phê duyệt), với tổng vốn đầu tư gần 95 tỉ đồng. Các hạng mục đầu tư gồm 42 ao tôm, 3 khu xử lý nước, 2 ao lắng và xử lý bùn, nhà điều hành và kho bãi. Khu nuôi tôm dự kiến chính thức hoạt động trong quý III/2018 với sản lượng 1.575 tấn tôm thẻ chân trắng/năm.

nguoi dan mien trung don ve sinh ho tom tha nuoi vu moi. anh: ha minh

Người dân miền Trung dọn vệ sinh hồ tôm thả nuôi vụ mới. Ảnh: Hà Minh

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Xanh ở TP Quy Nhơn đầu tư dự án khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao trên diện tích khoảng 30ha ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát với quy 85 hồ nuôi tôm trong nhà với 85 hồ chứa tạm và 8 hồ lắng xử lý nước đầu vào, 4 hồ lắng xử lý bùn cùng nhà điều hành, kho bãi. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 410 tỉ đồng, được triển khai trong 48 tháng theo 3 giai đoạn.


Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có cơ chế đặc thù với các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển theo đúng mục tiêu đã đặt ra.
phoi canh khu cong nghe cao hoa lac

Phối cảnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Xét đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất chủ trương ban hành cơ chế đặc thù cho Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc với các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo đúng mục tiêu đã đặt ra.

Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xác định rõ các cơ chế, chính sách đặc thù, thẩm quyền quyết định áp dụng cho Khu CNC Hòa Lạc và hình thức văn bản cho phù hợp với thẩm quyền.

Khu CNC Hòa Lạc là Khu CNC đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998 với mục tiêu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước. Đây là một dự án trọng điểm của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu phát triển nghành công nghệ cao cũng như năng lực nghiên cứu và phát triển của đất nước. 

Quy hoạch tổng thể của Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng trên diện tích 1,586 ha, với 8 khu chức năng chính bao gồm: Khu giáo dục và đào tạo, Khu nghiên cứu và triển khai, Khu phần mềm, Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu trung tâm, Khu dịch vụ tổng hợp, Khu nhà ở, Khu giải trí và thể dục thể thao


Giải quyết tranh chấp tín dụng bằng trọng tài

Ngân hàng nên tận dụng ưu điểm trên bằng cách chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài để dễ có và nhanh có một phán quyết có giá trị thi hành nhằm sớm thu hồi nợ. 

“Tranh chấp tín dụng có thể là tranh chấp về hợp đồng tín dụng hay tranh chấp về hợp đồng bảo đảm hợp đồng tín dụng. Cả hai loại tranh chấp này đều có thể được giải quyết bằng trọng tài và hướng giải quyết này có nhiều ưu điểm mà phía ngân hàng cần lưu tâm” đó là chia sẻ của PGS.TS.Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật dân sự - Đại học Luật TP.HCM, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tại tọa đàm “Xử lý tranh chấp về dịch vụ ngân hàng tại tòa án và trọng tài” do Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.

viec giai quyet bang trong tai la phu hop voi cac tranh chap tin dung 

Việc giải quyết bằng trọng tài là phù hợp với các tranh chấp tín dụng 

Vẹn cả đôi đường

Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại phân tích, tranh chấp hợp đồng tín dụng thực chất là tranh chấp hợp đồng vay. Trong hợp đồng vay tín dụng, bên cho vay là ngân hàng có hoạt động thương mại nên tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại. Điều này đã được ghi trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010, “Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài: Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại”.

Đối với tranh chấp hợp đồng bảo đảm, thực tế cho thấy tranh chấp về biện pháp bảo đảm cho hợp đồng tín dụng thường tập trung vào các biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận như bảo lãnh, cầm cố hay thế chấp.

Ở tranh chấp này, bên nhận bảo đảm là ngân hàng và ngân hàng hoạt động thương mại nên tranh chấp hoàn toàn có thể được giải quyết bằng trọng tài trên cơ sở quy định nêu trên. Thực tế, VIAC đã từng thụ lý, giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh cũng như hợp đồng bảo đảm bằng tài sản như cầm cố.

Ông Đại cũng cho biết, thực tế tại VIAC đã gặp trường hợp các bên có tranh chấp về biện pháp bảo đảm cũng như hợp đồng vay, nhưng cũng gặp trường hợp các bên có tranh chấp về biện pháp bảo đảm mà lại không tranh chấp với nhau về hợp đồng vay tín dụng (tranh chấp này được giải quyết tại tòa án).

Tại tòa án, hai loại tranh chấp trên được giải quyết cùng nhau. Chẳng hạn, theo một bản án, “mặc dù hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp là hai hợp đồng độc lập với nhau, nhưng lại có mối liên quan chặt chẽ với nhau: hợp đồng thế chấp là một bộ phận quan trọng của hợp đồng tín dụng (phải có tài sản thế chấp thì mới được vay tiền và khi không trả được nợ thì phải phát mãi tài sản thế chấp để thanh toán nợ).

Vì vậy, khi nguyên đơn yêu cầu xét hợp đồng tín dụng thì đương nhiên phải xét cả hợp đồng thế chấp, vì hợp đồng thế chấp có đúng pháp luật thì khi bên vay không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, nguyên đơn mới có thể yêu cầu cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản đã thế chấp.

Ngược lại hợp đồng thế chấp mà không đúng quy định của pháp luật thì việc chuyển giao tài sản để phát mãi hay bán đấu giá để thu hồi nợ không thể thi hành được. Chính vì sự liên quan chặt chẽ như vậy nên khi giải quyết một hợp đồng tín dụng, phải xét giải quyết cả hợp đồng thế chấp tài sản”.

Trường hợp này, các tranh chấp trên hoàn toàn có thể được giải quyết bằng trọng tài như đã trình bày. Tuy nhiên, nếu để một trong hai loại tranh chấp trên được giải quyết bằng trọng tài, và tranh chấp còn lại bằng tòa án sẽ dẫn tới khó khăn trong việc chờ đợi kết quả, không thống nhất trong hướng xử lý.

Do đó, ngân hàng nên theo hướng thỏa thuận cả tranh chấp vay tín dụng và tranh chấp về biện pháp bảo đảm bằng trọng tài. Ông Đại cho biết VIAC đã từng giải quyết vụ việc trong hợp đồng vay có biện pháp bảo đảm, bên cho vay và bên vay cũng như bên bảo đảm cùng thỏa thuận chọn VIAC. Hướng này càng trở thành khả thi khi VIAC ban hành quy tắc mới cho phép gộp các tranh chấp vào cùng một vụ việc.

Rút ngắn thời gian thu hồi nợ

Khẳng định việc giải quyết bằng trọng tài là phù hợp với các tranh chấp tín dụng vì về cơ bản các tranh chấp này là không phức tạp, ông Đại còn chỉ ra một ưu thế khác của phương pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, đó là nhanh, gọn và kín đáo. Điều này rất có ý nghĩa với hoạt động của ngân hàng, đáp ứng được tính bảo mật của khách hàng.

Một đặc trưng nữa của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là “Phán quyết trọng tài là chung thẩm”. Nếu giải quyết tranh chấp tại tòa án, bản án sơ thẩm có thể bị phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, thì phán quyết trọng tài không thể như thế.

Do đó, ngân hàng nên tận dụng ưu điểm trên bằng cách chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài để dễ có và nhanh có một phán quyết có giá trị thi hành nhằm sớm thu hồi nợ.

Bởi Luật Trọng tài quy định “Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài”.(TBNH)


Học thói xấu Trung Quốc: Gian dối thì học rất nhanh...

"Những sáng kiến trong xây dựng, quản lý kinh tế của VN rất hạn chế, trong khi đó, TQ đã nhìn ra và đi trước một bước dài", ông Nam nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trường Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho tới nay mọi ghi nhận về chính sách, chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam không những đi sau mà vẫn chỉ đi theo Trung Quốc.

Theo vị chuyên gia này, bằng các hình thức gửi nghiên cứu sinh, chuyên gia, nhà quản lý đi du học và ở lại nghiên cứu, làm việc tại các tổ chức quốc tế mà ngay từ những năm 80-90, Trung Quốc đã có một đội ngũ cán bộ quản lý rất linh hoạt.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Họ được tiếp cận với một nền quản trị hiện đại, rất mở của các nước phương Tây. Chính vì vậy, trong cách hiểu và cách làm của Trung Quốc cũng mang dáng dấp của một nền kinh tế thị trường nhiều hơn, hướng đi đúng với một nền kinh tế thị trường hơn.

Trên thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế cũng có ghi nhận một số chủ trương Việt Nam đưa ra ý tưởng trước nhưng lại chưa thực hiện được, sau đó Trung Quốc thực hiện và Việt Nam lại là nước đi theo. Ví dụ như cơ chế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, Việt Nam chính là nước đưa ra định hướng trước nhưng chưa làm được. Trong khi đó, Trung Quốc đi sau nhưng họ đã làm nhanh hơn và bật hẳn lên, còn ta thì tới bây giờ vẫn ì ạch đi theo.

Trung Quốc đã bỏ xa Việt Nam về mọi mặt. Ông Nam cho rằng, lỗi không nằm ở tư tưởng đi sau hay đi theo, về bản chất Trung Quốc cũng đi sau và đi theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển nhưng họ đã học rất nhanh và vận dụng rất tốt vào kinh tế nước họ. Tức là cách người ta vận dụng kinh nghiệm học được vào thực tế của đất nước thế nào chứ không phải là cách bê nguyên bài học của họ để áp cho đất nước mình.

Chính vì thế, ông cho rằng: “Việt Nam đi sau Trung Quốc nhưng bi kịch hơn ở chỗ ta lại đi theo cách của Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu, những mặt trái của nước bạn". Chúng ta đang bê nguyên mô hình, cách làm của Trung Quốc về áp dụng cho bối cảnh của nước mình, luẩn quẩn mãi trong vòng cải cách, ông nói.

Theo ông, ở VN dễ thấy hầu hết lãnh đạo đều mang tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn ngắn hạn, bị động, cứ khi sự việc xảy ra rồi mới chạy theo để giải quyết, khắc phục.

Vì thế mà dù hội nhập cả mấy chục năm nhưng cái Việt Nam thu được là số lượng dự án đầu tư nước ngoài cùng một chút việc làm giá rẻ cho người lao động. Nhưng nếu đặt câu hỏi, Việt Nam đã học được gì và có được gì nhờ vào hội nhập, đầu tư thì có thể khẳng định là không đáng kể. Vì thế, đứng trên góc độ đánh giá về sức lan tỏa tới nền kinh tế trong nước có thể nói chúng ta thất bại.

Gần như doanh nghiệp Việt không lớn, không vươn lên được, không trưởng thành được mà thậm chí còn đang bị chết nghẹt trong chính thị trường nội địa từ thị trường bán lẻ cho tới sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục