Việt Nam kiên quyết phản đối việc Trung Quốc thông qua quy hoạch với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu hủy bỏ hành động này.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 29-04-2016
- Cập nhật : 29/04/2016
Palau bắt và đốt hai tàu cá Việt Nam vì "đánh bắt trái phép"
Theo Đài TNHK, sau hai tuần theo dõi, lực lượng tuần duyên Palau tuần trước đã chặn bắt hai tàu cá Việt Nam và đưa số tàu này cùng các ngư dân về cảng.
Bộ trưởng Tư pháp Palau, ông Bradley nói: "Palau đang làm tốt việc huấn luyện thực thi Luật Bảo tồn biển. Chúng ta có luật lệ nghiêm ngặt, sự phối hợp giữa cơ quan tuần duyên và tòa án".
Kể từ tháng 2 vừa qua, Palau đã bắt giữ 2 tàu cá từ Philippines. Thuyền trưởng các tàu này đã bị truy tố về tội đánh bắt cá trái phép và bị kết án 60 ngày tù giam, đồng thời bị tịch thu tàu thuyền cũng như thiết bị.
Để phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự nghiêm khắc của luật biển Palau, hai tàu cá của Việt Nam sẽ bị đốt cháy công khai và được phát sóng khắp thế giới.
Hàn Quốc bắt 3 người giúp phụ nữ Việt nhập cảnh trái phép
Hàn Quốc bắt 3 người giúp 5 phụ nữ Việt nhập cảnh trái phép dưới vỏ bọc đi du lịch.
Tờ Korea Herald (Hàn Quốc) đưa tin ngày 28/4, ba người đàn ông Hàn Quốc đã bị bắt vì giúp 5 phụ nữ Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Hàn Quốc dưới vỏ bọc đi du lịch để chữa bệnh.
Hiện vẫn chưa rõ tung tích của những phụ nữ Việt Nam nhập cảnh trái phép nói trên.
Cảnh sát Daegu cho biết những người đàn ông đã đưa 5 phụ nữ trẻ tầm 20 tuổi vào Hàn Quốc với mức phí 1.300 USD/người. Những người bị bắt đã tuyển dụng các phụ nữ ở Việt Nam, giúp họ làm giả thủ tục đăng ký bệnh viện và làm thị thực.
Theo hồ sơ, những người phụ nữ này tới Hàn Quốc từ tháng 8/2015 nhưng cho tới nay chưa hề xuất hiện tại bệnh viện mà họ đăng ký khám bệnh. Cảnh sát đang điều tra nơi họ lẩn trốn dựa trên một số manh mối thông tin.
Ngoại trưởng Kerry: Việt Nam cởi mở "phi thường" sau chiến tranh
Là người từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi sự cởi mở "phi thường" của nhân dân Việt Nam khi vượt qua sự thù hận để mở rộng cửa cho phép người Mỹ quay trở lại.
Tối 27/4 (sáng 28/4 theo giờ Hà Nội), tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam với tên gọi "Vietnam War Summit" diễn ra tại Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở thành phố Austin, thủ phủ bang Texas, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu đầy xúc động về chiến tranh Việt Nam với tư cách một người từng trực tiếp tham gia cuộc chiến, cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã cho thấy một bài học về việc khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.
Buổi hội thảo trên diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 41 năm kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam và trước khi Ngoại trưởng Kerry tháp tùng Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam vào cuối tháng 5 tới trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ, đã thu hút sự tham dự của gần 1.000 người, bao gồm các cựu chiến binh Mỹ, các chính khách, nhà báo từng tham gia chiến tranh Việt Nam cũng như những học giả nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam...
Phát biểu tại hội thảo, Ngoại trưởng Kerry chỉ rõ bài học quan trọng nhất mà nước Mỹ cần rút ra từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Việt Nam là khi đánh giá về một nước cần nhìn nhận qua lăng kính của người dân ở chính nước đó. Ông ca ngợi sự cởi mở "phi thường" của nhân dân Việt Nam khi vượt qua sự thù hận để mở rộng cửa cho phép người Mỹ quay trở lại tìm kiếm binh lính Mỹ bị chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam, cho dù còn rất nhiều bộ đội Việt Nam hy sinh vẫn chưa tìm được hài cốt. Theo ông, phía Việt Nam muốn làm như vậy bởi vì chính bản thân người dân Việt Nam cũng muốn gác lại quá khứ chiến tranh để hướng tới tương lai. Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh với ông cũng như nhiều cựu binh Mỹ khác, quá trình hàn gắn và bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh không phải là lãng quên vì lãng quên có nghĩa là ngừng học hỏi.
Ông Kerry nhấn mạnh quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, số lượng du khách Mỹ tới Việt Nam tăng từ 60.000 lên nửa triệu người, kim ngạch thương mại song phương tăng từ 400 triệu USD lên 45 tỷ USD, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng từ 800 lên gần 19.000 người. Ông thừa nhận mặc dù vẫn còn tồn tại những bất đồng, hai nước đều đang cố gắng vượt qua và tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Hiện, hai nước đang tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh, quan hệ giữa quân đội với quân đội ngày càng được mở rộng, hai nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm tới hơn 40% GDP toàn cầu, hợp tác chặt chẽ trong vấn đề sông Mekong, trường Đại học Full Bright sẽ được mở tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm nay,...
Trên cương vị một quân nhân, ông Kerry từng được trao nhiều huân chương khi phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi rời quân ngũ, ông trở thành một người phản chiến mạnh mẽ dẫn đến làn sóng biểu tình rầm rộ phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ hồi năm 1971. Ngoại trưởng Kerry cho biết ông thường hồi tưởng lại những ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam khi tìm kiếm giải pháp tại các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Triều Tiên hay cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Trong khuôn khổ hội thảo "Vietnam War Summit" kéo dài 3 ngày (từ 26-28/4) với mục đích trao đổi thẳng thắn về chiến tranh Việt Nam, bài học và di sản của cuộc chiến còn có sự góp mặt của rất nhiều nhân chứng lịch sử như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người từng phục vụ dưới các đời Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Gerald Ford; nhà hành động phản chiến Tom Hayden; phóng viên ảnh Nick Út của hãng thông tấn AP, người từng đoạt giải báo chí Pulitzer với bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm"... Dự kiến, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh sẽ có bài phát biểu quan trọng trong phiên thảo luận vào ngày 28/4 (sáng 29/4 theo giờ Việt Nam).
Chi 200.000 tỷ đồng mỗi năm mua sắm tập trung tài sản công
Số liệu này được ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) công bố tại cuộc họp báo chuyên đề diễn ra chiều nay (28/4). Ông Thịnh cũng khẳng định, cơ chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cụ thể, mô hình mua sắm tập trung sẽ khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ mua sắm.
Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, nội dung công khai trong mua sắm tập trung bao gồm cả số lượng, chủng loại, đơn giá tài sản mua sắm, nguồn vốn mua sắm, hình thức mua sắm, nhà thầu cung cấp tài sản; các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm.
Các khoản lót tay, hoa hồng trong mua sắm tài sản tập trung sẽ phải công khai và nộp về ngân sách nhà nước
Đại diện Bộ Tài chính lý giải, các nhà cung cấp thường có chế độ khác nhau với khách hàng trong mua sắm tài sản kể cả mua sắm tập trung hay riêng lẻ. Riêng với mua sắm tập trung thì khối lượng tài sản mua sắm rất lớn nên khi công khai kết quả mua sắm công bắt buộc phải minh bạch những khoản chiết khấu, giảm giá, chi hoa hồng.
Thông thường, những khoản chiết khấu giảm giá đã được tính vào giá bán còn các khoản hoa hồng, lót tay (nếu có) sẽ nộp về ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật chứ không để lại cho đơn vị mua sắm.
Mặc dù không lượng hóa được số tiền sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước nhờ phương thức mua sắm tập trung, song ông Thịnh cũng tiết lộ, theo kinh nghiệm các nước, phương thức này sẽ giảm chi phí khoảng 10-17% so với phương thức mua sắm riêng lẻ áp dụng trước đó. Còn nguồn lực chi ngân sách cho mua sắm tập trung ước tính khoảng 200.000 tỷ đồng mỗi năm.
Vừa qua, thông qua thí điểm mua sắm tập trung tại một số đơn vị bộ ngành, địa phương cho thấy, việc mua sắm tập trung đã đạt được những mục tiêu như dự kiến, đó là thu hẹp đầu mối, tiết kiệm, rà soát để đảm bảo định mức sử dụng tài sản của các cơ quan đơn vị nhà nước. Khoản tiết kiệm ban đầu thấy được là 500 tỷ đồng, đó là mới chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ và các địa phương cũng mới chỉ chọn thí điểm mua sắm tập trung ở một số mặt hàng.
Tuy vậy, ông Thịnh cũng cho biết, do Quyết định 08 của Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung có hiệu lực thi hành từ 10/4/2016 và việc mua sắm tài sản tập trung là không bắt buộc nên trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, nhiều bộ ngành địa phương có nhu cầu mua sắm với số lượng lớn chưa thực hiện. Nguyên nhân do phương thức không phù hợp, tốn thời gian, giảm chủ động của đơn vị mua.
Theo lộ trình đặt ra, Bộ Tài chính phải có tổng hợp báo cáo Chính phủ kết quả mua sắm tập trung của cả nước cùng với báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hàng năm theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trước ngày 31/3. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số đơn vị chưa gửi báo cáo.
Hiện tại, Bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia của bộ, ngành trung ương, địa phương về Bộ Tài chính trước ngày 30/5/2016.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận khuyết điểm
“Đây là một thảm họa môi trường hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Các Bộ ngành mặc dù có những sự nỗ lực nhưng việc điều phối triển khai sự cố có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con cũng như giới truyền thông. Với tư cách là bộ trưởng tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã nói về vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Ngày 28/4, đoàn công tác của Bộ TN&MT do ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng dẫn đầu đã trực tiếp về vùng biển Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lấy mẫu nước và mẫu trầm tích để tìm nguyên nhân dẫn tới cá chết hàng loạt vừa qua.
Cùng đi có lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Công ty Formosa và đại diện một số cơ quan báo chí truyền thông.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ đi bằng tàu, đoàn công tác đã tới vị trí ống xả thải của Công ty Formosa. Tại đây đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước ở tầng mặt nước và tầng đáy, đồng thời lấy mẫu trầm tích để truy tìm nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết: “Trước đây các Bộ, ngành cũng đã lấy mẫu nước và mẫu trầm tích để xác định nguyên nhân. Bây giờ tiếp tục lấy các mẫu để so sánh, đối chiếu. Lấy mẫu trầm tích là để kiểm tra xem có thành phần kim loại nặng hay không”.
Tiếp sau đó, đoàn của Bộ cũng đã kiểm tra tại hệ thống xử lý nước thải, quan trắc môi trường và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.
Sau buổi kiểm tra, trao đổi với báo chí, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chia sẻ cùng toàn thể bà con nông dân 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, hiện nay đang chịu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bởi thảm họa này.
“Hiện Bộ TN&MT, các Bộ ngành liên quan và các nhà khoa học đang tích cực xác định chính xác nguyên nhân trên cơ sở khoa học để có biện pháp hướng xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật,cũng như giải quyết trước mắt và lâu dài. Chúng tôi mong bà con tiếp tục tin tưởng các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ tuyệt đối bằng hết sức trách nhiệm của mình để xác định chính xác nguyên nhân. Với tinh thần công tâm, khoa học hết sức trách nhiệm với nhân dân và Đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận những sai sót, hạn chế, đồng thời nhận trách nhiệm trước sự việc này.
“Đây là sự cố, một thảm họa môi trường rất lớn, hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Các Bộ ngành cơ quan mặc dù có những sự nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai sự cố, thảm họa lớn thế này là chưa có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con cũng như công luận. Với tư cách là Bộ trưởng tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này”, Bộ trưởng nói.
“Thời gian tới, đánh giá việc cá chết có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không thì các Bộ ngành sẽ tiếp tục tìm hiểu, kiểm tra xử lý các mẫu vật. Sau khi có kết luận cuối cùng thì Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể về vấn để tiếp tục đánh bắt, tiêu dùng các loại hải sản”.
Cũng theo Bộ trưởng cho biết, hiện nay cho thấy thành phần chất lượng môi trường xung quanh ở biển chưa có phát hiện ra các thông số mà không đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
“Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các UBND, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, quan trắc nước biển và để có những công bố và cảnh báo để làm sao bà con trong thời gian nghỉ lễ có thể tham gia các dịch vụ du lịch cũng như là tắm biển một cách bình thường”, Bộ trưởng cho biết.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các nhà khoa học và đặc biệt sẽ làm việc với các cơ sở sản xuất có liên quan các nguồn thải chính để làm sao có thể minh bạch công khai thường xuyên giám sát được các nguồn thải, chất thải.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh:“Qua kiểm tra, chúng tôi thấy chưa phát hiện được một bằng chứng gì về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải với thảm họa về môi trường nhưng về gián tiếp thì có những vấn đề liên quan”.
“Hiện nay công nghệ có thể cho phép chúng ta lắp camera trực tuyến để theo dõi toàn bộ các hoạt động về khu vực giám sát xả thải, đồng thời có thể đặt một số thiết bị tự động, để nếu khi cần Sở TN&MT có thể tự động để lấy các mẫu nước thải, chất thải”, Bộ trưởng yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Formosa và các ngành chức năng.
Cũng chia sẻ với Dân trí, Phó GSTS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt nam, cho biết, qua nhận định ban đầu về mặt khoa học thì, nếu theo kết quả khảo sát thì rất khó để tìm ra nguyên nhân vì các sự cố, sự việc đã qua rồi, vì các sự cố bất thường vì nó chỉ xảy ra rất ngắn.
“Vấn đề bây giờ là nó tích lũy ở đâu cho nên tại sao mình phải lấy mẫu trầm tích xem nó có tích lũy ở đó hay không. Còn khi sự việc xả ra thì mình phải đặt ra các giả thiết rồi sau đó loại trừ. Ở đây theo các thông tin từ Tổng cục Môi trường cung cấp thì đây là vùng có nguồn cung cấp dinh dưỡng khá lớn điều này có thể gây ảnh hưởng đến môi trường”, Phó GSTS Võ Sỹ Tuấn cho biết.